Tối 9/6, UBND tỉnh cùng Ban Trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức lễ cầu siêu cho các thanh niên hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày 3/1/1978. Lễ cầu siêu tổ chức tại cống Hiệp Hòa (xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương), nơi 98 thanh niên tử nạn cách đây 40 năm.
Cống Hiệp Hòa, nơi xảy ra tai nạn bi thảm cách đây 40 năm. Ảnh: N.A. |
Ông Nguyễn Nhật Sơn (59 tuổi, ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương) kể lúc đó ông đang đứng trên đường thì thấy công trình đổ sập. Cả một vạt núi khi đó bị đổ nát, vùi lấp rất nhiều người trong khung cảnh hỗn loạn.
Tai nạn khủng khiếp ở Nghệ Tĩnh cách nay 40 năm làm 98 người chết, 132 người bị thương. Xã Cát Văn của huyện Thanh Chương có 37 người tử nạn (31 nữ, 6 nam). Trong đó, nhiều người vừa nhận được giấy báo trúng tuyển đại học.
Tại lễ cầu siêu, hàng nghìn ngọn nến hoa đăng được các bạn trẻ thả xuống dòng sông Đào từ cống Hiệp Hòa, như những lời tri ân, tưởng nhớ và ghi danh những con người đã nằm xuống ở mảnh đất này. Sau lễ này, ban tổ chức kêu gọi các cơ quan, đơn vị xây dựng bia chứng tích cống Hiệp Hòa.
Các tình nguyện viên đưa hoa đăng đi thả tại đại lễ. Ảnh: N.A. |
Cống Hiệp Hòa ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) được xây dựng năm 1934, nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước từ Bara Đô Lương tưới tiêu cho những cánh đồng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Cuối năm 1977, cống Hiệp Hòa bị Mỹ đánh bom hư hỏng, dòng chảy bị thu hẹp, không đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Đầu năm 1978, để có nước tưới cho vụ chiêm xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh đã huy động 21.000 dân công, thanh niên xung phong của 7 huyện cùng với sự hỗ trợ của bộ đội Quân khu 4 để nạo vét, sửa chữa sông Đào, mở rộng khai thông cống Hiệp Hòa và tai nạn thương tâm đã xảy ra ở giai đoạn này.
Cống Hiệp Hòa, nơi diễn ra lễ cầu siêu. Ảnh: Google Maps. |