Sự cuồng nhiệt trên khán đài là điều không thể thiếu trong bóng đá. Và cách các cổ động viên tiếp sức cho đội bóng thân yêu cũng trở thành một thứ nghệ thuật. Họ có thể nhảy nhót và hét lớn hay cau mày và trầm ngâm. Bất kể điều gì, chỉ cần sự xuất hiện của họ, 22 con người trên sân đã cảm thấy ấm áp và có động lực cống hiến những điều tuyệt vời nhất.
Ở mọi nơi trên thế giới, đâu cũng xuất hiện những người yêu bóng đá hết mình và tại nước Nga lạnh lẽo tuyết rơi, không hề có ngoại lệ.
Giữa đám đông hàng nghìn người, những lá cờ in dòng chữ “Tất cả là một, một vì tất cả” được những cánh tay giơ cao chạy khắp đường sân. Tiếng hô vang dội lại bằng một thứ thanh âm đồng điệu và mạnh mẽ: “Forwardddd Sparrrrr-tak”. Rồi khói sáng bùng lên kèm theo ngọn lửa màu đỏ, cháy theo những người đàn ông cởi trần đang không ngừng hò hét.
Hình ảnh những cổ động viên cuồng nhiệt của Spartak Moscow. Ảnh: Getty Images. |
Đó là cảnh tượng thường thấy tại Moscow’s Otkrytie Arena, sân nhà của CLB Spartak Moscow. Và giữa những cổ động viên nhiệt thành vẫn được biết đến với cái tên Fratria ấy, có sự xuất hiện của Pavel.
“Đối với chúng tôi, chỉ có một ngôn ngữ duy nhất, đó là bóng đá”
Nhắc về bản thân, Pavel khá kiệm lời. Anh là một chàng trai cao lớn có dáng người thể thao ở độ tuổi ngoài 30. Là một người con thủ đô, Pavel đã chọn Spartak là tình yêu lớn nhất đời mình. Hơn 20 năm dõi theo đội nhà chơi bóng, Pavel hiện là người đứng đầu của một nhóm CĐV, những người hỗ trợ âm thanh để cổ vũ trong các trận đấu.
Đề cập đến Fratria, nhóm Ultra (cổ động viên nhiệt thành) được coi là lớn nhất nước Nga, Pavel không giấu được sự tự hào: “Nhóm được thành lập vào tháng 10/2005, tại một quán rượu. Mục đích nhằm tiếp lửa cho Spartak được hiệu quả hơn bởi khi đó không có nhóm hội nào trực tiếp đảm nhận công việc ấy”.
Khởi nguồn từ một nhóm những người hâm mộ muốn đeo đuổi phong cách cổ động văn minh, đến nay, Fratria đã lớn mạnh và số thành viên mỗi năm không ngừng gia tăng.
“Vài năm trước chúng tôi đã kỷ niệm 10 năm thành lập, đó là một buổi lễ nhiều sắc màu và thanh âm. Tại Fratria, tất cả đều chỉ yêu duy nhất một đội bóng, làm những việc mà một người hâm mộ chân chính vẫn làm”.
Ở Spartak, ngoài Fratria, có thêm một hội CĐV khác có tên The Alien. Giữa Fratria cũng như The Alien không hề có sự đối lập hay ghét bỏ. Bởi theo Pavel, tất cả đều có chung một niềm yêu duy nhất, đã khởi nguồn từ rất lâu.
Bóng đá đã kéo các Fratria đến gần nhau hơn. Ảnh: Hool. |
Cầm bức ảnh cũ kỹ ghi lại khoảnh khắc đã từ hơn 40 năm trước, Pavel cho biết: “Spartak là đội bóng đầu tiên của nước Nga có hội CĐV đi cùng khi làm khách trong khuôn khổ một trận tại cúp châu Âu. Chúng tôi tự hào vì điều đó. Đây là bức ảnh chụp lại khoảnh khắc này. Một trận đấu vào năm 1972”.
Đây là lý do vì sao Pavel cùng các Fratria khác thường mang theo lá cờ in hàng chữ “những cổ động viên đầu tiên - 1972” trong mỗi trận đấu của Spartak. Một niềm hãnh diện của riêng đội bóng.
“Với bóng đá, tất cả đều trở thành bạn bè”
“Khi bắt đầu, chúng tôi muốn một cái tên đặc biệt. Giống như cách đặt tên công ty vậy. Người Nga thích sử dụng ngôn ngữ của phương Tây. Có thể là tiếng Italy hoặc tiếng Anh. Chúng tôi muốn một cái tên thật kiểu cách và cuối cùng đã tìm ra nó”. Pavel chia sẻ.
Fratria theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là đồng hương, cái tên được chọn bởi mối quan hệ khăng khít giữa đội chủ sân Moscow’s Otkrytie Arena và nhà vô địch Hy Lạp 2016-2017 Olympiacos. Tuy nhiên, không nhiều người biết sự gắn kết giữa Spartak với Sao đỏ Belgrade.
Bên cạnh sự tương đồng về sắc áo đỏ trắng truyền thống và đức tin vào chúa, Spartak và Sao đỏ còn nhiều điểm chung hơn thế.
“Sao đỏ là đội bóng chúng tôi thân thiết nhất. Hai năm trước, họ đã đến giao hữu với Spartak và rồi ngược lại. CLB muốn chúng tôi gắn kết với họ. Và thực tế, Sao đỏ là nơi có những con người thật dễ chịu”.
Theo Pavel, là bình thường nếu trong một trận đấu cúp châu Âu của Spartak xuất hiện những người Serbia. Năm 2013, trong chuyến làm khách của đội bóng nước Nga trước St. Gallen, có hơn 60 người hâm mộ Sao đỏ đến sân tiếp lửa cho Spartak. Đáp lại, tại World Cup 2010, không ít Fratria đã đi một vòng đất nước Nam Phi để cổ vũ tuyển Serbia. Không ép buộc. Bóng đá giúp họ trở thành những người bạn thân thiết.
Sự sôi động của các CĐV Spartak Moscow. Ảnh: Getty Images. |
“Trong bóng đá, chúng tôi xóa nhòa những khác biệt về chính trị và tôn giáo. Chỉ có một đức tin duy nhất, với trái bóng mà thôi”. Pavel trầm ngâm.
“Nếu trái tim còn đập, linh hồn sẽ không lạc lối”
Pavel cũng như hàng ngàn Fratria khác, họ sinh ra để làm một người con tôn thờ Spartak, vì thế, họ làm mọi thứ tốt nhất cho sự phát triển của đội bóng.
“Tôi biết một bộ phận của bóng đá Anh, đặc biệt ở những hạng đấu thấp, đã đi theo những lối suy nghĩ sai lầm và đôi khi ích kỷ. Vì thế, họ trở thành những kẻ quá khích”.
Xem Spartak thi đấu và trăn trở về đội bóng là việc làm gần như mỗi ngày của những ultra nhiệt thành như Pavel. Thường vào hàng tuần, khoảng 5 hay 6 người đứng đầu hội CĐV sẽ họp lại và phân tích tình hình của đội. Là những người yêu bóng đá chân chính, Fratria sẽ thể hiện tiếng nói của mình với CLB. Nhưng chỉ sau khi suy xét hoàn toàn kỹ lưỡng.
Fratria từng làm riêng những chiếc banner với nội dung “Vinh quang của ông ở đâu” nhằm phản đối cựu HLV Spartak Dmitry Alenichev, người đã từng 4 lần vô địch quốc giải cùng CLB trong vai trò một cầu thủ.
Ở đội bóng phía Tây nước Nga, khẩu hiệu “Nếu trái tim còn đập, linh hồn sẽ không lạc lối” xuất hiện trong mọi trận đấu của đội chủ sân Moscow’s Otkrytie Arena. Thông điệp ấy nhắc nhở Pavel và tất cả.
Tự Pavel thừa nhận, trước khi có một vị trí quan trọng trong Fratria, anh là một người ở giữa ranh giới của ultra và hooligan (cổ động viên quá khích). Đến nay, chàng trai thủ đô có thể biến một nhóm Fratria đang sôi sục trở nên im lặng. Không bằng lời lẽ, tại bởi tình bạn của anh với phần còn lại.
Với Pavel, niềm yêu CLB không phụ thuộc vào những danh hiệu. Thực tế, Spartak không đạt được danh hiệu lớn nào trong 13 năm và chỉ cán đích thứ 5 mùa 2015-2016. Đó có thể là nỗi thất vọng nếu quay về những năm 90 khi đội bóng được đặt dưới bàn tay của chiến lược gia huyền thoại Oleg Romantsev.
“Thế hệ bây giờ không được chứng kiến một Spartak mạnh mẽ ngày xưa. Đội bóng có thể cán đích ở vị trí thứ 3, thứ 4 hoặc thứ 8. Còn thế hệ tôi thì khác. Chúng tôi biết niềm vui của vinh quanh tột cùng”.
Pavel nở nụ cười tiếc nuối: “Tôi bắt đầu cổ vũ CLB từ năm 1996 và giớ chỉ có mình Spartak ở trong tim. Đội bóng từng giành 9 danh hiệu trong khoảng thời gian từ 1992 đến 2001. Tôi chỉ 6 tuổi khi Spartak thua Marseille tại bán kết Champions League năm 1991. Đáng lẽ chúng tôi đã có thể gặp Sao đỏ tại chung kết năm đó”.
Nhưng Pavel cũng như các Fratria khác vẫn chờ đợi và đồng hành cùng Spartak cho đến ngày những danh hiệu trở lại. Và chức vô địch quốc gia 2016-2017 đã làm mọi người con của Spartak vỡ òa. Khi trái tim vẫn đập cùng niềm yêu với môn túc cầu, linh hồn của họ sẽ không lạc lối.
“Spartak quan trọng với tôi thế nào ư?” Pavel nhún người, đáp lại không chút do dự: “Đó đơn giản là cuộc sống”.