Tôi sinh năm 1986, quê ở An Dương, Hải Phòng. Hiện tại, tôi đã lập gia đình và có con trai đầu lòng hơn 4 tháng tuổi. Công việc của tôi là làm nông. Tôi xin kể lại câu chuyện của mình sau khi đọc qua bài "Muôn kiểu xin cho bệnh nhân về nhà... để chết" đăng tải trên Zing. Bài viết đã mang đến cho tôi quá nhiều cảm xúc lẫn bức xúc bởi hành động của những người con tìm mọi lý do để đưa ba mẹ về nhà chết.
Cuối năm 2011, tôi làm nhân viên bảo vệ. Một buổi tối trời mưa rất to, tôi trở về nhà sau khi đi làm ca 3 (22h - 6h sáng) bất ngờ gặp tai nạn giao thông. Vì đường quá tối và trơn, xe máy của tôi lao vào cột báo giao thông, tay cầm của xe đã đâm thẳng vào bụng tôi với lực mạnh. Tôi được đưa vào bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán tôi mất 70% sức khỏe, 9/10 là chết vì đứt 3 đoạn ruột, cắt 2/3 lá lách, dập gan, gãy 5 chiếc răng. Trong khi mọi người đều chắc chắn tôi không thể qua khỏi cơn nguy kịch, mẹ vẫn cố gắng chữa trị vì gia đình chỉ có 2 mẹ con.
Bà nội không xem gia đình tôi ra gì vì chúng tôi rất nghèo. Bố tôi là con trưởng nhưng ông đã mất từ lâu. Nhà tôi nghèo nhưng chúng tôi chưa bao giờ ngửa tay xin ai một đồng. Bản thân tôi từ bé đến lớn cũng không xin ông bà nội lấy 100 đồng ăn kẹo.
Khi tôi gặp tai nạn, bác sĩ khẳng định, họ có cứu được tôi cũng chỉ sống thực vật. Với mẹ, dù còn một tia hy vọng nhỏ nhoi bà vẫn cố gắng, dù bán cả sản nghiệp để cứu được tôi, bà vẫn làm, vì còn nước còn tát. Thế nhưng, bà nội tôi nói với mẹ: "Mày mang con về nhà mà tát". Rồi bà đi luôn không quan tâm đến việc mẹ con tôi ra sao.
Trước hoàn cảnh khó khăn hiện tại của mẹ con tôi, các cô chú ruột có điều kiện kinh tế hơn đã đóng góp và đưa mẹ tôi tổng cộng... 5 triệu đồng. Đó cũng là tất cả số tiền tôi nhận được từ họ để lo viện phí.
Vì chi phí phát sinh lên đến 100 triệu đồng, không đủ tiền, mẹ tôi chạy ngược chạy xuôi vay mượn bạn bè, nhưng số tiền vẫn không được bao nhiêu. Đường cùng, mẹ phải mang sổ đỏ đi cầm, chia đất ở nhà làm 3 phần, bán đi 2 phần để lo cho tôi. Phần đất còn lại, gia đình tôi chỉ dựng tạm túp lều để sống và làm ruộng. Dù tôi với mẹ từ trước đến giờ không hợp nhau nhưng chưa bao giờ mẹ có ý nghĩ bỏ rơi con. Còn các bạn có dám làm thế khi người nằm viện là bậc sinh thành của mình chưa?
Lúc đó, tôi nằm hôn mê nhưng vẫn biết tất cả. Bằng nghị lực, tôi cố gắng vượt qua cửa sinh tử và chưa đầy 1 tháng từ lúc tai nạn, tôi đã bình phục. Tôi không chỉ khỏe mạnh trở lại mà còn đi được xe máy. Tôi thật sự cảm ơn trời Phật đã không lãng quên lời cầu xin của tôi khi tôi ở giữa cõi sống và chết. Điều quan trọng hơn cả là tôi đã được mẹ cho mình một cuộc sống thứ hai.
Khi bác sĩ cho phép tôi xuất viện, các cô chú lần lượt đến nhà đòi nợ 5 triệu đồng đã đưa mẹ. Dù không còn nhiều tiền, nhưng mẹ tôi đã cảm ơn họ và cố gắng để trả luôn cho họ số tiền đó. Tôi không hiểu vì sao cùng là con người, máu mủ với nhau, họ lại có thể đối xử với gia đình tôi như vậy.
Sau khi vượt qua cửa tử, tôi thêm thấu hiểu sâu sắc, chỉ có cha mẹ mới lo lắng, hy sinh cho con cái một cách vô điều kiện. Ngay cả khi tôi đã được rất nhiều bác sĩ khẳng định, tôi sẽ chết, mẹ vẫn lo chữa trị để tôi được sống.
Tôi là người từng chết đi sống lại, được trở lại với cuộc đời này chỉ với một tia hy vọng nhỏ bé từ mẹ. Tôi tự hỏi, nhiều người con hiện nay liệu có bất chấp tất cả để cứu ba mẹ mình không, hay họ phải tính toán chi li từng xu một?
Tôi tự hỏi, đã có ai hỏi vì sao ba mẹ mình càng ngày càng già, trán càng nhiều nếp nhăn chưa, hay họ xuề xòa nhận xét đó là do tuổi tác?
Tôi tự hỏi, mọi người có bao giờ dành thời gian để nghĩ ngược lại thời gian mình được sinh ra chưa? Các bạn cũng chăm lo cho con cái, muốn cho con luôn được đầy đủ, nhận được nhiều sự yêu thương cũng như dồn tất cả cho con. Cha mẹ bạn từng đối với bạn như vậy, nhưng khi họ lớn tuổi, già nua, đau bệnh lại bị bỏ quên.
Với tôi, mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời để lo cho con, dõi theo từng bước đi của tôi dù thành công hay thất bại. Tôi được tồn tại đến ngày hôm nay, có một gia đình nhỏ, tôi rất biết ơn mẹ dù mẹ không cần tôi phải trả ơn cho bà. Bởi mẹ chỉ cần con cháu được khỏe mạnh, vững tin trên đường đời, không đòi hỏi gì và chưa bao giờ quay lưng với con cái.