Dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Không chỉ tăng số lượng người mắc, tỷ lệ bệnh nặng và ca tử vong cũng không ngừng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Các bác sĩ cảnh báo sốt xuất huyết hiện tại là vấn đề đáng báo động, tuy nhiên, một số phụ huynh còn khá chủ quan với triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết.
Đột ngột chuyển nặng sau khi hạ sốt
Chia sẻ với Zing, chị Kim Tánh (ngụ tại quận Tân Bình) cho biết con trai đang được truyền dịch tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) do bệnh sốt xuất huyết chuyển biến nặng.
Người phụ nữ với khuôn mặt mệt mỏi vì thiếu ngủ kể lại: "Con tôi sốt đến ngày thứ 3 không hạ, bé sốt đến 40-41 độ C, chưa bao giờ tôi thấy con con sốt như thế nhưng không nghĩ ra cháu bị sốt xuất huyết vì năm ngoái đã mắc rồi".
Đến ngày thứ 3, chị Tánh vội đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1, được bác sĩ thông báo bé mắc sốt xuất huyết. Thấy con đỡ sốt, bác sĩ cho bé về nhà theo dõi.
"Tuy nhiên, một ngày sau, cháu tiếp tục nôn rất nhiều, người lừ đừ nên tôi lại đưa con đi cấp cứu lúc nửa đêm. Bác sĩ lập tức cấp cứu, sau đó truyền dịch suốt mấy hôm nay", chị Tánh kể lại.
Chị Tánh lo lắng khi con trai tái mắc sốt xuất huyết Dengue với tình trạng nặng hơn. Ảnh: Bích Huệ. |
Do con trai đã mắc sốt xuất huyết và khỏi bệnh vào năm ngoái, gia đình chủ quan cho rằng con sốt siêu vi thông thường sau khi test Covid-19 âm tính.
"Tôi để ý con rất kỹ, thấy rõ các vết phát ban nên nghi ngờ dấu hiệu bệnh. Năm ngoái, bé bị sốt xuất huyết nhẹ, chỉ 2 ngày là khỏi, không nghĩ đợt này bệnh lại nặng như vậy", chị Tánh nói thêm.
Câu chuyện của chị Kim Tánh chỉ trường hợp điển hình. Sốt, ho thường là triệu chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh cao điểm, một số phụ huynh chủ quan vô tình khiến trẻ chuyển biến nặng khi không may nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Mới đây, PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết đơn vị này liên tiếp cấp cứu 2 trường hợp bé nhủ nhi bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Nguồn: Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Hai trường hợp này là trẻ 4 tháng tuổi (ngụ quận 12) và 8 tháng tuổi (ngụ TP Thủ Đức). Cả 2 bé đều có bệnh sử khá giống nhau với 3 ngày đầu sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt lại.
Qua ngày 4 có bớt sốt nhưng bé đừ, bú kém, tay chân lạnh, môi tái nên gia đình đưa đến khám với tình trạng rất nặng với môi tái, gan to, chấm xuất huyết rải rác kèm máu cô đặc với dung tích hồng cầu lên đến 51%.
Các bé được chẩn đoán là sốc sốt xuất huyết Dengue nặng (độ nặng nhất) với yếu tố tiên lượng nặng là xảy ra ở trẻ nhỏ dưới một tuổi. Tình trạng 2 bé chuyển nặng hơn do thiếu máu, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi và màng bụng.
Sau 3 ngày cấp cứu tích cực, tình trạng 2 bé đã cải thiện tốt và có thể được xuất viện.
Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng
Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, thời gian gần đây mưa nhiều nên khuynh hướng bệnh sốt xuất huyết Dengue sẽ có xu hướng tăng cao.
Tuy nhiên, những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết Dengue có khi giống với bệnh cảnh Covid-19 nên dễ bỏ sót.
"Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến nguy cơ trẻ bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng", PGS Quang khuyến cáo.
Bé trai 4 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan phải thở máy, truyền nhiều máu, dẫn lưu giải áp ổ bụng. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Chuyên gia đưa ra đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue là người bệnh sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì).
Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt).
Bệnh nhi thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan hoặc tự mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ để tránh bỏ sót bệnh.