Mới đây thông tin cha mẹ đăng hình ảnh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em lên Facebook sẽ vi phạm pháp luật nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh.
Thói quen khoe con trên Facebook
Thời gian qua, mạng xã hội lan tỏa hình ảnh toàn điểm 10 của học sinh lớp 9, trường THCS Đặng Trần Côn (Quận Tân Phú, TP.HCM) gây xôn xao mạng xã hội. Thực chất bảng điểm trên không có thật, một học sinh đã dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để đăng lên mạng nhằm khoe với bạn bè.
Tâm lý khoe thành tích cũng tồn tại ở nhiều phụ huynh quen dùng mạng xã hội. Dạo quanh Facebook có thể dễ dàng thấy hình ảnh, thông tin cá nhân của con được cha mẹ đưa lên mạng.
Chị Nguyễn Mai (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cho biết mỗi dịp cuối kỳ, cuối năm học, chị thường xuyên chia sẻ bảng điểm của con lên mạng. "Bạn bè của tôi cũng làm vậy. Đó là kết quả của con sau một năm học vất vả, cũng là thông tin tôi muốn đăng tải để chia sẻ cảm xúc, học hỏi kinh nghiệm dạy con, hay chọn trường, lớp cho cháu”, người mẹ này nói.
Theo anh Lê Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Facebook đã trở thành một phần cuộc sống. Vì vậy, những thông tin liên quan con gái đang học lớp 2 thường được vợ chồng anh cập nhật. Tuy nhiên, anh Hùng nói gia đình không đăng kèm thông tin như tên thật, địa chỉ nhà, trường học.
Anh Hùng không đồng tình với quan điểm đăng tải những thông tin cá nhân như bảng điểm hoặc hình ảnh con con đang khỏa thân. Nếu có, anh sẽ hạn chế số người xem là bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.
"Một phụ huynh hay khoe thành tích của con thì bản thân họ sẽ tồn tại áp lực làm thế nào con phải giỏi để bằng 'con nhà người ta', từ đó truyền gánh nặng lên cho đứa trẻ. Còn những hình ảnh như con khỏa thân lúc nhỏ, có thể cha mẹ thấy đáng yêu nhưng khi lớn lên con sẽ không thích, thậm chí cảm thấy xấu hổ", anh Hùng bày tỏ.
Bảng điểm của học sinh được cha mẹ đăng tải nhiều mỗi dịp cuối năm học. Ảnh: Facebook. |
Vô tình tạo áp lực cho con
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho rằng phụ huynh thường khoe bảng điểm của con sẽ là những người có quan điểm học vì bằng cấp. Tư tưởng này sẽ trái với tinh thần đổi mới giáo dục (thực học, thực dạy).
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội, chỉ ra thực tế nhiều phụ huynh không cần biết con học được những gì, chỉ thích có thành tích để khoe.
"Có thể thông tin của bố mẹ đăng lên sẽ tác động tới đời sống sinh hoạt, tâm tư của trẻ. Vì vậy, khi đăng bất cứ hình ảnh nào liên quan đời tư của con, bố mẹ cũng cần phải cân nhắc liệu hành vi này có phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ hay không", PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nêu quan điểm việc tự ý chụp ảnh hay quay clip, chia sẻ thông tin cá nhân của trẻ em đăng lên mạng xã hội có thể dẫn đến hậu quả không lường trước.
Theo bà Hồng, trẻ rất nhạy cảm, thường suy nghĩ chưa đầy đủ, chưa chín chắn, hay xấu hổ nên có thể dễ bị tổn thương. Có nhiều vụ xâm phạm quyền riêng tư của trẻ ghi rõ các tình tiết, địa chỉ, dẫn đến trẻ không dám đi học, ngại giao tiếp, buồn bã, đau lòng và có trường hợp dẫn đến tự tử.
Vì thế, bà Hồng đưa ra lời khuyên: “Chúng ta phải tính tới các nguy cơ trẻ em bị lợi dụng, xâm hại. Kẻ xấu sẵn sàng dùng những thông tin, hình ảnh đó vào những mục đích xấu”.
Cha mẹ có thể phạm luật
Từ ngày 1/6, Luật trẻ em chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ (từ 7 tuổi trở lên) và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.
Từ ngày 1/7, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật trẻ em cũng sẽ có hiệu lực. Nghị định quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em…
Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội), cho biết việc cha mẹ cung cấp kết quả học tập, kèm những thông tin cụ thể của con mà không được con đồng ý không phải hiếm gặp, nhất là mỗi khi kết thúc học kỳ, kết thúc năm học.
Ông Đặng Hoa Nam thông tin: “Từ 1/6, nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ cần hỏi ý kiến, nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định, nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ”.
“Hiện tại chúng tôi mới đề nghị các cơ quan sửa lại luật xử lý vi phạm hành chính, theo hướng quy định phạt bao nhiêu, gỡ thông tin thế nào. Sau đó, cần phải quy định cụ thể trong một nghị định hướng dẫn mới xử lý được”, ông Nam nói.