Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cha mẹ biến con thành nạn nhân của ấu dâm trên TikTok, Instagram

Sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội nhưng thiếu kiểm soát độ tuổi, nội dung khiến trẻ em trở thành mục tiêu của nạn bóc lột, quấy rối.

au dam tren mang anh 1

Zing trích dịch bài viết trên Glamour, nói về thực trạng cha mẹ đăng ảnh, video của con nhỏ lên TikTok, Instagram để kiếm tiền mà không lường trước hệ lụy đằng sau. Việc các nền tảng thiếu kiểm soát nội dung, độ tuổi người dùng cũng là một phần lý do khiến trẻ em trở thành nạn nhân của những kẻ ấu dâm trên mạng.

Năm 2015, Krystal (35 tuổi, ở Somerset, Anh) mở một tài khoản Instagram để ghi lại hành trình học khiêu vũ và thể dục dụng cụ của cô con gái Edie, khi đó mới lên 6 tuổi. Người mẹ này không hề biết về những điều khủng khiếp sẽ diễn ra sau đó.

Tài khoản nhanh chóng thu hút 17.000 người theo dõi, và con gái Krystal (hiện 11 tuổi) đã trở thành vận động viên thể dục ưu tú. Cô thoải mái khi có vẻ mọi thứ đang tiến triển rất tốt.

Tháng 6 năm nay, cô phát hiện một hình ảnh của con mình bị đăng trên trang web khiêu dâm ở Nga. “Đó là bức ảnh Edie mặc áo hồng, được đăng trước khi tài khoản Instagram ở chế độ riêng tư”, Krystal cho biết.

Những bình luận về bức ảnh đã khiến người mẹ bị sốc. Cô cũng nhận ra hình ảnh của nhiều đứa trẻ là vũ công khác trên trang web đồi trụy đó. Krystal chụp ảnh màn hình và ngay lập tức báo cảnh sát về những hình ảnh bị đánh cắp.

Đêm đó, cô ngồi suốt 24 giờ, liên tục xóa từng tài khoản một trong số 17.000 người theo dõi trên trang của con gái mình. “Tôi cuồng loạn và rơi nước mắt. Tôi cứ bấm xóa, xóa, xóa. Chuyện này phải chấm dứt”.

au dam tren mang anh 2

Hình ảnh, video của các vũ công, người mẫu nhí được cha mẹ đăng lên mạng trở thành "mục tiêu rình rập" của những kẻ biến thái, ấu dâm.

Câu chuyện của mẹ con Krystal chỉ là một ví dụ, trong rất nhiều sự việc tiêu cực khác đang diễn ra, khi hình ảnh và thông tin của trẻ em không được bảo vệ trên các nền tảng phổ biến như Instagram, TikTok hay YouTube. Việc cha mẹ sử dụng hình ảnh con trẻ để câu view và kiếm tiền đã vô tình khiến các em trở thành nạn nhân của nạn lạm dụng, ấu dâm.


Những kẻ rình mò

Mọi thứ được bắt đầu lại. Krystal kiểm tra kỹ từng tài khoản trước khi chấp nhận chúng. Cô thường xuyên quay lại kiểm tra danh sách người theo dõi trên Instagram, kiểm soát chặt chẽ ảnh hồ sơ, bài đăng và xem họ đang theo dõi ai khác.

“Một số tài khoản ban đầu được thiết lập để trông hợp pháp và là một phần của cộng đồng VĐV thể dục, nhưng hóa ra đó chỉ là những kẻ rình rập, chỉ theo dõi chứ không đăng gì mới. Tôi phải liên tục báo cáo và chặn”, Krystal cho hay.

Hai tháng sau khi cuộc điều tra của Glamour UK tiết lộ rằng tội phạm ấu dâm đang thu thập hình ảnh của những đứa trẻ trên Instagram, nền tảng này đã ra mắt một tính năng an toàn mới cho trẻ em. Nó cho phép người dùng báo cáo nội dung liên quan đến trẻ em. Các tài khoản được báo cáo được gắn cờ.

Trước đây, tùy chọn báo cáo này chỉ tồn tại trong danh mục ảnh khỏa thân.

au dam tren mang anh 3

Mạng xã hội có thể khiến nhiều đứa trẻ trở thành người nổi tiếng, song ẩn sau đó là nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng, quấy rối.

Con trẻ bị biến thành công cụ kiếm tiền

India, ngoài 30 tuổi, làm trợ lý ở London (Anh), đang điều hành trang Instagram @pd_protect, chuyên báo cáo và đưa ra nội dung đáng báo động.

Trong khoảng 4 tuần, cô đã báo cáo 7.000 tài khoản cho Instagram và đang chuyển hướng chú ý của mình sang TikTok.

“Nhiều cha mẹ của các vận động viên và vũ công nhí để con mình ăn diện và đăng lên TikTok. Họ tập trung vào số người theo dõi và các giao dịch tài trợ. Nếu giới hạn số người theo dõi, đồng nghĩa với việc tài trợ sẽ gặp rủi ro”, India phân tích.

Là mẹ của một VĐV nhí, chủ đề về lượng người theo dõi là điều mà Krystal hiểu quá rõ. Thực tế, các vũ đoàn thường muốn hợp tác đặc biệt với các vũ công nhí có lượng người theo dõi lớn.

“Họ không quan tâm tới chất lượng người theo dõi. Rất nhiều bà mẹ tôi biết cũng nhắm mắt làm ngơ thực tế đó chỉ vì nhận được nhiều thứ miễn phí (như quần áo, giày dép, đồ tập, hàng hóa) nhờ lượng follow khủng”.

au dam tren mang anh 4

Nhiều bậc cha mẹ nhắm mắt làm ngơ, để con ăn diện hở hang nhằm hút follow để kiếm tiền qua các nền tảng mạng.

Giống như India, Krystal cũng để mắt tới TikTok, nơi có lượng video nhảy nhót được đăng tải và số người trẻ sử dụng rất lớn.

“Phải mất 6 tháng tôi mới cho con gái mình dùng TikTok. Nhiều người làm video thú vị và sáng tạo. Nhưng mới đây tôi đã phải gỡ ứng dụng khỏi điện thoại của con bé vì thấy nó xem được một clip khủng khiếp”.

Video mà Krystal nói đến là một đoạn livestream về người đàn ông chết vì tự tử, ban đầu được đăng trên Facebook. Nó nhanh chóng lan truyền và được chia sẻ trên các nền tảng khác nhau, trong đó có TikTok. Video trên được quảng cáo ở phần “Dành cho bạn” của TikTok và con gái Krystal đã xem được dù cô bé không hề tìm kiếm nó.

Mục “Dành cho bạn” tương tự như phần “Khám phá” trên Instagram, nơi đề xuất nội dung từ những người sáng tạo mà người dùng không nhất thiết phải theo dõi. Thuật toán đã cố gắng học hỏi từ người dùng và phục vụ nội dung phổ biến với niềm tin rằng họ sẽ thích nó.

Video trên là ví dụ cho việc trẻ em có thể xem nội dung độc hại như thế nào trên mạng ngay cả khi chúng không chủ động tìm hiểu nó. Đây không phải vấn đề mới. YouTube từng vật lộn với sự thao túng của các thuật toán trong nhiều năm.

TikTok như thỏi nam châm hút kẻ ấu dâm

John Carr là một trong những chuyên gia hàng đầu về an toàn trực tuyến. Ông đang thực hiện nghiên cứu về TikTok - nền tảng mà ông mô tả như “thỏi nam châm thu hút những kẻ ấu dâm".

“Tôi không nghĩ TikTok là không gian an toàn cho trẻ em. Sự thật là nó hoàn toàn không phù hợp với các em nhỏ”, Carr nói.

Ông đồng thời mô tả một số nội dung không phù hợp với lứa tuổi mà ông đã gặp phải trên ứng dụng này khi đăng ký là một đứa trẻ 13 tuổi cho mục đích nghiên cứu. “Trên TikTok có những video độc hại như các cô gái tuổi teen nói về việc quan hệ tình dục với bạn trai, hay một người mẹ miêu tả con gái mình như thứ gì đó cô ấy nên bóp cổ ngay khi mới sinh”.

Carr tin rằng TikTok cần cải thiện quy trình xác minh độ tuổi.

au dam tren mang anh 5

TikTok vẫn chưa có cơ chế chặt chẽ trong việc kiểm soát độ tuổi người dùng và nội dung đăng tải. Nền tảng này đang dung dưỡng hàng trăm trào lưu độc hại, nhất là đối với trẻ em.

Người phát ngôn của TikTok nói với Glamour: "Điều khoản dịch vụ của chúng tôi nêu rõ rằng người dùng phải từ 13 tuổi trở lên, nên cha mẹ chỉ cần chặn nó khỏi điện thoại của con mình bằng cách sử dụng thiết bị điều khiển. Nếu biết rằng ai đó dưới 13 tuổi đang sử dụng, chúng tôi sẽ vô hiệu hóa tài khoản của họ vĩnh viễn”.

Minh chứng là TikTok có một loạt các tính năng để bảo vệ người dùng trẻ tuổi, như ghép nối gia đình (cho phép cha mẹ liên kết với tài khoản của trẻ), chế độ hạn chế (ẩn nội dung có thể không phù hợp và giới hạn nhắn tin trên ứng dụng) và chức năng quản lý.

Đầu năm nay, TikTok cũng đã giới hạn tin nhắn trực tiếp đến các tài khoản được đăng ký từ 16 tuổi trở lên.

Nhưng thực tế, người dùng TikTok trẻ hơn nhiều so với giới hạn 13 tuổi. Theo một nghiên cứu, gần một nửa trẻ em Anh đang sử dụng nền tảng này.

Vẫn còn nhiều thiếu sót trong cách xác minh độ tuổi người dùng. Không có bằng chứng về tuổi cần thiết. Tất cả những gì cần để đăng ký là địa chỉ email hoặc số điện thoại di động.

Giữa tình hình dịch bệnh, thời gian lên mạng của các em nhỏ tăng cao, không có giải pháp chắc chắn nào để đảm bảo trẻ không xem phải những video độc hại. Cha mẹ phải là những người cần nâng cao hiểu biết và đối thoại với con để giúp các em tránh xa nạn bắt nạt, quấy rối, bóc lột bởi các nội dung tiêu cực.

Lớp dạy hẹn hò lệch lạc khi nói 'phụ nữ cảm tính, đàn ông lý trí'

"Con gái không nên chủ động trong tình yêu, khi họ đòi chia tay, có thể chỉ là bộc phát" là những quan điểm lệch lạc được dạy trong lớp học về hẹn hò ở Trung Quốc.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm