Cô gái quyết định ngừng an tử sau câu hỏi của bác sĩ. |
Romy (22 tuổi) - người mắc chứng trầm cảm lâm sàng, rối loạn ăn uống và chán ăn do bị ngược đãi từ khi còn nhỏ - đã đưa ra quyết định đau lòng là kết thúc cuộc đời mình bằng cách an tử, được cho phép theo luật pháp Hà Lan.
Sau khi tròn 18 tuổi, Romy đã nỗ lực vận động trong 4 năm để giành quyền được chết thông qua hình thức trợ tử tự nguyện (VAD), news.com.au đưa tin.
Nhưng vào ngày thực hiện việc an tử hồi năm 2023, khi đang nằm trên giường bệnh tại thành phố Leiden của Hà Lan, Romy đột nhiên thay đổi suy nghĩ sau câu hỏi của bác sĩ.
Sáng hôm đó, cô đã nhìn thấy chiếc quan tài sẽ đưa thi thể mình vào nhà xác đậu bên ngoài. Mẹ cô ở bên cô, còn anh trai đang chờ đợi trong vườn hoa của bệnh viện cho đến khi mọi chuyện kết thúc.
Bác sĩ đứng cạnh giường bệnh của Romy và giải thích lần cuối từng bước về quy trình mà cô sẽ phải thực hiện theo luật tiêm thuốc độc theo luật an tử của quốc gia.
Romy "bật đèn xanh" cho bác sĩ rằng mình đã hiểu, nhưng cô đổ mồ hôi và tim đập thình thịch khi nghĩ đến chuyện sắp sửa xảy ra.
Trước khi bác sĩ tiêm thuốc độc, cô được hỏi câu cuối cùng theo đúng quy trình: "Cô có chắc không?".
An tử là hợp pháp tại Hà Lan. Ảnh: BBC. |
Giây phút đó, Romy, người muốn giấu họ của mình, đã không chắc chắn. Cô bắt đầu khóc, mẹ cô cũng vậy, và cô đã quyết định không tiếp tục thực hiện an tử nữa.
Sau khi từ chối an tử lần đầu, Romy đã yêu cầu được kết thúc cuộc đời mình một lần nữa và được lên lịch tiêm thuốc độc vào một ngày sau đó.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ liên tục của bác sĩ tâm lý, gia đình và bạn bè, cô quyết định sẽ tiếp tục điều trị chấn thương tâm lý. Hiện tại, cô cũng hiểu rằng mình "không muốn gì hơn là được sống".
"Tôi không hối tiếc về hành trình đó. Vì tôi đã từng rất gần cái chết, nên tôi càng hiểu giá trị của cuộc sống. Mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng giờ tôi biết rằng có ánh sáng ở cuối đường hầm", Romy nói.
Hiện tại, Romy đang theo học để lấy bằng giáo dục người lớn và sống tại viện dưỡng lão.
Khi được hỏi điều gì mang lại cho cô hy vọng, cô gái 22 tuổi cười và nói: "Điều này nghe có vẻ điên rồ nhưng tôi thực sự thích trả tiền thuê nhà. Nó mang lại cho cuộc sống của tôi ý nghĩa".
Cách đây 23 năm, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa an tử chủ động và tự tử có sự hỗ trợ của bác sĩ.
An tử được thực hiện trên cơ sở tự nguyện đối với những bệnh nhân "thực sự và có niềm tin chắc chắn" rằng họ đang phải trải qua nỗi đau không thể chịu đựng được mà không có khả năng cải thiện.
Năm ngoái, 9.068 người ở Hà Lan đã qua đời nhờ an tử, tăng so với con số 8.720 của năm 2022, chiếm hơn 5% tổng số ca tử vong ở nước này.
Hầu hết trường hợp an tử đều liên quan đến việc tiêm thuốc độc do bác sĩ thực hiện.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.