Nhân vật chính trong thiên truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao tất nhiên là lão Hạc. Nhưng nếu không có chú chó tên Vàng xuất hiện, hẳn tác phẩm cũng kém đi nhiều phần hấp dẫn. Thậm chí, Vàng trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng trong truyện ngắn, và trở thành một trong những chú chó nổi tiếng nhất của văn học hiện thực.
Chú chó nổi tiếng của văn học hiện thực 1945-1954
Vàng trong Lão Hạc không xuất hiện với hình dáng, màu lông, tập tính. Thay vào đó, Vàng xuất hiện qua những dòng kể tự sự của nhân vật ông giáo. “Tôi lại biết rằng lão nói là nói để có đấy thôi, chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại, có bán thật nữa thì đã sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế”, ông giáo ngẫm nghĩ sau khi được lão Hạc tâm sự: “Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ”.
Cậu Vàng là một trong những chú chó nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam. |
Vàng vốn là con chó được con trai của lão Hạc mua về nuôi và “định để đến lúc cưới vợ thì giết thịt”. Nhưng sự đời chẳng như tính toán. Biến cố ập đến trong xã hội thối nát đương thời, vợ chết, con đi biền biệt, lão Hạc chẳng còn gì ngoài con chó. Từ nuôi để thịt, Vàng đã trở thành bạn của lão.
“Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó Vàng của lão. Lão chỉ còn một mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi biền biệt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn? Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút”, ông giáo kể.
Vì yêu đến thế, Lão gọi nó là cậu Vàng, như một người bạn. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó. Những buổi tối, khi lão uống rượu, thì nó ngồi dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ.
Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó. Lão bảo nó thế này: "Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không có thư về. Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy... Hơn ba năm... Có đến ngót bốn năm... Không biết cuối năm nay bố cậu có về không? Nó mà về, nó cưới vợ, thì nó giết cậu. Liệu hồn cậu đấy".
Lão Hạc cứ nói chuyện như vậy với Vàng, thân thương, tình cảm, như người nói với người. Và, “con chó vẫn hếch mồm lên nhìn chẳng lộ một vẻ gì”. Để rồi, lão phải “lừ mắt nhìn trừng trừng vào mắt nó, to tiếng doạ: Nó giết mày đấy! Mày có biết không? Ông cho thì bỏ bố!”.
Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng, để lấy lại lòng chủ. Lão Hạc nạt to hơn nữa: "Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết".
Thấy lão sừng sộ quá, con chó vừa vẫy đuôi, vừa chực lảng. Nhưng lão vội nắm lấy nó, ôm đầu nó, đập nhè nhẹ vào lưng nó: "À không! à không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!... Cậu Vàng của ông ngoan lắm ! Ông không cho giết... Ông để cậu Vàng ông nuôi".
Lão Hạc và cậu Vàng - biểu tượng của sự cùng khổ
Nhưng rồi, lão vẫn giết cậu Vàng, lại là lừa để giết. Và lão đã rơi nước mắt vì điều ấy. Lão đến gặp ông giáo: "Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ".
Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước, "tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc" - nhân vật ông giáo tâm sự.
Việc phim Cậu Vàng sử dụng chó Nhật đóng vai cậu Vàng đã gây tranh cãi dữ dội. |
Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc.
"Khốn nạn. Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ như trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng : "A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?". Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó", lão Hạc đau xót.
Nghe những cảm thán đau xót của lão Hạc, ông giáo an ủi: "Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác".
Nhưng, lão Hạc chua chát bảo: “Ông giáo nói phải ! Kiếp chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn...".
Sau khi lừa bán cậu Vàng, ít bữa sau lão Hạc tự tử bằng bả chó, kết thúc kiếp người của lão.
Giữa bối cảnh tăm tối của những năm đói cùng đói kiệt, cậu Vàng giống như biểu tượng của sự cùng khổ khi đặt cạnh nhân vật lão Hạc, cùng với bi kịch của lão.
Bởi vậy, những tranh cãi dữ dội quanh việc tuyển chọn chó Nhật vào vai cậu Vàng trong bộ phim Cậu Vàng - không phải là chuyện khó hiểu.