Chiều tối 4/7, TTND.PGS.TS.BS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) - đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao chứng nhận “Người có công trình nghiên cứu khoa học về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được ứng dụng, chuyển giao, đào tạo trong và ngoài nước nhiều nhất”.
Chủ tịch hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận cho công trình của PGS.TS Trần Ngọc Lương. Ảnh: T.Q. |
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đây là kỷ lục đầu tiên của ngành y tế Việt Nam.
Bác sĩ Trần Ngọc Lương là chuyên gia đầu ngành phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý về tuyến giáp. Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý ở tuyến giáp" của ông đã đạt loại xuất sắc cấp nhà nước, giải nhất Nhân tài đất Việt 2014.
Đây là kỹ thuật khó, được tìm ra vào thời điểm chỉ có rất ít tác giả trên thế giới làm được với những kỹ thuật khác nhau và còn nhiều hạn chế. Tính đột phá trong phương pháp mổ của bác sĩ Trần Ngọc Lương là sử dụng đường nách, ngực với những vết rạch nhỏ trên da. Các vết này kích thước từ 0,5-1 cm, biến mất sau vài tháng và hoàn toàn có thể che đi bằng trang phục.
“Với phẫu thuật nội soi, yếu tố thẩm mỹ được đảm bảo. Người bệnh sau phẫu thuật có thể quay lại cuộc sống và sinh hoạt bình thường sớm hơn, tự tin trong giao tiếp, không cần che cổ bằng tay hay đồ trang sức như trước đây nữa”, PGS.TS Trần Ngọc Lương cho hay.
Về kinh tế, đây là một kỹ thuật mổ tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nhiều so với kỹ thuật đang tồn tại trên thế giới. Một ca cắt thùy tuyến giáp tại Hàn Quốc hoặc Singapore mất 2 tiếng với chi phí khoảng 8.000-10.000 USD. Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bác sĩ chỉ mất 20 phút để thực hiện ca mổ với chi phí từ 300-400 USD.
TTND.PGS.TS Trần Ngọc Lương và các cộng sự tại một ca phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: T.Q. |
Từ năm 2016 đến nay, bác sĩ Lương và cộng sự đã thực hiện 5.381 ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp. Đến nay, 327 giáo sư, bác sĩ của các nước trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippin, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Australia, Bồ Đào Nha... sang Việt Nam học tập kỹ thuật này.
“Đây là kỹ thuật có giá trị, đóng góp nhiều trong thực tiễn, ảnh hưởng rất sâu rộng, không những trong ngành y tế của Việt Nam nói riêng mà trong ngành y thế giới nói chung. Tôi tin tưởng rằng sự kiện này sẽ tạo động lực cho các y bác sĩ Việt Nam say mê làm việc và nghiên cứu, để xác lập những kỷ lục mới trong ngành y tế", Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đánh giá.