Đồng hồ đa múi giờ thích hợp cho những người thường xuyên di chuyển đến những địa điểm có múi giờ khác biệt. Ảnh minh họa: Swiss Watches Magazine. |
Danh sách những mẫu đồng hồ phục vụ cho mục đích du lịch (travel watch) khó có thể bỏ qua chiếc đồng hồ world-time (giờ thế giới). Khác với đồng hồ thời gian kép (dual-time watch) hay đồng hồ GMT (đồng hồ hai múi giờ), sáng chế này có thể hiển thị múi giờ ở tất cả 24 thành phố đại điện thay vì 2-3 múi giờ.
Đồng hồ giờ thế giới hiếm hơn nhiều và không khó để hiểu nguyên nhân đằng sau. Chúng được trang bị thêm một kim thời gian thứ 4 nhưng không ảnh hưởng nhiều đến bố cục mặt số.
Bên cạnh đó, việc thiết kế và thể hiện được 24 múi giờ trên thế giới khó khăn và phức tạp. Thực tế, khâu chế tác khó đến mức chỉ có một phương thức thực hiện gần như không thay đổi kể từ đầu những năm 1930.
Chiếc đồng hồ world-time đeo tay đầu tiên thuộc về thương hiệu Patek Philippe. Tuy nhiên, gương mặt thực sự đứng sau thiết kế ấn tượng này là nghệ nhân tài ba Louis Cottier, theo Oracle Time.
Chân dung Louis Cottier. Ảnh: Oracle Time. |
Cha truyền con nối
Cottier được sinh ra ở Carouge (Thụy Sĩ) và là con trai của thợ đồng hồ Emmanuel Cottier. Vì vậy, không khó hiểu khi Cottier quyết định theo đuổi sự nghiệp chế tác đồng hồ.
Thực tế, cha của ông từng tự mình nghiên cứu chức năng hiển thị giờ thế giới trên đồng hồ cùng với bộ máy tự động và hàng loạt ý tưởng cơ học ấn tượng khác.
Song, tất thảy chưa bao giờ thành công. Chúng thường gặp khó khăn hoạt động hay thậm chí vô dụng.
Cùng lúc đó, Louis Cottier làm việc trong một xưởng phía sau cửa hàng sách ông điều hành cùng vợ mình.
Dù chỉ mới được đào tạo đầy đủ trong vài năm, nhờ vào hoàn cảnh giáo dục từ nhỏ, Cottier đã nắm nhiều kiến thức hơn thợ đồng hồ mới ra nghề thông thường. Theo đó, ông dần tự mày mò nghiên cứu giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng hồ giờ thế giới.
Năm 1931, Cottier đã đưa ra một giải pháp hiệu quả cho đồng hồ world-time song lại đơn giản một cách khéo léo.
Bản vẽ gốc mẫu đồng hồ giờ thế giới của Louis Cottier. Ảnh: Oracle Time. |
Được mệnh danh là “heures universelles” hay “giờ thế giới” (world-time) trong tiếng Anh, sáng chế này vẫn hiển thị giờ địa phương ở trung tâm với cách bố trí ba kim chỉ thời gian thông thường. Điều này đảm bảo rằng đồng hồ vẫn hữu ích để đeo hàng ngày. Tuy nhiên, Cottier đã liên kết kim 12 giờ với một vòng 24 giờ quay ngược chiều kim đồng hồ.
Bên cạnh đó, ông còn viết thêm tên 24 thành phố đại diện cho từng múi giờ trên vòng quay này. Mỗi giờ trôi qua, vòng quay bên trong sẽ di chuyển theo để người đeo có thể xem giờ chính xác ở mọi nơi trên thế giới bất kể thời điểm. Ngoài ra, vì kim phút luôn chính xác bất kể múi giờ, mọi người vẫn có thể xem thời gian một cách nhanh chóng.
Chiếc đồng hồ Ref. 96 HU Louis Cottier chế tác cho thương hiệu Patek Philippe. Ảnh: Oracle Time. |
Đưa vào đồng hồ đeo tay
Ban đầu, Cottier có khá nhiều không gian để chế tác cơ chế world-time vì chúng được đặt vào đồng hồ quả quýt dành cho một người thợ kim hoàn.
Tuy nhiên, phát minh này của Cottier vẫn thu hút được sự chú ý của các “ông lớn” trong giới đồng hồ Thụy Sĩ lúc đó.
Năm 1932, thương hiệu Vacheron Constantin đã ủy quyền người thợ đồng hồ độc lập này chế tạo một phiên bản đồng hồ thế giới mang tên ref. 3372.
Song, vào thời điểm này, đồng hồ quả quýt đã thuộc về dĩ vãng. Không lâu sau đó, Cottier đã được hãng Patek Philippe “đặt hàng” thu nhỏ cơ chế world-time vào đồng hồ đeo tay.
Thành phẩm lần lượt là chiếc đồng hồ hình chữ nhật ref. 515 HU và ref. 96 HU với phần vỏ hình Calatrava được trình làng vào năm 1937. Dù 515 không có gì nổi bật ngoài việc tạo mẫu, 96 HU lại trở thành một trong những chiếc đồng hồ Patek Philippe đáng sưu tầm nhất còn tồn tại.
Trong thời gian này, Cottier cũng đang chế tạo đồng hồ cho nhiều thương hiệu khác. Bên cạnh Vacheron Constantin và Patek Philippe, ông đã thiết kế đồng hồ world-time cho Rolex và Agassiz (sau này trở thành Longines). Đồng thời, ông cũng phổ biến sáng chế của mình tới những “người chơi” lớn nhất trong thế giới đồng hồ.
Reference 5110 HU G phiên bản vàng trắng của Patek Philippe là chiếc đồng hồ world-time đầu tiên có nút ấn điều chỉnh vòng 24 giờ. Ảnh: europa star. |
Không ngừng phát triển
Sáng chế giờ thế giới của Cottier kết thúc tại đây thì vẫn được nhiều người công nhận là đóng góp quan trọng cho giới đồng hồ. Song, năm 1953, ông đã làm điều mà ít ai ngờ tới là cải tiến phát minh của chính mình.
Trước đây, cách duy nhất để điều chỉnh vòng 24 giờ là sử dụng giờ địa phương. Cách này đơn giản nhưng hơi khó chịu, đặc biệt nếu đồng hồ tắt vào nửa cuối ngày. Vì vậy, vào năm 1953, Cottier đã thêm khả năng điều chỉnh vòng 24 giờ thông qua núm vặn thứ hai.
Thay đổi này tuy nhỏ nhưng quan trọng vì chúng trực tiếp dẫn đến nhiều sáng chế khác bao gồm cả bộ bấm giờ nhảy giờ đã trở thành trứ danh cho thương hiệu Patek Philippe.
Có thể thấy, Cottier và những người thợ đồng hồ tại Patek Philippe chịu trách nhiệm cho nhiều đặc điểm ấn tượng của đồng hồ giờ thế giới. Dù bộ chuyển động hoàn toàn do Cottier chế tác, những thứ như bản đồ tráng men trên mặt số được nhiều nhà sản xuất đồng hồ khác bắt chước đều là của Patek Philippe.
Bảo tàng đóng góp của Louis Cottier tại Carouge (Thụy Sĩ). Ảnh: geneve.com. |
Hiện nay, nhiều nhà sưu tập biết về những mẫu đồng hồ world-time đeo tay đời đầu của Patek Philippe nhiều hơn là người thực sự chịu trách nhiệm biến chúng thành thực.
Tuy nhiên, xưởng đồng hồ sau hiệu sách của Cottier giờ đây đã biến thành một bảo tàng kỷ niệm các đóng góp của ông cho ngành chế tác đồng hồ. Đây là một địa điểm lý tưởng dành cho những ai muốn tìm hiểu nhiều hơn về mẫu đồng hồ đa múi giờ nổi tiếng.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.