Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cha đòi 100 triệu vì con bị đánh và chuyện học sinh chịu đòn thay bạn

"Trong khi đám trẻ hành động trượng nghĩa, sẵn sàng chịu đòn thay bạn, người lớn lại đôi co với nhau từng đồng xu, coi trẻ như món hàng", TS Vũ Thu Hương viết.

Nhiều học sinh lớp 7 ở An Giang xin nhận đòn phạt của thầy giáo thay bạn. Phụ huynh ở TP.HCM đòi bồi thường 100 triệu đồng vì con mình bị đánh ở trường mầm non. Hai câu chuyện đáng chú ý trong "làng" giáo dục tuần qua khiến nhiều người suy ngẫm.

Hai câu chuyện đối ngược 

Câu chuyện giáo viên bạo hành học sinh lại làm "nóng" nhiều diễn đàn mạng, khi thầy giáo Lê Trường Thọ, chủ nhiệm lớp 7A3, trường THCS Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Phú Tân, An Giang) bị tố đánh nữ sinh đến vẹo cột sống.

Thầy Thọ đưa ra quy định từ lâu với học sinh về việc sẽ bị đánh bằng roi nếu không thuộc bài, tùy từng vị trí trong lớp. Với quy định này, em T. phải chịu tổng cộng 100 roi của giáo viên chủ nhiệm.

Điều đáng nói là trong lúc căng thẳng, những hành động hào hiệp xuất hiện ở đám học trò. Các em đã dám làm những việc mà nhiều người lớn không làm được. Khi thầy đánh khoảng 10 roi, T. đau và khóc, nhiều bạn khác trong lớp tình nguyện lên chịu đòn thay.

Cha doi 100 trieu vi con bi danh anh 1
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội. 

Rõ ràng, thầy giáo lập ra quy định đòn roi để phạt các bạn không học bài là phi giáo dục và hoàn toàn không phù hợp tâm, sinh lý học trò. Hành vi này đáng bị lên án, cần được xử lý nghiêm và chấm dứt hoàn toàn trong cả ngành giáo dục.

Ngược lại, hành động của học sinh trong lớp khiến nhiều người lớn phải suy nghĩ. Phải chăng khi chúng ta chưa biết cách ứng xử phù hợp tình huống, đám trẻ đã dám làm, dám chịu, dám chia sẻ, dám chấp nhận đau đớn vì bạn bè?

Liệu thầy giáo có thấy xấu hổ, ngượng ngùng không khi học trò đã nghĩ và làm được những điều mà nhiều người lớn chưa chắc nghĩ và làm được?

Hãy giúp con xóa bỏ tổn thương tinh thần

Cũng trong tuần, một hành động khác của người lớn gây tranh cãi liên quan chủ đề bạo hành trẻ.

Câu chuyện xảy ra từ ngày 5/12/2018 kéo dài đến bây giờ. Sau khi đón con từ trường về nhà, ông Đinh Đức Dũng ở Bình Tân, TP.HCM, phát hiện hông và cẳng tay bé P. có nhiều vết bầm tím nên đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị tổn thương phần mềm hai cẳng tay và ngực. Ngay hôm sau, phụ huynh cho con nghỉ học và chuyển trường.

Sau đó, người cha tới trường Mầm non Tây Thạnh 2, nơi con mình học, gặp hiệu trưởng để làm rõ vụ việc. Phụ huynh đòi bồi thường 10 triệu đồng, rồi lên đến 100 triệu đồng, sau nhiều lần thỏa thuận hai bên. Câu chuyện khiến người công tác lâu năm trong ngành giáo dục không khỏi ngạc nhiên và cả buồn nữa.

Trẻ bị giáo viên đánh là điều đáng lên án, hết sức đau xót. Tuy nhiên, việc bạo hành đó xảy ra rồi. Con không bị tổn thương quá nặng về cơ thể mà tinh thần lớn hơn nhiều. Phụ huynh cần tìm cách giảm bớt, thậm chí xóa bỏ tổn thương tinh thần mà bé gặp phải.

Trẻ em không phải là tài sản, mà là con người cần được tôn trọng. Ứng xử thận trọng trong chính tình huống trẻ bị bạo hành để không khắc sâu thêm những ký ức đau đớn của các em là điều mỗi bậc cha mẹ có trách nhiệm cần thực hiện.

Giáo dục không phải và tuyệt đối không bao giờ là dịch vụ. Nếu coi giáo dục như một dạng dịch vụ, mặc cả, mua bán, tất cả nguyên lý tốt đẹp và cần thiết của ngành sẽ bị mai một, thậm chí biến mất.

Học sinh hỏi giáo viên có muốn nghỉ việc không?

Bạn tôi, một giáo viên cấp hai, từng bị học sinh chỉ tay vào mặt và quát rằng: Cô có muốn nghỉ việc ngay ngày mai không?

Cô lý giải việc này là trường quốc tế, nơi mình làm việc, luôn đề cao từng ý kiến của phụ huynh. Trường nhắc giáo viên rằng phụ huynh trả lương cho họ nên phải phục dịch toàn bộ những yêu cầu của "khách hàng".

Nắm bắt được điểm đó, nhiều học sinh không còn tôn trọng giáo viên nữa. Các con coi thầy cô giáo của mình như giúp việc trong gia đình, thường xuyên quát nạt và... dọa.

Là người lớn, mỗi hành vi của chúng ta đều tác động đến con trẻ, sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ tương lai. Trong khi đám trẻ đủ sức làm những hành động trượng nghĩa, cứu giúp bạn bè lúc khó khăn, người lớn lại đôi co với nhau từng đồng xu, coi trẻ như món hàng?

Phải chăng những người lớn chúng ta đã đủ khả năng về đạo đức, kỹ năng và kiến thức để giáo dục trẻ?

Cô giáo tát học sinh vì làm thừa bài kiểm tra Cô giáo tát học sinh vì em này làm cả hai đề kiểm tra A và B, trong khi theo quy định chỉ được làm một.

Thầy giáo bị tố đánh nữ sinh lớp 7 vẹo cột sống nói gì?

Thầy Lê Trường Thọ (THCS Long Hòa, Phú Tân, An Giang) nói đánh học sinh là muốn các em học tốt hơn. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Phú Tân khẳng định đây là phương pháp phản giáo dục.

TS Vũ Thu Hương

Bạn có thể quan tâm