Nạn nhân là bé gái H.T.H.Y (10 tuổi, ngụ tại Gio Linh, Quảng Trị, tạm trú tại TP.HCM). Vụ tai nạn xảy ra khi cha của Y. đang hút thuốc trong nhà, khí gas đã bắt lửa từ tàn thuốc khiến bình phát nổ làm hai cha con bỏng nặng. Bé Y. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), còn người cha đang nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin bé Y. bỏng nặng đến gần 80% diện tích cơ thể, bỏng sâu độ 2-3, vết thương hoại tử, nhiễm trùng, các mô bị phá hủy nặng nề. Bệnh nhi có dấu hiệu sốc bỏng, suy hô hấp vẫn chưa qua cơn nguy kịch và đang được điều trị tích cực.
ThS.BS Diệp Quế Trinh, Phó khoa Phỏng và Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết khí gas gây bỏng đường hô hấp, hiện tại các sinh hiệu của bé chưa ổn định nên chưa đáp ứng được cho một cuộc mổ.
Nhiều trường hợp đau lòng xảy ra với trẻ nhỏ vì sự vố ý của người lớn. Ảnh: BVCC |
Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp đau lòng xảy ra với trẻ nhỏ vì sự vô ý của người lớn. Chỉ trong một tuần qua, các bác sĩ của khoa đã liên tục tiếp nhận 5 trường hợp bị bỏng rất thương tâm.
Trường đau lòng nhất là tai nạn của bé trai 28 tháng tuổi (ngụ Long An). Bệnh nhi gặp nạn khi gom rác đốt lửa, không ngờ trong đó có lẫn một vỏ chai nước giải khát đựng xăng. Ngọn lửa bùng cháy trùm kín cả người nạn nhân.
Ngay lập tức, nạn nhân được sơ cứu tại bệnh viện địa phương, chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
“Gần như cả cơ thể nạn nhân bị ngọn lửa thiêu cháy, bỏng 95%, những lớp da bị khô cứng lại, lúc đó cháu chỉ còn thoi thóp, chúng tôi chẳng thể làm gì hơn bởi cháu bỏng quá nặng”, BS Quế Trinh bùi ngùi kể lại.
Một trường hợp khác đang được theo dõi tích cực là bé T.B.L, 15 tháng tuổi bị bỏng nặng cả hai chân. Bác sĩ cho biết bé bị bỏng sâu độ 2-3, vết thương đang nhiễm trùng phải phẫu thuật để cắt lọc các mô hoại tử.
Chị Nguyễn Thị Hường (34 tuổi, ở Tân Thạnh, tỉnh Long An) xót xa kể: “Lúc đó tôi đang nấu nước để tắm cho con, vừa đặt ấm nước xuống thì bé đã nhào đến chụp lấy ấm nước còn nóng hổi, hai chân phồng rộp tụt da, không ngờ cháu mới biết đi mà nhanh đến vậy”.
Bác sĩ Quế Trinh cho biết sau khi lành bệnh, khả năng bé sẽ bị sẹo co rút bàn chân, phải tập vật lý trị liệu.
Nguyên nhân khiến các bé bị bỏng đa phần đều xuất phát từ tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày, các nguyên nhân thường do sự sơ ý của người lớn. Hầu hết trẻ bị nạn trong độ tuổi còn rất nhỏ (dưới 6 tuổi) nên chưa ý thức được những tình huống có thể dẫn đến tai nạn.
Bác sĩ Diệp Quế Trinh cho hay mỗi năm cứ gần dịp Tết Nguyên đán, bệnh viện lại tiếp nhận nhiều tai nạn bỏng ở trẻ em như ngã vào bếp lửa, nồi nước khi đang luộc bánh… Dịp tết cũng là lúc nhiều phụ huynh rất bận rộn, không có thời gian trông nom trẻ nên những tai nạn thương tâm thường xuyên xảy ra.
Bỏng là tai nạn phổ biến và đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ. Bệnh nhi may mắn qua cơn nguy kịch nhưng khả năng để lại sẹo lồi và các di chứng ảnh hưởng đến chức năng vận động là rất lớn.
Trường hợp khi trẻ không may bị bỏng do nước nóng, người thân cần dùng nước sạch, mát để dội liên tục vào vùng bỏng khoảng 30 phút sau đó chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Nếu trẻ bị bỏng ga, cần đưa thẳng nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không đắp kem đánh răng, rửa bằng nước mắm hay đắp thuốc lên vết bỏng.