Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện về gia đình Thái Lan ướp đông thi thể con gái

“Hope Frozen” - bộ phim tài liệu về một gia đình quyết định đông lạnh bộ não của con gái - không đơn thuần kể lại nỗi đau, mà muốn cho thấy tiềm năng của ngành y học xứ chùa Vàng.

South China Morning Post đưa tin sau khi một em bé Thái Lan qua đời vì ung thư não năm 2015, bố mẹ em - vốn đều là kỹ sư y khoa - quyết định đông lạnh bộ não con gái trong một cơ sở tại Mỹ.

Câu chuyện khiến giới truyền thông quốc tế xôn xao cách đây 5 năm vì cô bé là người trẻ tuổi nhất thế giới được ướp đông thi thể chờ hồi sinh trong tương lai.

Câu chuyện thu hút báo chí quốc tế

Với nhà làm phim Thái Lan Pailin Wedel - đạo diễn của Hope Frozen, cô bị thu hút bởi những gì xảy ra sau khi cô bé đã được ướp đông thi thể.

“Bộ phim của tôi ghi lại hành trình tinh thần của anh trai và cha mẹ cô bé, những người coi việc mang lại cho em/con mình cơ hội sống thứ hai là điều quan trọng hơn tất thảy. Nhưng quyết định ấy khiến họ phải đối mặt với những thử thách nào?”, nhà làm phim đặt vấn đề.

phim tai lieu Thai anh 1

Chân dung nhà làm phim Pailin Wedel. Ảnh: SMCP.

Hope Frozen dài 75 phút, tái hiện cuộc đấu tranh tinh thần của Sahatorn và Nareerat Naovaratpong. Họ đều là Phật tử và phải đối mặt với nhiều vấn đề tôn giáo, đạo đức và y tế từ quyết định của mình. Trách nhiệm nặng nề cũng đặt lên vai Matrix - anh trai của cô bé.

Bé gái tên Matheryin, hay Einz như cách gia đình vẫn âu yếm gọi, mắc bệnh ung thư não thể hiếm và qua đời trước khi lên ba. Thi thể em đã được bảo quản đông lạnh tại Thái Lan ngay sau khi qua đời.

Wedel biết câu chuyện về nhà Naovaratpong sau khi báo chí quốc tế đưa tin thi thể Einz được đưa từ Thái Lan tới Alcor - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Arizona, Mỹ để thực hiện ướp đông thi thể. Ướp đông thi thể là kỹ thuật bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh với hy vọng một ngày nào đó, khi khoa học công nghệ phát triển đủ hiện đại, người chết sẽ được hồi sinh.

Tại Alcor, bộ não của Einz được bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C. Cô bé là bệnh nhân thứ 134, cũng là người trẻ nhất tại trung tâm. Ý tưởng mà các nhà khoa học đưa ra là họ sẽ tái tạo cho em cơ thể mới khi công nghệ hoàn thiện.

Bộ phim mất 5 năm thực hiện

Trả lời phỏng vấn tờ Post từ Thái Lan thông qua Zoom, Wedel cho biết chồng cô - một nhà báo người Mỹ - đã giúp đỡ mình khám phá câu chuyện. Vị đạo diễn kể lại: “Câu chuyện từng rất nổi tiếng ở Thái Lan. Chồng tôi muốn viết một bài báo về họ. Dù nói tiếng Thái trôi chảy, anh ấy vẫn lo rằng mình không thể chuyển ngữ chính xác một vài thuật ngữ. Do đó, chồng tôi đề nghị tôi đi cùng để phiên dịch. Ban đầu, tôi khá lưỡng lự”.

phim tai lieu Thai anh 2

Hình ảnh gia đình Naovaratpong tại Alcor. Ảnh: Netflix.

Tuy nhiên, cuộc trò chuyện dự kiến kéo dài 20 phút đã trở thành buổi tâm sự về cuộc sống và triết lý nhân sinh kéo dài hơn một tiếng. “Bố mẹ cô bé đều có bằng tiến sĩ về kỹ thuật y khoa. Họ hiểu biết rộng, tâm huyết và chân thành với cảm xúc của bản thân. Đó quả thực là một gia đình rất đặc biệt”, nữ đạo diễn cho biết.

Hope Frozen là phim dài đầu tay của Wedel, nhà quay phim tự do từng cộng tác với nhiều kênh truyền thông lớn như The New York Times hay National Geographic. Kinh phí thực hiện bộ phim tài liệu được nữ đạo diễn kêu gọi từ Bilibili và Whickers.

Bộ phim sẽ được phát sóng độc quyền tại Trung Quốc trên trang Bilibili. Netflix đã mua bản quyền phát hành bộ phim trên toàn thế giới sau khi Hope Frozen thắng giải Phim tài liệu dài quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim Tài liệu Quốc tế Hot Docs Canada 2019.

Pailin Wedel cho biết sự ghi nhận từ giới phê bình là điều cô không hề nghĩ tới. “Tôi đã nộp hồ sơ xin tài trợ tới 14 tổ chức khác nhau trên khắp thế giới mà không được hồi đáp”, nhà làm phim hồi tưởng.

phim tai lieu Thai anh 3

Một hình ảnh trong bộ phim Hope Frozen. Ảnh: Netflix.

Wedel đã thực hiện bộ phim trong vòng 5 năm. Từng tốt nghiệp ngành sinh học, cô cho biết mình đã nghiên cứu kỹ lưỡng cơ sở khoa học, cũng như đưa vào trong phim cả quan điểm ủng hộ lẫn phản đối từ giới khoa học với công nghệ ướp đông thi thể.

“Tôi đã chứng kiến những buổi diễn tập công nghệ. Tôi đã nói chuyện với nhiều nhân viên tại Alcor và cả những người phản đối tổ chức này. Nhưng đây không phải bộ phim về công nghệ ướp đông thi thể. Nếu khán giả muốn theo dõi một bộ phim khoa học, trên kênh National Geographic và Discovery có rất nhiều tác phẩm về chủ đề này.

Bộ phim giống như một tác phẩm hư cấu mà trong đó tôi là nhân vật theo chân một thanh niên và gia đình cậu ấy. Tôi nghĩ cặp vợ chồng mất con trong phim là hình ảnh mà mọi khán giả có thể tìm thấy sự đồng cảm”, Wedel nói.

Tham vọng khắc họa một Thái Lan hiện đại

Nếu như nửa đầu Hope Frozen tập trung vào cặp phụ huynh mất con, thì nửa sau của bộ phim ghi lại hành trình nghiên cứu cách hồi sinh em gái của Matrix.

Wedel nhận xét: “Matrix là một thiếu niên thiên tài. Trong hai năm làm phim, tôi từng cùng cậu, khi ấy mới 16 tuổi, tới Mỹ để gặp nhà khoa học Robert McIntyre - người đầu tiên chứng minh bộ não được đông lạnh đúng cách vẫn có thể phục hồi”.

phim tai lieu Thai anh 4

Hình ảnh Einz khi mới chào đời. Ảnh: Netflix.

Theo lời nhà làm phim, khi em gái qua đời, Matrix đang làm việc trong một phòng nghiên cứu tại một trường đại học ở Thái Lan, hỗ trợ nghiên cứu phương pháp chữa trị căn bệnh của em gái. Sau đó, Matrix tiếp tục nghiên cứu công nghệ có khả năng hồi sinh người đã khuất.

Wedel cho biết cao trào của Hope Frozen diễn ra khi Matrix nói chuyện với bố mẹ qua Skype sau khi gặp gỡ vị giáo sư tại Mỹ. “Đó là cuộc trò chuyện khó khăn nhưng giàu cảm xúc. Tôi nghĩ đây là phần chân thực nhất của bộ phim”, nhà làm phim giãi bày.

Thông qua câu chuyện một gia đình người Thái đứng giữa các lằn ranh y khoa, Hope Frozen tham vọng mang đến cho thế giới cái nhìn mới mẻ về sự phát triển của khoa học công nghệ xứ chùa Vàng.

“Rất nhiều cảnh quay trong các phòng thí nghiệm cho thấy công nghệ hiện đại mà chúng tôi đang sở hữu. Từ trước tới nay, tôi luôn mệt mỏi vì những khu phố đèn đỏ, nạn buôn người, bất ổn chính trị hay bờ biển nên thơ. Chúng luôn là những hình ảnh đầu tiên được nhắc đến khi nói về Thái Lan”, nhà làm phim giải thích.

Chị kết luận: “Lần cuối cùng bạn nghe chuyện về một nhà khoa học Thái Lan là từ khi nào? Tôi muốn truyền tải tới khán giả thông điệp người Thái cũng suy nghĩ rất nghiêm túc về đức tin và công nghệ. Chúng tôi có những nhà khoa học tài năng và luôn trăn trở về sự phát triển trong tương lai”.

‘Mình ơi, xin đừng qua sông’ - chuyện tình già đẹp tựa câu ca

Bộ phim tài liệu Hàn Quốc kể lại cuộc hôn nhân kéo dài 76 năm của một cặp vợ chồng già. Tác phẩm giản dị, sâu lắng và từng thu hút hơn 4,8 triệu lượt khán giả tại quê hương.

Đằng sau loạt phim về giáo phái tình dục sắp lên sóng

“The Vow” là series tài liệu sắp ra mắt khán giả trên kênh HBO. Phim hé lộ bức màn bí mật về NXIVM - giáo phái với nhiều tội ác chống lại phụ nữ.

Anh Phan

Bạn có thể quan tâm