Nguyễn Hoàng Giang là cựu học sinh THPT Chuyên ngữ (Hà Nội) trước khi sang Anh học phổ thông tại The Royal School Wolverhampton với suất học bổng 47.000 bảng cho hai năm.
Học xong chương trình A-level của Wolverhampton, Giang tiếp tục nhận học bổng 230.000 đô la cho 4 năm tại Haverford College.
Trong suốt những năm học phổng thông và đại học, chàng trai Hà Nội nhận được khá nhiều học bổng danh giá và được tham gia các chương trình giao lưu, trại hè quốc tế.
Sinh ra trong gia đình trí thức, Giang được bố mẹ đầu tư cho học tiếng Anh từ khi còn nhỏ.
Được truyền cảm hứng từ gia đình, em tập trung cho việc học tiếng Anh rất bài bản để thực hiện ước mơ đi du học.
Lên cấp 3, vốn tiếng Anh của em đã rất thành thạo và sang lớp 11, em nhận học bổng rồi chuyển sang học chương trình A-level của Anh.
Nguyễn Hoàng Giang - cựu du học sinh Anh, Mỹ. |
Học chuẩn ngay từ đầu
Giang kể khi bắt đầu học tiếng Anh, bố em có nói với em rằng tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế nên nếu học tiếng Anh, em sẽ được đi đến nhiều vùng đất mới và gặp gỡ bạn bè từ các quốc tịch khác nhau.
“Em thấy rất hứng thú với điều này và đã quyết tâm học tiếng Anh rất chăm chỉ từ những ngày đầu tiên”.
Cựu học sinh Chuyên ngữ (Hà Nội) cho biết khi học tiếng Anh ở trường, hầu hết bạn bè xung quanh em không để ý đến ngữ âm.
Còn với em, mỗi lần về nhà nói tiếng Anh với anh trai, em đều được sửa phát âm rất nhiều.
“Anh em dạy em bảng chữ cái ngữ âm quốc tế (IPA) để mỗi lần tra nghĩa của một từ mới em sẽ biết luôn cách phát âm từ đó chính xác 100%. Anh trai dạy em rằng học bất cứ thứ gì cũng cần học chuẩn từ đầu, nếu không về sau sẽ rất khó sửa”.
Chính vì thế, khi lên cấp 2, bố mẹ Giang quyết định cho em đi học ở Hội đồng Anh, mặc dù học phí khá đắt đỏ so với đồng lương giáo viên của bố mẹ.
Tuy nhiên, Giang cho rằng đó là quyết định đúng đắn của bố mẹ và sau này, qua quá trình học tập của mình, em cũng hiểu tại sao bố mẹ lại quyết định như vậy.
Cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều được Giang đầu tư phát triển đồng đều. Với kỹ năng đọc, ngày nào em cũng đọc sách tiếng Anh, mỗi ngày một ít.
“Em thường đọc những sách về các kỹ năng trong cuộc sống hoặc những cuốn sách khoa học. Để luyện kỹ năng nghe, em hay xem các chương trình tiếng Anh trên YouTube phù hợp với những sở thích của mình.
Em cũng hay nói chuyện với những bạn thân của mình bằng tiếng Anh, kể cả một số bạn Việt Nam của em để luyện kỹ năng nói” - Giang chia sẻ.
Em đánh giá kỹ năng viết là khó nhất và cũng là kỹ năng quan trọng nhất để đạt được những học bổng cao đối với những bạn đang săn tìm học bổng du học. Vì thế, em dành khá nhiều thời gian luyện viết luận.
“Đối với em, việc mỗi ngày làm một ít, dù chỉ là rất ít, sẽ hiệu quả hơn hẳn việc 'cày' trong một thời gian ngắn. Nếu mỗi ngày chúng ta tích lũy một ít kiến thức, chúng ta sẽ không khác gì so với ngày hôm trước.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài, lượng kiến thức mỗi ngày này sẽ cộng vào thành một thành quả lớn” - Giang chia sẻ bí quyết học tập của mình.
Người lớn học tiếng Anh: Bất lợi đến từ suy nghĩ
Sau khi tốt nghiệp cử nhân ở Haverford College (Mỹ), Giang về nước và dành thời gian dạy IELTS, TOEFL cho một số bạn học sinh, sinh viên.
Tuy vậy, Giang cho rằng sai lầm thường mắc phải của học sinh, sinh viên Việt Nam khi học tiếng Anh là các em phụ thuộc quá nhiều vào các khóa học và nghĩ rằng “nếu mình học xong một khóa học này thì mình sẽ lên ngần này điểm thế nên chỉ cần học nhiều khóa học là mình sẽ lên nhiều điểm”.
“Điều quan trọng nhất khi học tiếng Anh là các em cần đưa cả bốn kỹ năng vào cuộc sống hàng ngày của mình.
Ví dụ, nếu các em muốn nói tiếng Anh với người bản ngữ, chỉ cần hàng ngày lên Hồ Hoàn Kiếm là có thể gặp rất nhiều du khách nước ngoài nói tiếng Anh.
Ý chí và khát khao để học tiếng Anh của mình quan trọng hơn bất cứ khóa học nào” - Giang khẳng định.
Nhưng theo em, để thi các chứng chỉ quốc tế như SAT hay TOEFL tốt thì câu chuyện sẽ hơi khác một chút.
“Nhiều học sinh nghĩ chỉ cần làm nhiều bài tập SAT là có thể được điểm cao trong kỳ thi SAT. Điều này đúng. Nhưng quan trọng hơn việc làm nhiều là làm có phương pháp.
Mỗi bài thi chứng chỉ quốc tế đều có những chiến lược riêng để giúp các em tiết kiệm thời gian và đạt điểm cao hơn.
Các em nên học chứng chỉ quốc tế từ những thầy cô giỏi hoặc đọc và tổng hợp các chiến lược từ nhiều sách luyện thi khác nhau”.
Đặt câu hỏi về việc liệu với những người không có điều kiện học tiếng Anh từ nhỏ, sẽ có nhiều bất lợi với họ không khi bắt đầu muộn, Giang cho rằng “những bất lợi của người lớn chỉ đến từ suy nghĩ của họ”.
“Càng nhiều tuổi, nhiều người càng không sẵn sàng thử những thứ mới vì họ đã quá quen với những việc làm hiện tại của mình.
Nếu như vượt qua được rào cản từ suy nghĩ, em thấy người lớn sẽ không hề có bất lợi gì khi học tiếng Anh so với những người học từ nhỏ” - Giang nói.
Em đưa ra lời khuyên cho tất cả những ai mới học tiếng Anh: hãy học chuẩn từ đầu và đưa cả bốn kỹ năng vào cuộc sống hàng ngày của mình.
“Hãy tham gia nhiều hoạt động bằng tiếng Anh. Hãy gặp những người bản ngữ đến từ Anh, Mỹ, Australia. Biến tiếng Anh thành thú vui hàng ngày, rồi một ngày tiếng Anh sẽ trở thành thói quen”.
Với riêng bản thân em, học tiếng Anh còn là cơ hội để chúng ta khám phá bản thân.
“Suy nghĩ của chúng ta bị giới hạn nhiều bởi ngôn ngữ của mình. Có mấy khi bạn nghĩ đến một thứ mà không thể miêu tả bằng ngôn ngữ được?
Vì vậy, khi học một ngôn ngữ mới, chúng ta sẽ mở rộng tư duy của mình hơn và có một cuộc sống giàu ý nghĩa hơn” - chàng trai 24 tuổi chia sẻ.