12 Angry Men (1957): Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Mỹ đề cập tới vấn đề phân biệt chủng tộc. Lấy đề tài tranh tụng, bộ phim của đạo diễn Sidney Lumet đã khắc họa tư tưởng phân biệt chủng tộc thông qua trận đấu trí căng thẳng giữa các thành viên của bồi thẩm đoàn gồm 12 người đàn ông da trắng xung quanh kết luận phiên tòa xử một cậu bé Puerto Rico tội giết cha. |
In the Heat of the Night (1967): Một thập kỷ sau 12 Angry Men, chủ đề phân biệt chủng tộc được nhắc lại trong In the Heat of the Night của đạo diễn Norman Jewison với sự tham gia của Sidney Poitier. Trong tác phẩm thể loại ly kỳ, bí ẩn, Poitier vào vai một cảnh sát từ miền Bắc được phái đến để giải quyết một vụ án xảy ra ở miền Nam nước Mỹ. Tại đây, anh phải đương đầu với những hiểm họa khôn lường của nạn phân biệt chủng tộc. Phim đã được trao 5 giải Oscar, và giúp Sidney Poitier trở thành siêu sao màn bạc người Mỹ gốc Phi đầu tiên. |
Mississippi Burning (1988): Nội dung bộ phim sản xuất năm 1988 của Briton Alan Parker xoay quanh sự biến mất của ba nhà hoạt động nhân quyền và cuộc điều tra của FBI diễn ra sau đó. Một nhà phê bình điện ảnh đã viết: “Parker đã cố gắng biến Mississippi Burning thành một bộ phim gangster. Tác phẩm đã phá vỡ điều vẫn bị cho là cấm kỵ vào thời bấy giờ đó là biến một nhóm người da trắng thành phe phản diện”. |
Gran Torino (2008): Bộ phim chính kịch khai thác chủ đề phân biệt chủng tộc khiến người hâm mộ Clint Eastwood, ngôi sao dòng phim cao bồi Mỹ một thời, phải bất ngờ. Ông đã tự đạo diễn và vào vai chính trong tác phẩm. Gran Torino tập trung vào những định kiến và thù ghét nhắm vào nhóm người gốc Á sống tại Mỹ. Thông qua quan sát, và tiếp xúc với họ, nhân vật Walt Kowalski của Eastwood đã dần thay đổi, xóa bỏ tư duy kỳ thị, mở lòng với những người xung quanh và cuối cùng, trở thành một người anh hùng chân chính. Năm 2009, Clint Eastwood cũng quay lại với vấn nạn phân biệt chủng tộc thông qua bộ phim thể thao Invictus. |
The Butler (2013): Bộ phim với sự tham gia của Forest Whitaker và Oprah Winfrey được xây dựng dựa trên những sự kiện có thật về một quản gia Mỹ gốc Phi tên Eugene Allen. Trong suốt cuộc đời, ông đã phục vụ 8 đời tổng thống Mỹ. Không chỉ đề cập tới các vấn đề chủng tộc, phim còn cung cấp một cái nhìn tổng quan về lịch sử hiện đại của nước Mỹ. |
12 Years a Slave (2013): Năm 2014, 12 Year a Slave của đạo diễn người Anh Steve McQueen đã giành giải Oscar cho Phim xuất sắc. Tác phẩm cung cấp cho khán giả cái nhìn chi tiết vào lịch sử chế độ nô lệ tại Mỹ. Phim có sự tham gia của Chiwetel Ejiofor, Lupita Nyong’o, Brad Pitt, Michael Fassbender và Bennedict Cumberbatch… |
Selma (2014): Bộ phim của đạo diễn người Mỹ Ava Du Vernay đã tái hiện trên màn ảnh một trang lịch sử của phong trào đòi quyền lợi cho người da màu tại Mỹ. Selma tập trung vào cuộc tuần hành của những nhà hoạt động vì quyền lợi của người da màu từ Selma tới Montgomery của bang Alabama. Trong phim, David Oyelowo vào vai Martin Luther King, còn Tom Wilkinson vào vai tổng thống Lyndon B. Johnson. |
Loving (2016): Tác phẩm chính kịch, lãng mạn của đạo diễn Jeff Nichols mô tả cuộc sống đấu tranh của một cặp đôi kiên quyết chống lại luật cấm kết hôn đa sắc tộc của nước Mỹ thời bấy giờ. Loving cho thấy một chương trong lịch sử nạn phân biệt chủng tộc tại Bắc Mỹ, và thông điệp mạnh mẽ về việc tình yêu luôn chiến thắng. |
Get Out (2017): Bộ phim đầu tay của đạo diễn Jordan Peele đã lồng ghép nạn phân biệt chủng tộc trong lòng nước Mỹ vào câu chuyện “về ra mắt nhà bạn gái” của anh chàng Chris (Daniel Kaluuya) dưới góc nhìn của thể loại kinh dị - hài. Năm 2019, bộ phim thứ hai của Jordan Peele có tên Us cũng tiếp nối Get Out trở thành một bộ phim kinh dị ăn khách xoay quanh chủ đề phân biệt chủng tộc. |
BlacKkKlansman (2018): Bộ phim giành giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc trong Lễ trao giải Oscar 2019 của đạo diễn Spike Lee xoay quanh vụ điều tra nhóm kỳ thị chủng tộc Ku Klux Klan do một cảnh sát da màu tiến hành vào thập niên 1970. Nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ là đề tài chính mà Spike Lee theo đuổi trong suốt sự nghiệp làm điện ảnh của mình kể từ thập niên 1980. |
Green Book (2018): Câu chuyện đạo diễn Peter Farrelly kể trong Green Book, bộ phim đoạt giải Phim xuất sắc Oscar 2019, được xây dựng dựa trên những sự kiện có thật. Viggo Mortensen vào vai người tài xế chở một nghệ sĩ piano (Mahershala Ali) đi qua các bang phía nam nước Mỹ. Hành trình của anh bám sát chỉ dẫn viết bên trong “Green Book”, cuốn cẩm nang chỉ dẫn các tài xế danh sách những cửa hàng và khách sạn dành riêng cho người da màu - một dấu hiệu rõ ràng của nạn phân biệt chủng tộc. |