Năm nay, với các trường dân lập “hot”, lượng hồ sơ nộp vào vẫn ở mức trên cả quá tải. Các trường công lập tên tuổi, dự kiến hồ sơ trái tuyến cũng vượt ngoài dự đoán. Nào là ôn luyện, rèn kỹ năng để trẻ có thể vượt qua các kỳ đánh giá chất lượng luôn là cuộc đua mà phụ huynh đang dốc sức lo cho con.
Cha mẹ lo hơn con
Từ vài tháng nay, nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã “sốt sình sịch” về việc tìm trường cho con vào lớp 1. Với những phụ huynh cho con học trường đúng tuyến thì không nói làm gì, nhưng với những người muốn con vào học tại các trường dân lập “hot” như các trường tiểu học: Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Lê Quý Đôn, Thực Nghiệm, Việt - Úc và trường công lập trái tuyến thì chạy đôn chạy đáo.
Cha mẹ luôn mong muốn con mình được học tập tại những ngôi trường tốt nhất. Ảnh: Công An Nhân Dân. |
Trên diễn đàn, hàng trăm thảo luận, câu hỏi, lời khuyên về việc chọn trường nào tốt, trường nào nên cho con học. Diễn đàn này nóng tới mức các topic được cập nhật hằng ngày, bàn bạc sôi nổi các kinh nghiệm để đời của các ông bố, bà mẹ đã cho con đi thi và truyền đạt cho người sau làm thế nào cho con vượt qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực.
Ngay cả phụ huynh có con mới 4 tuổi cũng đã lo chuyện chọn trường cho con. Đến thời điểm này, lượng hồ sơ nộp vào các trường dân lập có tên tuổi đã quá tải, đủ để thấy sức nóng “chọi” của những chú gà con bỏng đến độ nào.
Có mặt tại trường Tiểu học Thực Nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội, ở thời điểm nhà trường tiếp nhận hồ sơ xin học, chúng tôi nhận thấy rõ sự lo lắng của nhiều bậc phụ huynh khi dòng người đến nộp hồ sơ rất đông, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường chỉ có 200 học sinh lớp 1. Bà Nguyễn Thị Trà, ở phường Nhân Chính đi nộp hồ sơ cho cháu ngoại bày tỏ: “Đông thế này cháu nhà mình chắc gì đỗ”.
Theo chia sẻ của bà Trà, gia đình chọn trường Thực Nghiệm dù nhà cách trường khá xa, nếu có đỗ thì việc đưa đón cũng gặp khó khăn hơn trường đúng tuyến, nhưng vì đây là trường GS Ngô Bảo Châu đã học. Hơn nữa, cháu gái bà đã biết đọc, biết tính nhẩm đến hàng chục triệu do được đi học toán Ucmac nên muốn vào đây để giảm áp lực học hơn, không bị quá tải như trường công. Nhưng nhìn số hồ sơ nộp vào, với dự đoán 1 chọi hơn 10, bà không khỏi lắc đầu: “Chỉ có 200 chỉ tiêu, riêng suất ngoại giao cũng hết, làm gì còn tới cháu mình”.
Luyện để chọi vào trường
Từ tháng 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Mai, nhà ở Khu đô thị Mỹ Đình II cho con cắp cặp học lớp CLB cho trẻ vào lớp 1 ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Chị Mai cho biết, con trai đầu của chị đã tốt nghiệp trường này và năm nay đứa em lại nối tiếp.
“Chất lượng dạy và học ở đây tương đối tốt, lại gần nhà nên tôi muốn cho cháu học. Nhưng để vượt qua cuộc thi vào trường thì con phải được trang bị các kỹ năng để làm bài, muốn vậy phải học. Lớp cháu lớn nhà tôi có nhiều bạn đỗ lắm”- chị Mai chia sẻ.
Theo chị Mai, nếu các con không được học qua, không được làm quen thì khó lòng làm được các dạng bài thi, nếu có thì chỉ số rất ít. Chị không biết năm nay đề sẽ rơi vào dạng nào, nhưng các năm trước thường là môn tiếng Anh thì các con phải đếm số thuần thục, thuộc màu sắc, có một số hiểu biết về các con vật… Ở môn thử test IQ, có một số hình và phân tích logic, các con trả lời dưới dạng trắc nghiệm.
“Nghe nói năm nay một chọi với mười mấy, căng thẳng hơn cả thi đại học nên tôi cũng lo không biết con có vượt qua không” – chị Mai băn khoăn.
Đầu tư cho con không ít tiền vào học lớp CLB, nên chị cũng kỳ vọng vào sự đỗ đạt của con trai. Khi chương trình học CLB kết thúc, chị ôn luyện ở nhà với con bằng cách tìm các đề thi của những năm trước cho con làm.
“Chị có phương án dự phòng khi cháu không đỗ chưa?”- tôi hỏi. “Cũng có nhưng cháu học rất tốt, luôn được đánh giá cao nên cũng hy vọng cháu sẽ đỗ”- chị Mai tự tin cho biết.
Không giống chị Mai, nhiều phụ huynh cho con vào trường Tiểu học Thực Nghiệm, Đoàn Thị Điểm… nhìn thấy mức độ “chọi” của năm nay đều đã có phương án 2 (không đỗ thì về học trường đúng tuyến hoặc sẽ nộp hồ sơ vào một trường ưng ý).
Nhưng sự kỳ vọng thì vẫn rất lớn vì hầu hết họ đều đầu tư cho con theo các lớp hành trang mà nhà trường mở từ tháng 3. Những cô bé, cậu bé vừa rời ghế mầm non đang chuẩn bị bước vào một cuộc đua khá căng thẳng mà ở đó việc đỗ hay trượt cũng đều khiến cho bước chân đầu đời vào cấp tiểu học của các bé vô tình đã phải chịu áp lực.
Nhưng theo nhận xét của ông Nguyễn Trí Dũng, trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội, nếu không kiểm tra để tuyển đầu vào thì các trường dân lập làm sao giải quyết hết lượng hồ sơ đã nộp.
Ông cũng khẳng định, cấp tiểu học, theo quy định của Bộ GD&ĐT, không được thi tuyển. Ở các trường công lập là hình thức xét tuyển, nhưng với trường dân lập, do quá đông hồ sơ xin học, trong khi cơ sở vật chất, chỉ tiêu tuyển sinh có hạn, nhà trường phải chọn giải pháp khảo sát chứ không phải thi. Những em nào đáp ứng đủ với điều kiện khảo sát qua các bài trắc nghiệm thì nhà trường chọn.
Với những gia đình có điều kiện thì việc chọn lựa cho con học ở những trường có cơ sở vật chất tốt, chất lượng giáo dục cao cũng là điều dễ hiểu. Vài năm nay, những trường dân lập “hot” với mức học phí khá cao như Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Việt – Úc, Lê Quý Đôn luôn là lựa chọn của những gia đình có kinh tế. Chính vì vậy, tỷ lệ chọi vào các trường này luôn ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước.
Do vậy, chất lượng khảo sát qua các năm cũng không ngừng nâng cao. Theo đánh giá của nhiều phụ huynh thì đề khảo sát của các trường dân lập đại đa số là khó với lứa tuổi, có những bài trắc nghiệm người lớn phải suy nghĩ mới tìm ra đáp án. Do vậy, một đứa trẻ 6 tuổi để làm đúng bài, đúng thời gian là chuyện không hề đơn giản nếu như các con không từng được học qua hay làm quen với các dạng bài tập này.
Ông Nguyễn Trí Dũng: “Sở GD& ĐT Hà Nội đã nghiên cứu khảo sát của các trường tiểu học dân lập như đưa ra phiếu khảo sát như trò chơi để phát hiện cháu nào thông minh hơn; nhận biết ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc theo hình thức trắc nghiệm của các hình vẽ. Đây không phải thi, không đánh giá về điểm mà chỉ nhận xét để chọn đối tượng vào học nhằm đáp ứng chỉ tiêu của nhà trường”.