Bằng tuổi Mùa Bá Tểnh (sinh năm 2000), nhiều bạn trong bản đã lập gia đình. Còn Mùa Bá Tểnh vẫn đang quàng khăn đỏ và tiếp tục hành trình đến trường bằng đôi tay của mình.
“Vóc dáng cấp 3, tâm hồn cấp 1” là câu nói mà thầy cô Trường Tiểu học Na Ngoi 2 (xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An) hay nói vui với cậu học trò đang theo học lớp 5 này.
Cậu học trò 16 tuổi vào lớp 1
Điều không may ập đến với gia đình ông Mùa Vả Rê (bản Phù Khả 2, Na Ngoi, Kỳ Sơn) vào một ngày năm 2006, khi cậu con trai của mình là Mùa Bá Tểnh lên cơn sốt, một chân của cậu bị sưng lên và có dấu hiệu co quắp lại.
Cứ thế, ngày qua ngày, một chân của Tểnh càng bị nặng hơn, bị teo lại từ cổ chân đến bắp đùi. Khả năng đi lại của cậu cũng hạn chế từ đó.
“Sau khi con đổ bệnh, tôi có nhờ thầy về gọi vía, nhưng rồi cũng cháu cũng không có dấu hiệu tiến triển mà ngày càng nặng hơn.
Chàng trai 21 tuổi hiện là học sinh lớp 5. |
Nhiều người khuyên tôi nên đưa con đi thăm khám, chữa trị ở bệnh viện, nhưng gia đình tôi ngày đó rất khó khăn. Ngoài Tểnh ra còn 4 anh chị em, kinh tế gia đình chủ yếu là làm rẫy, thu nhập thấp nên tôi không có điều kiện đưa con vào bệnh viện” - Ông Mùa Vả Rê, bố của Tểnh nhớ lại.
10 năm từ khi đổ bệnh, Tểnh chỉ ở nhà phụ giúp gia đình, thỉnh thoảng theo bố mẹ ra đồng, lên rẫy.Đến năm 2016, chân Tểnh đã không còn những cơn đau như khoảng thời gian trước. Từ đó, cậu tập đi lại nhiều hơn bằng việc cúi xuống và di chuyển bằng hai tay.
Rồi một ngày, Tểnh nói với bố mẹ là muốn được đi học. Dù khá bất ngờ về ý định của cậu, nhưng gia đình cũng đồng ý để Tểnh được đến trường.
Thầy Lâm Nguyên Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 2 cho biết, năm 2016, Tểnh được bố dẫn đến trường và xin nhập học cấp 1.
“Tểnh nhập học năm 16 tuổi, theo Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, em đã quá tuổi, nhưng đây là trường hợp đặc biệt nên nhà trường đã xin ý kiến chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn. Sau đó Tểnh được hỗ trợ và tạo điều kiện đăng ký nhập học”.
Tểnh vào lớp 1 và bắt đầu chương trình Tiểu học từ đó.
Khát khao đến trường
Nhà Tểnh cách trường không xa nên mỗi lần thấy các bạn đi học về, được chạy nhảy, nô đùa cùng nhau, Tểnh cảm thấy chạnh lòng.
“Em muốn được đi học, nhưng em thấy ái ngại với bạn bè, bị tật nguyền và nhiều tuổi hơn so với các bạn cùng lớp…”.
Đến năm 16 tuổi, vượt qua rào cản tự ti, cậu xin bố mẹ đi học.
“Em vui lắm, em thấy tự tin hơn trước đây rất nhiều. Cô giáo thân thiện, bạn bè hòa đồng làm em cảm thấy rất hứng thú với việc đến trường mỗi ngày.
Quan trọng hơn cả là em được học chữ. Các anh trai của em đều hoàn thành hết chương trình phổ thông, một anh nữa thì học đại học năm cuối, nên em lấy đó làm động lực để cố gắng đến trường, tiếp thu kiến thức”.
Tểnh cho biết, khó khăn lớn nhất từ trước đến giờ của cậu là việc đi lại. Mấy năm trước, Công đoàn Trường Tiểu học Na Ngoi 2 có tặng cho cậu một chiếc xe lăn để hỗ trợ trong việc đi lại. Tuy nhiên, vì đường sá không thuận lợi và cần người hỗ trợ đẩy xe lăn nên cách nhanh nhất với Tểnh vẫn là tự chống tay đến trường.
“Nhà em cách trường khoảng 5-6 phút đi bộ, nên em tự đi được đến trường mà không cần ai giúp đỡ. Những ngày đầu em đi còn chậm, sau này khi quen rồi thì tốc độ ngày một nhanh hơn”.
Tuy vậy, vào những ngày mưa, con đường đến trường của Tểnh sẽ vất vả hơn.
“Hôm nào bố mẹ không đi làm sẽ chở em đi học, còn nếu em tự đi những ngày mưa như thế đến lớp bẩn hết luôn quần áo, có hôm em phải mang thêm đồ đến trường để thay”.
Đánh giá về cậu học trò của mình, cô Bùi Thị Nhàn (GVCN), cho biết Tểnh là học sinh chăm ngoan học giỏi, là anh cả của lớp.
Tểnh hơn các bạn tận 10 tuổi nhưng trong lớp, em luôn ân cần, giúp đỡ, hỗ trợ các bạn trong việc học tập và các hoạt động khác.
Dù việc đi lại là một trở ngại lớn với em, nhưng Tểnh vẫn đến trường đều đặn, là tấm gương nghị lực, vượt khó cho các bạn khác noi theo".
Tểnh cho biết thêm, hiện tại, chân của em không còn đau như trước nữa. Thời gian này em đang cố gắng đứng trụ vững và có thể bước đi bằng hai chân lâu hơn.
“Sau khi hoàn thành chương trình Tiểu học, em sẽ tiếp tục theo học THCS cách nhà 7 km. Sau đó, em dự định xuống thành phố học nghề, rồi kiếm công việc ổn định để không còn là gánh nặng cho gia đình”, Tểnh nói.