Khi Yang nghe tin chú của mình qua đời trong lúc đi làm xa, gia đình anh biết rằng phải giấu tin sốc này với người bà 90 tuổi ốm yếu của mình.
Yang, là một chuyên gia công nghệ thông tin ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), hiểu rõ về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Anh đã chi khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.387 USD) để nhờ một người bạn làm trong ngành "hồi sinh" người chú đã mất - bằng cách sử dụng tổng hợp hình ảnh con người do AI hỗ trợ, tạo ra hình ảnh và kết xuất đồ họa giống người thật.
Người bạn sau đó đóng vai chú của Yang để gọi điện cho bà ngoại.
Trong cuộc gọi video, mẹ của Yang và những người thân đã chọn tránh xa vì sợ không kìm chế được cảm xúc của mình. Yang hướng dẫn bạn hãy nói chuyện ngắn gọn và chào hỏi đơn giản vì nói quá nhiều có thể gây nghi ngờ.
Người bạn tên Zhang Zewei, là vlogger cho Super Brain, một công ty sáng tạo nội dung tập trung vào AI, chủ yếu hoạt động thông qua mạng xã hội. Anh làm nhiều việc từ tạo các khóa học về AI đến bắt đầu kinh doanh "hồi sinh" AI.
Trong số các khách hàng của Zhang, những trường hợp như của Yang được coi là cần thiết - điển hình là những tình huống mà một người nào đó trong gia đình khách hàng đã qua đời hoặc bị đi tù, và cần phải che giấu điều đó với các thành viên lớn tuổi hoặc trẻ con trong nhà.
Câu hỏi đạo đức
Hình ảnh đồ họa được tạo ra bởi AI khá chân thực. Theo Yang, bà của anh không nhận thấy điều gì bất thường và mẹ anh mô tả nó rất thực tế sau khi xem phiên bản dùng thử.
Bà của Yang không nhận ra sự bất thường trong cuộc gọi ảo với người con trai đã mất. |
Yang giải thích: "Vì tôi có hiểu biết nhất định về công nghệ AI nên tôi có thể phát hiện nó là giả. Nhưng với những người không biết sự tồn tại của công nghệ đó, họ sẽ không nghi ngờ và chấp nhận nó là sự thật".
Rõ ràng, điều này đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức về việc sử dụng AI để tạo hình đại diện kỹ thuật số của người đã khuất.
Yang cho biết không dễ để có câu trả lời cho vấn đề đó và nói thêm: "Các chuyên gia trong ngành như tôi thấy việc nắm bắt công nghệ này là bình thường, trong khi những người ngoài cuộc hoặc người già có thể khó chấp nhận nó".
Shen Yang, giáo sư Báo chí và Truyền thông tại Đại học Thanh Hoa, cho biết "hồi sinh" người đã mất bằng đồ họa kỹ thuật số có thể giúp duy trì sự ổn định cho cuộc sống của gia đình.
"Nếu một hình đại diện kỹ thuật số được tạo ra sau khi ai đó qua đời, những người thân yêu sẽ nghĩ rằng người đó vẫn đang đợi họ ở nhà và đồng hành cùng họ", ông giải thích.
Nhưng vị giáo sư cũng cảnh báo về các vấn đề đạo đức tiềm ẩn, chẳng hạn quyền không được phục hồi bằng kỹ thuật số.
"Những người đã khuất có sẵn sàng có một phiên bản kỹ thuật số vĩnh viễn của chính họ trên thế giới không? Chúng ta có sự đồng ý của họ không? Đây thực sự là những câu hỏi khó", Shen nói. "Mọi người nên nói rõ mong muốn của mình trước khi chết. Trong tương lai, chúng ta có thể cần phải làm rõ những vấn đề này trong luật dân sự".
Nhiều câu hỏi đạo đức được đặt ra về việc "hồi sinh" người đã mất bằng công nghệ AI. |
Yang đã trả hơn 10.000 nhân dân tệ cho ba cuộc gọi video AI. Chi phí đáng kể nhất là 9.800 nhân dân tệ để đào tạo và tạo ra hình đại diện AI, cộng thêm 200 nhân dân tệ cho mỗi cuộc gọi video.
Khi số đơn hàng tăng lên, đồng thời công nghệ AI tiếp tục phát triển, giá dịch vụ của Zhang được giảm xuống.
Dùng AI để trị liệu tâm lý
Ngoài dịch vụ cuộc gọi video AI, Zhang còn cung cấp một dịch vụ khác là "trò chơi nhập vai" với người đã khuất nhằm cung cấp cho khách hàng những lời khuyên tâm lý chuyên sâu.
Năm ngoái, Zhang nhận được yêu cầu từ một phụ nữ muốn nói lời từ biệt cuối cùng với bạn trai, người đã đột ngột qua đời hai năm trước đó.
"Chúng tôi đã ăn tối cùng nhau chỉ hai ngày trước khi anh ấy đột ngột qua đời. Đã hai năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể bước tiếp", cô gái nói với Zhang.
Cô đã thử trị liệu tâm lý và thậm chí còn làm một số việc cực đoan. Cuộc sống mà cô và bạn trai cùng nhau lên kế hoạch đã tan vỡ hoàn toàn. Cô muốn có một cuộc đối thoại với anh để nói lời tạm biệt.
"Có lẽ sau đó tôi có thể bắt đầu lại cuộc sống của mình", cô nói.
Những cuộc gọi với phiên bản kỹ thuật số của người đã mất được dùng như một liệu pháp tâm lý, có sự hỗ trợ của chuyên gia. |
Một lần nữa, bằng cách sử dụng phương pháp tổng hợp hình ảnh con người, Zhang đã thay thế khuôn mặt và giọng nói của mình bằng khuôn mặt và giọng nói của người bạn trai quá cố, thiết kế cả biểu cảm khuôn mặt và giọng nói của anh ta.
Khi cuộc gọi video bắt đầu, người phụ nữ đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy khuôn mặt của bạn trai.
Đối với những dịch vụ liên quan đến tương tác tâm lý sâu sắc, ngoài sử dụng công nghệ AI để bắt chước ngoại hình và giọng nói của mọi người, Zhang còn thuê các nhà tâm lý học đóng vai người đã khuất, phí này đã bao gồm trong phí dịch vụ.
Không giống như bà của Yang, khách hàng sử dụng dịch vụ tâm lý hiểu rằng người trên màn hình không có thật. Về cơ bản, đây là một trò chơi nhập vai có tác dụng trị liệu.
Nhận thức được những lo ngại tiềm ẩn về mặt đạo đức từ dịch vụ của mình, Zhang ký thỏa thuận trước với khách hàng để bảo vệ quyền riêng tư của họ và quy định rằng hình đại diện AI kỹ thuật số không được phép sử dụng cho bất kỳ mục đích bất hợp pháp hoặc không phù hợp nào. Nếu khách hàng muốn "hồi sin" một người đã khuất, khách hàng phải cung cấp bằng chứng về mối quan hệ của họ cùng với tài liệu chính thức.
Ban đầu, Zhang cũng bối rối về việc cung cấp những dịch vụ như vậy. Anh nói mình vốn không có quá nhiều đau khổ, nhưng đột nhiên lại phải trải qua những trải nghiệm đau đớn của hàng trăm khách hàng.
"Nó có tác động lớn đến tôi. Tôi bắt đầu mơ về câu chuyện của họ vào ban đêm", anh nói.
Shen, giáo sư Đại học Thanh Hoa, cũng cảnh báo rằng ý định tốt không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả tốt. Mặc dù việc sử dụng AI nhằm mục đích hỗ trợ tâm lý, nhưng việc mô phỏng AI về những người thân yêu không thể hoàn toàn thay thế cho người thật.
"Dịch vụ này có thể khiến một số khách hàng ảo tưởng và nghĩ rằng họ có thể thực sự giao tiếp với những người thân đã khuất, điều này có thể dẫn đến chấn thương tâm lý và sự phụ thuộc hoặc cản trở quá trình đau buồn thông thường", ông cảnh báo.
"Những tác động lâu dài của những dịch vụ như vậy phải được xem xét, bao gồm cả khả năng phát triển những gắn bó không lành mạnh với người đã khuất", Shen nhấn mạnh.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.