Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Nhật sai khi chê shipper, nhưng dân mạng lao vào 'ném đá' có đúng?

Việc dân mạng "ném đá" CEO Nhật Bản chê shipper Việt Nam một lần nữa đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa sự bảo vệ kẻ yếu và việc nhấn mạnh nỗi đau của nạn nhân bằng cách nhắc lại nó.

Ken Hisada, CEO của một công ty công nghệ tại Việt Nam, tỏ thái độ không hài lòng khi shipper vào một quán cà phê cao cấp, đồng thời gọi người này là "bẩn thỉu".

Trang cá nhân của cầu thủ Thái Lan Chanathip Songkrasin nhận nhiều bình luận gay gắt bởi dòng trạng thái "tát không trượt phát nào" (tạm dịch) được cho là liên quan tới việc đồng đội của mình tát vào mặt Đoàn Văn Hậu tại trận Việt Nam - Thái Lan trong khuôn khổ King’s Cup 2019.

Cách đây không lâu, diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm xúc phạm người da màu tại một tiệm mỹ phẩm ở Ấn Độ. "Con quỷ đó giới thiệu mỹ phẩm làm trắng da, đẹp da, sáng da mà quý vị xem mặt nó như cô hồn", người này nói.

Ở mỗi trường hợp như thế, nhân vật chính cũng phải nhận không ít lời chửi rủa, lăng mạ.

"Thiếu suy nghĩ", "học thức cao nhưng nhân cách chẳng ra gì", "ra đường nhớ cẩn thận", "động vật còn văn hóa hơn"… là những bình luận, đe dọa và phản ứng thường thấy của dân mạng trước những vụ việc như trên.

Việc ném đá như thế thể hiện sự bênh vực, tìm lại công bằng cho kẻ yếu hay chỉ là mượn danh bảo vệ công lý để chửi cho thỏa cảm xúc?

Kể từ khi các diễn đàn "kể tội" xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, không ít chuyện xấu được "phơi bày ra ánh sáng". Cùng với sự phơi bày đó là những chỉ trích từ dân mạng. Họ "phán xử" những người làm chuyện xấu này bằng việc nhấn mạnh, chửi rủa, dùng từ ngữ tục tĩu.

Hoặc thậm chí, một số người còn bị công khai các thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, công ty, số điện thoại và cả thông tin người thân.

Câu chuyện của CEO người Nhật Bản tỏ ý chê bai shipper trong những ngày này một lần nữa đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa sự bảo vệ kẻ yếu và nhấn mạnh nỗi đau, tổn thương nạn nhân bằng cách nhắc lại.

Việc dùng từ ngữ tỏ ý miệt thị hoặc có hành động gây tổn thương người khác là sai nhưng hành động chỉ trích, bình luận, lên án bằng những từ xúc phạm của một bộ phận dân mạng có khiến hành động sai trở nên đúng hơn?

CEO Nhat Ban che shipper Viet anh 3
Công khai làm nhục người khác thông qua phương tiện truyền thông xã hội, blog được xem là một hình thức bệnh tâm lý. Ảnh: Thrive Global.

Hai điều sai không làm chuyện trở thành đúng

Theo một bài viết về công bằng xã hội trên các phương tiện truyền thông đăng trên trang Channel News Asia, trong khi nhiều người khen ngợi và cho rằng hành động của dân mạng là cách tốt nhất để chống lại tội ác hiện nay, các chuyên gia chỉ ra rằng chúng ta cần dừng lại để xem xét hành động của chính những người này.

Trong một bài viết trên trang Whyy.org, tác giả Marta Rusek chỉ ra việc dân mạng quấy rối, công khai làm nhục người khác thông qua phương tiện truyền thông xã hội, blog được xem là một hình thức bệnh tâm lý.

Tác giả giải thích kể từ năm 2004, khi thế giới phát triển xu hướng truyền thông mới, ông đã nhận thấy các hình thức công khai làm nhục người khác với danh xưng bảo vệ kẻ yếu.

CEO Nhat Ban che shipper Viet anh 4
Quấy rối, công khai làm nhục người khác thông quan phương tiện truyền thông xã hội được xem là một hình thức bệnh tâm lý. Ảnh: Fotolia.

Các hình thức đó bao gồm việc xâm nhập vào một tài khoản cá nhân, chia sẻ thông tin cá nhân của một ai đó với mọi người mà chưa được sự đồng ý nhằm làm nhục, kiểm soát và khiến họ không thoải mái.

Thêm vào đó, bằng cách liên tục gọi tên và nhắc lại hành động xấu của những người này trên các trang web công khai, chúng ta lại vô tình làm tổn thương nạn nhân.

Việc "tấn công" trang cá nhân của kẻ gây lỗi và nhắc lại tội ác trở thành sự đả kích đối với nạn nhân. Bạn chẳng khác gì những kẻ xấu đó cả, chỉ có điều bạn đang thực hiện lại các hành vi kinh khủng đó dưới danh nghĩa chống lại cái ác.

Theo bài viết trên Channel News Asia, việc quấy rối những người có tội sẽ khiến chính chúng ta có tội. Việc cố theo dõi hành vi của người khác trên mạng xã hội, dùng lời lẽ lăng mạ, phỉ báng cũng có thể cấu thành tội danh.

Bên cạnh đó, bài viết này cũng cho biết trong thời đại tin tức giả tràn lan, không thể dùng thông tin trên mạng xã hội để "kết tội" một ai đó.

Các chuyên gia đã lập luận rằng dù thông tin trực tuyến miễn phí đã mở ra khả năng lan truyền và giao tiếp tự do, nó cũng có một mặt tối. Internet rõ ràng đã khuếch đại tin đồn và sự xấu hổ, biến chúng trở nên công khai.

Nếu bạn có một ngày tồi tệ và khiến bạn trở nên thô lỗ với đồng nghiệp, bạn xứng đáng nhận những lời góp ý, than phiền thậm chí là chửi rủa từ sếp. Tuy nhiên, gia đình bạn thì không.

TS Whitney Phillips, giảng viên giảng dạy Xã hội học hành vi trên Internet, trường ĐH bang Humboldt, đúc kết trên trang The Awl về vấn đề liên quan: Giống với các biện pháp ngăn chặn và trừng phạt truyền thống, việc làm nhục người khác trên mạng xã hội cho phép một cá nhân hoặc nhóm người đặt ra những điều có thể và không thể chấp nhận được, tạo nên bộ quy tắc riêng.

Không dừng ở đó, việc đặt ra những quy tắc vô hình này còn bao gồm cả việc trừng phạt, đe dọa trừng phạt bất cứ ai "chệch khỏi" các quy tắc được thiết lập.

CEO Nhat Ban che shipper Viet anh 5
"Kẻ gây tội" trên mạng xã hội hầu như không có cơ hội để giải thích sự việc. Ảnh: Metro Parent.

Chửi bới, thả phẫn nộ có thực sự cần thiết?

Theo Channel News Asia, người Singapore có ý thức mạnh mẽ về công bằng xã hội. Tuy nhiên, thực thi công lý trên mạng xã hội là không chính đáng tại quốc gia này.

Thông thường, những người bị buộc tội trở thành nạn nhân thông qua lời kể của một vài người và họ không có cơ hội để kể ra câu chuyện của họ. Kể cả khi nói về nó, họ cũng được cho là đang cố bao che tội lỗi và một lần nữa trở thành kẻ ác trong mắt công chúng.

Chính vì thế, người dân Singapore thường có những đề xuất đối với chính phủ để dùng pháp lý chống lại hành động sai trái.

Thay vì đăng tải và bình luận lên mạng xã hội, những trường hợp trái quy tắc được người dân giao cho cảnh sát. Phía cảnh sát cũng cần đảm bảo rằng sẽ đưa sự thật ra trước ánh sáng.

Trước sự bất công, chúng ta cần xem xét liệu có lý do chính đáng nào cho việc chúng ta tự hạ thấp bản thân mình để tham gia vào đám đông quấy rối trong lớp vỏ "bảo vệ công bằng", theo The Channel News Asia.

CEO người Nhật chê shipper Việt 'bẩn, làm mất không gian cao cấp'

Ken Hisada, CEO của một công ty công nghệ tại Việt Nam, cho rằng những shipper xuất hiện trong quán cà phê khiến nơi đây mất đi sự sang trọng vốn có.





Lê Ngọc

Bạn có thể quan tâm