Các nhà làm phim truyền hình miền Bắc đang gây sức ảnh hưởng lan rộng đến miền Nam, và họ không giấu tham vọng này. Có nhiều động thái chứng tỏ sức mạnh của phim truyền hình miền Bắc đang áp đảo: diễn viên miền Nam ra Bắc đóng phim, đoàn phim miền Bắc vào Sài Gòn quay (Những ngọn nến trong đêm 2), thậm chí còn thử nghiệm phiên bản lồng tiếng miền Nam cho phim Bắc như Người phán xử.
Việc tạo sức ảnh hưởng lan rộng của các đạo diễn phim miền Bắc là một chiến lược đã được ấp ủ từ lâu, từ khi họ cất công vào Sài Gòn casting nữ chính cho phim Tuổi thanh xuân, để từ đó một Nhã Phương trẻ trung xinh đẹp tỏa sáng trong loạt dự án mới của phim Bắc, cũng từ đó một đế chế làm phim mới được phục hưng trên nhiều phương diện.
Từ câu chuyện casting ngoài hành lang của Nhã Phương
Năm 2015, khi ấy Nhã Phương chưa phải là cái tên hot như bây giờ. Choáng ngợp khi được chú ý từ phim Tuổi thanh xuân phần 1 lên sóng năm 2014, Nhã Phương từng chia sẻ cô vốn rất tự ti về bản thân, vì biết chân không dài, không xinh đẹp nổi bật.
Sau Tuổi thanh xuân, Nhã Phương có thêm loạt vai nữ chính trong các dự án phim truyền hình được các nhà làm phim phía Bắc sản xuất. |
Những ngày ấy, Nhã Phương rất chăm chỉ đi casting phim, và kỷ niệm với Tuổi thanh xuân được cô kể lại: “Sau này, anh Đỗ Thanh Hải đã nói với tôi rằng, khi xem ảnh, anh ấy gạt tôi đầu tiên. Hôm đoàn phim vào TP.HCM tổ chức casting, tôi đến cuối cùng. Khi tôi đến, phòng casting đã được trả. Anh Đỗ Thanh Hải và đạo diễn chuẩn bị ra về".
"Tôi lao đến, tóc tai quần áo tơi bời vì đi đường xa đến, lúc ấy chắc nhìn xấu thậm tệ, tôi vẫn xin được tham gia thử vai. Anh Hải đã nói với tôi: ‘phòng casting đã trả rồi, vậy em diễn thử ở hành lang nhé’. Tôi đồng ý. Và sau này, khi nhận được vai diễn rồi, đạo diễn có nói với tôi, ngay khi tôi diễn phân đoạn đầu tiên họ đã nhận ra nhân vật Linh đây rồi”, cô kể.
Phim truyền hình miền Bắc từng đối mặt với giai đoạn suy thoái kéo dài. Kịch bản tẻ nhạt, câu chuyện quẩn quanh, diễn viên quen mặt, nhàm chán khiến rating kém cỏi, phim Việt bị đánh bật khỏi các khung giờ phát sóng. Phim Hàn Quốc, Trung Quốc ồ ạt xâm chiếm khắp các giờ vàng.
Khó khăn đẩy phim truyền hình đến bờ vực bị xóa sổ. Kế hoạch giải cứu phim truyền hình được triển khai gấp rút. Bắt đầu từ năm 2011, 2012, những chuyến sang Hàn Quốc học hỏi, giao lưu, ký kết hợp tác được thực hiện, và Tuổi thanh xuân có thể được ví là bước đi đầu tiên của quá trình phục hưng phim truyền hình phía Bắc, phim được phối hợp thực hiện cùng các đạo diễn, diễn viên Hàn Quốc.
Có kịch bản chuyển thể, có đạo diễn Hàn hỗ trợ, công việc quan trọng của các nhà làm phim Việt Nam lúc bấy giờ còn là tìm kiếm một gương mặt nữ diễn viên mới, trẻ trung cho vai chính Tuổi thanh xuân. Hành trình vào TP.HCM casting thể hiện sự nỗ lực, cố gắng tìm một gương mặt hoàn toàn mới cho phim Bắc và từ Nhã Phương, nhiều mỹ nam, mỹ nữ đã từ Sài Gòn cũng "Bắc tiến".
Cuộc đổ bộ của các mỹ nam, mỹ nữ
Có nhiều lý do quanh cuộc đổ bộ “Bắc tiến” của loạt diễn viên Sài Gòn. Đó có thể là chiến lược gây ảnh hưởng sâu rộng của các đạo diễn phim miền Bắc. Đó có thể là sự tìm kiếm những gương mặt mới lạ hơn thay thế số lượng diễn viên miền Bắc còn hạn chế.
Câu chuyện “Bắc tiến” cũng có thể vì phim truyền hình miền Nam đang rơi vào trạng thái ngủ đông không hứa hẹn hồi kết. Chỉ biết, khi ra Bắc, loạt diễn viên Sài Gòn đã gây chú ý, đã tạo được ấn tượng, theo những cách khác nhau.
Các diễn viên miền Nam tham gia Ngày ấy mình đã yêu. |
Tuổi thanh xuân như bước đệm để Nhã Phương vươn xa, trở thành diễn viên hot của màn ảnh nhỏ. Cùng với Nhã Phương, Kim Tuyến cũng “Bắc tiến” với một vai nữ phụ trong bộ phim này. Ở lễ trao giải Cánh Diều Vàng năm 2016, cả Nhã Phương và Kim Tuyến đều đoạt giải Nữ diễn viên chính/phụ xuất sắc ở thể loại Phim truyện truyền hình.
Sau Tuổi thanh xuân, Nhã Phương vụt sáng, được mời đóng nữ chính trong loạt dự án tiếp theo như Tuổi thanh xuân 2, Khúc hát mặt trời, Ngày ấy mình đã yêu…
Từ Nhã Phương, Kim Tuyến, lần lượt các diễn viên Chi Bảo, Bình Minh, Minh Trang, Nhan Phúc Vinh, Lương Thế Thành, Xuân Nghị… ra Bắc đóng phim và đều để lại dấu ấn. Diễn viên hài Xuân Nghị gây sốt với vai Đức cần-trô, Nhan Phúc Vinh đoạt Cánh Diều Vàng về diễn xuất, Lương Thế Thành với vai diễn trong Ngày ấy mình đã yêu được yêu mến như một soái ca…
Gần nhất, diễn viên Quốc Trường “Bắc tiến” với vai diễn trong phim Về nhà đi con, vai diễn lập tức gây ấn tượng và gây xôn xao màn ảnh nhỏ.
Trước khi “Bắc tiến”, cả Quốc Trường, Nhan Phúc Vinh, Lương Thế Thành… đều đang loay hoay, chìm dần giữa bối cảnh ngủ đông của phim truyền hình miền Nam, họ không có vai diễn gây chú ý giữa hàng loạt vai diễn mờ nhạt như nhau, họ mải miết theo game show để tìm cơ hội mưu sinh khác.
Đức "Cần Trô" là vai được yêu mến của Xuân Nghị. |
Giấc ngủ đông kéo dài
Đạo diễn Hàn Quốc khi sang Việt Nam làm phim từng khen ngợi, diễn viên Việt Nam rất đẹp và tài năng, không thua kém gì diễn viên xứ kim chi. Nhưng để làm nên một trào lưu phim nở rộ, để hoàn tất được cuộc chấn hưng, chỉ diễn viên thôi, chưa đủ. Còn cần những đạo diễn đủ tài, đủ tâm, đủ tầm để học hỏi, để dành hết sinh lực cho một dự án. Còn cần cả những kịch bản phim vừa mới mẻ vừa đời thường, vừa hấp dẫn vừa gần gũi, để thu hút khán giả. Còn cần cả công nghệ sản xuất phim hiện đại để mỗi thước phim đều mang đến trải nghiệm thú vị.
Phim truyền hình miền Nam hội tụ đông đảo dàn diễn viên thanh sắc, thực lực – nhưng vẫn ngủ đông kéo dài, chưa thể tìm thấy hướng ra. Trong những ngày ấy, dàn diễn viên với mỹ nam, mỹ nữ triển vọng đã “Bắc tiến” và tìm thấy chỗ đứng cho riêng mình.