Theo đó, độ tuổi kết hôn hợp pháp ở nữ giới sẽ tăng từ 18 lên 21 như nam giới. Cha mẹ Ấn Độ sẽ phải đợi đến khi con mình đủ tuổi mới có thể lấy chồng cho con, nếu không sẽ vi phạm pháp luật, theo South China Morning Post.
Nhiều phụ huynh này đang sẵn sàng trả mức phí gấp 3 cho dịch vụ hôn lễ hoặc gấp gáp tìm đối tượng tiềm năng cho con gái. Trong khi đó, các linh mục liên tục nhận được đề nghị chủ trì hôn lễ, một số đám cưới phải tổ chức tại nhà vì các trung tâm tiệc cưới hết chỗ.
Dự luật gây tranh cãi
Smriti Irani, Bộ trưởng Phát triển Phụ nữ và Trẻ em, người đưa ra dự luật, cho biết động thái nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp là một "bước đi quả quyết" trong lịch sử Ấn Độ.
Quốc gia này vẫn còn là một xã hội bảo thủ, nơi phụ nữ kết hôn sớm không phải chuyện lạ và tình trạng kết hôn ở tuổi vị thành niên diễn ra phổ biến, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Bộ trưởng cho biết có tới 200.000 trường hợp tảo hôn đã bị chính quyền ngăn chặn từ năm 2015 đến năm 2020. Cuộc điều tra sức khỏe gia đình quốc gia mới nhất cũng cho thấy 6,8% trẻ em gái độ tuổi 15-19 đang mang thai vào giai đoạn 2019-2021, thời điểm cuộc điều tra được tiến hành.
Dữ liệu từ cuộc khảo sát khoảng 635.000 hộ gia đình cũng cho thấy 23,3% phụ nữ 20-24 tuổi đã kết hôn khi chưa tròn 18, dù điều này là bất hợp pháp.
Tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở Ấn Độ, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Ảnh: AFP. |
Dù vậy, dự luật nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp vẫn đang tạo ra cuộc tranh luận tại đất nước tỷ dân. Nhiều nhà phê bình chỉ ra rằng động thái này có thể là "công thức dẫn đến thảm họa" và trừng phạt phụ nữ trẻ.
"Luật mới sẽ kiểm soát quyền tự quyết của phụ nữ, cướp đi quyền về tình dục của họ trong việc kết hôn khi họ cảm thấy đã sẵn sàng. Nếu những người 18 tuổi có thể bầu cử, lái xe, đại diện cho đất nước tham dự Thế vận hội và đóng phim thì tại sao họ không thể kết hôn ở độ tuổi đó?", Pratibha Kapur, nhà hoạt động ở Delhi, đặt câu hỏi.
Kapur chỉ ra rằng dự luật cũng tìm cách sửa đổi một số luật khác để tạo ra độ tuổi kết hôn đồng nhất giữa các tôn giáo.
Vội vã
Dù vẫn đang được cân nhắc, dự luật này đã tạo nên tình trạng kết hôn vội vã ở một số tiểu bang Ấn Độ. Một số cô dâu đáng lẽ tổ chức đám cưới trong năm nay hoặc năm sau song hiện các bậc cha mẹ đã gấp gáp tranh nhau đăng ký nhờ linh mục, mục sư.
"Chúng tôi có 3 cô con gái đã tốt nghiệp trung học/đại học. Chúng tôi đã tìm được những chàng trai tốt cho chúng nên quyết định sẽ tổ chức một đám cưới tập thể vào cuối tháng này", một người cha ở bang Telangana nói.
Ông cho rằng các quyết định liên quan đến "chủ đề nhạy cảm" như hôn nhân "tốt nhất nên để cho các bậc cha mẹ, những người biết điều gì là tốt nhất cho con mình".
Nhiều gia đình có con gái dưới 21 tuổi đang ráo riết tổ chức hôn lễ vì sợ dự luật mới được thông qua. Ảnh: Ankita Asthana. |
Một số phụ huynh còn tin rằng việc nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp có thể gây ảnh hưởng xấu đến tương lai của những cô gái đã đính hôn: họ có thể bỏ trốn theo ai đó hoặc hôn phu phải lòng cô gái khác. Cũng có lo ngại rằng cha mẹ chú rể sẽ tăng tiền hồi môn.
Tại bang Uttar Pradesh, một linh mục ở thành phố Lucknow cho biết những ông bố bà mẹ sốt ruột đang sẵn sàng trả gấp 3 lần mức bình thường để thuê ông cho các đám cưới.
"Dù vậy, tôi không thể nhận thêm vì lịch của tôi đã kín đến cuối tháng. Nhiều phụ huynh đang tuyệt vọng gả con đi trước khi luật có hiệu lực".
Một linh mục khác ở bang Kerala cũng cho biết ông và các đồng nghiệp đang rất bận rộn, thực hiện hơn 20 đám cưới mỗi ngày so với con số thông thường là 3 hoặc 4.
Lo ngại
Nhiều nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và chuyên gia kế hoạch hóa gia đình cũng sợ rằng nếu luật mới có hiệu lực có thể tạo ra làn sóng các cuộc hôn nhân bất hợp pháp. Họ cũng cho biết các luật hiện hành đã quy định trong nhiều thập kỷ rằng trẻ em gái không được kết hôn trước 18 tuổi nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến.
"Điều gì đảm bảo rằng mọi người sẽ tuân theo các nguyên tắc mới?", Kishori Aggarwal, thành viên của Lawyers Collective, một diễn đàn về nhân quyền, đặt câu hỏi.
Theo Aggarwal, sẽ tốt hơn nếu trẻ em gái được trao các cơ hội giáo dục, việc làm, tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi để trao quyền cho họ.
Nhiều người lo ngại dự luật mới không giải quyết được gốc rễ nạn tảo hôn mà chỉ khiến nhiều đám cưới bất hợp pháp diễn ra. Ảnh: Reuters. |
"Một luật cưỡng chế sẽ chỉ đẩy các cộng đồng yếu thế vào con đường phạm luật", bà nói.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng độ tuổi kết hôn trung bình hiện nay ở phụ nữ Ấn Độ là 22,1, tăng so với một thập kỷ trước là 18, mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của luật pháp.
"Giúp phụ nữ tiếp cận trường học và việc làm là chìa khóa để giải quyết vấn đề tảo hôn và tiến tới bình đẳng giới, chứ không phải nâng độ tuổi kết hôn", Aggarwal nhận định.