Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện cứu sống bệnh nhân đêm 30 Tết của một bác sĩ

"Khi sự quan tâm bị hướng sang nhiều cái khác, nếu không cẩn thận, người ta có thể đánh mất thứ quý giá nhất của mình”, PGS Dũng trăn trở mỗi khi cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.

Gần 40 năm gắn bó với nghề y từ những năm đất nước còn khó khăn đến khi được ấm no, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạc Mai đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện, số phận của các bệnh nhân là trẻ em.

Bác sĩ Dũng còn nhớ như in câu chuyện về một bé gái được gia đình đưa vào viện – khi đó còn là nơi chữa bệnh miễn phí cho tất cả bệnh nhân – đúng ngày mùng 1 Tết chỉ vì… hạ đường huyết.

Bác sĩ kể: vào thập niên  90, rạng ngày 30 Tết, người dân hay có tục chung lợn 4-5 nhà với nhau. Họ chọc tiết, làm thịt lợn cả đêm. Khi đó, có một cháu bé 6 tuổi ở Thường Tín cũng háo hức thức cả đêm để trông cùng bố mẹ, mong được miếng đuôi, miếng thịt để ăn. Nhưng sau khi làm thịt lợn, người lớn còn phải thắp hương ông bà, tàn hương mới được ăn. Thành thử cháu bé nhịn ăn cả đêm tới tận trưa hôm sau (đúng mùng 1 Tết). Chưa kịp ăn miếng thịt háo hức chờ cả đêm, đứa bé lăn ra bất tỉnh, hôn mê khiến cả nhà phát hoảng.

“Đứa bé hôn mê chỉ vì quá đói, dẫn đến hạ đường huyết. Để cứu cháu, tôi chỉ tiêm 2 xi lanh nước đường. Sau đó bé đã có thể trở về ăn Tết cùng gia đình. Thế nhưng tôi được người nhà bệnh nhân tôn là “ông thánh”. Nghĩ vừa vui vừa buồn cho một thời khó khăn”, ông Dũng trải lòng. Và món quà của người nhà bệnh nhân lúc này là một cân cam dành cho bác sĩ như một sự tri ân vô cùng lớn lao mà có lẽ hơn 30 năm gắn bó với nghề y sau đó, ông không nghĩ rằng còn có món quà nào giá trị hơn.

PGS Dũng đang thăm khám cho bệnh nhi tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Ảnh: HQ.

Cùng với sự chuyển mình của đất nước, những năm 1993-1994, cuộc sống của người dân bắt đầu được cải thiện. Bác sĩ Dũng nhớ lại, lúc đó khắp Hà Nội tấp nập xây nhà và việc xây dựng nhà cửa lúc này quan trọng đến mức đó là thước đo cho chuẩn mực, giá trị, thậm chí là sức khỏe của con người. Lúc đó, khi gặp nhau, người ta sẽ bắt tay nhau và hỏi: “Anh/chị có khỏe không”, câu thứ hai sẽ là: “Anh/chị đã xây nhà chưa mà khỏe?”.

Khi đó, vì chưa có máy móc hỗ trợ nên khi đổ trần nhà, người ta phải huy động tới mấy chục người để đổ, sau đó làm lễ cúng. Có một cậu bé cỡ 11-12 tuổi ở Kim Liên cũng bị ngất xỉu, người lã đi do bố mẹ đang mải lo làm nhà. Khi công việc xong xuôi, người bố mới phát hiện con mình bất tỉnh và đưa con đi cấp cứu trong trạng thái hoang mang tột độ. Một lần nữa, chỉ cần nhìn, bác sĩ Dũng đã biết ngay cháu bé bị hạ đường huyết do đói và nhanh chóng truyền nước đường để cứu bệnh nhân. “Lúc đó, người bố có nói với tôi rằng thật may vì đã cứu sống được đứa con trai,  nếu không mọi thứ khác (ngôi nhà -  PV) không còn giá trị gì với anh”, bác sĩ Dũng nhớ lại.

“Tôi mới chợt nhận ra rằng, dù thời thế, hoàn cảnh có khác nhau nhưng mối quan tâm cuối cùng của con người vẫn là sức khỏe. Câu chuyện hạ đường huyết với chúng tôi đơn giản vô cùng nhưng nó có thể là vấn đề sống còn của bệnh nhân và chính người nhà của họ. Khi sự quan tâm bị hướng sang nhiều cái khác, nếu không cẩn thận, người ta có thể đánh mất thứ quý giá nhất của mình”, PGS Dũng trăn trở.

Ngược lại với các câu chuyện hạ đường huyết chỉ vì đói ăn trước đây, hiện nay chúng ta nghe nhiều đến việc ép con ăn, rồi dẫn tới trẻ béo phì, tiểu đường,.. Đó dường như là hai mảng đối cực nhau của hai thời cuộc của đất nước. Bác sĩ Dũng cho biết hiện điều kiện kinh tế đã khác trước rất nhiều, các bệnh viện cũng đủ cơ sở vật chất để cứu được nhiều cháu hơn. Thế nhưng ông vẫn rất buồn vì vẫn có những đứa trẻ không may mắn được cứu chữa kịp thời. Nhiều trong số đó là do sai lầm hoặc sự vô tâm của bố mẹ.

Theo bác sĩ, cho dù là ở đâu, sự quan tâm của bố mẹ với trẻ con vẫn luôn là sự cần thiết. Sự quan tâm đó phải dựa trên kiến thức khoa học chứ không phải sự thiếu hiểu biết.

Sau chừng ấy thời gian tâm huyết với nghề, ông luôn đề cao cái tâm của người thầy thuốc. Ông nói, niềm tin luôn rất quan trọng và người nhà bệnh nhân tuyệt đối không nên từ bỏ bất cứ lúc nào, kể cả lúc hi vọng mong manh nhất, bởi vẫn luôn có những phép màu xảy ra. Trong đó, niềm tin với người thầy thuốc là điều quan trọng bởi hơn ai hết, ông tin rằng những người thầy thuốc chính là người nỗ lực nhất để cứu sống các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhi.


Hà Quyên ghi

Bạn có thể quan tâm