Hàng triệu gia đình đang học cách nuôi dạy những đứa trẻ có hệ thần kinh khác biệt. Ảnh: Pexels. |
Con trẻ mắc mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là hành trình đầy khó khăn, thách thức đối với mỗi bố mẹ.
Thống kê cho thấy cứ 36 trẻ em ở Mỹ thì có một trẻ được xác định mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Dữ liệu này đồng nghĩa với hàng triệu gia đình đang từng ngày học cách nuôi dạy những đứa trẻ có hệ thần kinh khác biệt, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Dưới đây là chia sẻ của những phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ.
Lập thời gian biểu
Việc tạo cho trẻ thói quen lập kế hoạch rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân mắc chứng rối loạn này cảm thấy thoải mái khi họ nắm được những thứ sắp diễn ra hoặc điều cần làm, vì vậy, việc lên sẵn lịch trình rất hữu ích.
Alison Angold, mẹ của một thanh niên 18 tuổi mắc chứng tự kỷ kể lại: "Con trai tôi phản ứng tốt hơn khi có sự chuẩn bị cho những gì sắp tới hoặc khi tự lên kế hoạch cho thời gian của mình’’.
Hay Mark Joseph đã sử dụng một thời gian biểu để giúp đứa con 6 tuổi mắc tự kỷ của mình chinh phục việc tập ngồi bô.
"Lên kế hoạch về lịch trình cụ thể giúp con biết được những việc cần làm. Nó cũng giúp con hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn nhiều", người đàn ông chia sẻ.
Giao tiếp với hình ảnh trực quan
Whitney Ellenby đã sử dụng hình ảnh trong mọi hoạt động để giúp đỡ cậu con trai 22 tuổi mắc chứng tự kỷ. Bà mẹ này sử dụng các công cụ hỗ trợ để con trai nhận diện trực quan với lời giải thích bằng văn bản đơn giản, cụ thể về những hoạt động diễn ra.
Ví dụ, khi gia đình đi máy bay, cô chuẩn bị hình ảnh hiển thị quá trình lên máy bay, cất cánh, thời gian trong cabin và hạ cánh.
Dùng hình ảnh trực quan giúp người bệnh ổn định tâm lý hơn Ảnh: Shutterstock. |
Tương tự, Kim Stewart cũng nhận thấy cậu con trai 25 tuổi mắc tự kỷ của cô đối phó với những tình huống bất ngờ tốt hơn khi cậu ấy biết mình sẽ bị tác động như thế nào trong thực tế.
Cô chia sẻ: "Cuộc sống đôi khi có những thay đổi bất ngờ, đôi khi không theo lịch trình mong muốn. Nếu chúng ta cho con biết những tình huống có thể xảy ra một cách trực quan, để con biết cách xử lý thì mọi việc sẽ ổn và suôn sẻ hơn nhiều. Chúng ta có thể tránh được những hành vi phản ứng, chống đối của con".
Giúp con giao tiếp
Người mắc chứng tự kỷ có nhiều mức độ khả năng ngôn ngữ khác nhau. Họ có thể là nói chuyện, giao tiếp bằng văn bản, dùng ký hiệu...
Whitney Ellenby chia sẻ bất kể con giao tiếp theo kiểu nào, cha mẹ phải giúp chúng phát triển giao tiếp. Cha mẹ cần được con tin cậy để hai bên có thể giao tiếp với nhau.
Động viên tích cực
Kim Stewart đã đặt bộ đồ chơi xe lửa yêu thích của con trai mình trong phòng tắm. Cô muốn giúp con cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng nhà vệ sinh ở đó.
Ngoài ra, bà mẹ này cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi đưa ra các biện pháp khuyến khích con, ví dụ khen thưởng cho hành vi tốt ở trường, con cố gắng hơn và vui vẻ mong chờ những phần thưởng tiếp theo".
Ray Hemachandra thì sử dụng một chiếc ghế quay để giúp con trai mình nói khi bé mất khả năng nói vào khoảng 6 tuổi.
Với mỗi âm thanh được nói ra, cậu bé sẽ nhận được một vòng quay. Cuối cùng, họ chuyển sang dạy con sử dụng những từ đơn giản như "quả bóng" hoặc "cửa" nếu con muốn có được ba vòng quay.
"Tất cả được thực hiện một cách vui vẻ trên tinh thần hỗ trợ, xây dựng các kỹ năng một cách tích cực, từng bước một", Hemachandra nói.
Yêu cầu được hỗ trợ
Khi con trai của Kim Stewart bắt đầu đi học, cô ấy biết rằng bé sẽ thoải mái hơn khi được nhìn thấy, làm quen với lớp học trước. Vì vậy, cô đã tìm đến giáo viên, tạo điều kiện để con có thể đến thăm lớp học. Khi đó, bà mẹ này đã chụp rất nhiều ảnh.
"Chúng tôi sẽ chụp ảnh về cách bố trí phòng học, giáo viên, cũng như các địa điểm khác nhau trong trường, nơi mà con sẽ tiếp xúc trong suốt cả ngày. Việc được xem lại những hình ảnh này ở nhà khiến cậu bé đến trường thoải mái hơn rất nhiều", cô nói.
Luyện tập thật nhiều
Con trai của Rich Seiber rất lo lắng khi đi xe buýt đến trường. Vì vậy, vào ngày chủ nhật, ông bố này bắt đầu đi xe buýt đến nhà thờ với cậu bé.
Luyện tập thật nhiều là điều cần thiết mỗi bố mẹ nên làm để đồng hành cùng con. Ảnh: Freepik. |
Ông bố này nói thêm: "Lẽ ra, tôi không cần làm việc này vì có phương tiện đi lại. Nhưng tôi muốn con cảm thấy thoải mái, an tâm. Vì vậy, tôi đi cùng, để con làm quen với việc đi xe buýt".
Kiên nhẫn với các câu hỏi
Stacy Haynes đã học cách rèn luyện tính kiên nhẫn với cháu trai 10 tuổi mắc chứng tự kỷ của mình và những đứa trẻ bị rối loạn thần kinh.
Cô tâm sự: "Một câu hỏi trống không 'Tại sao?' của trẻ không phải là thiếu tôn trọng, đó là cách chúng thể hiện nhu cầu muốn biết tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy. Chúng ta hãy luôn nhẫn nại và đưa ra lời giải thích".
Xây dựng nhóm hỗ trợ
Xây dựng một nhóm gồm các chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ những người mắc chứng tự kỷ đã giúp con trai 8 tuổi của Lucy Banks tốt hơn rất nhiều.
"Dựa vào đội ngũ chuyên gia là một bước ngoặt thay đổi lớn đối với chúng tôi. Con trai tôi là đứa trẻ hoàn toàn khác so với trước khi được chẩn đoán, chúng tôi tin tưởng đội ngũ của mình và họ đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều điều", Lucy Banks chia sẻ.
Từ chối đúng lúc
Tin tưởng vào các chuyên gia là điều quan trọng, nhưng cha mẹ cũng cần biết khi nào nên nói không với các biện pháp can thiệp và trị liệu.
Whitney Ellenby khuyến khích các phụ huynh khác sẵn sàng từ bỏ hoặc điều chỉnh bất kỳ chương trình trị liệu nào không hiệu quả với nhu cầu của con trẻ.
Cô chia sẻ cha mẹ nên tham khảo can thiệp, trị liệu trong vòng 6 tháng. Sau đó, nếu không thấy có hiệu quả, bạn có thể dừng các phương pháp đó.
Lạc quan
Omar Al Hassan đang chăm sóc người con 6 tuổi mắc chứng tự kỷ. Anh cho biết mỗi đứa trẻ đều khác nhau, quan trọng nhất là cha mẹ phải xác định được chiến lược và phương pháp nào phù hợp với con mình.
Tác giả Jan Stewart đã viết về những thử thách mà cậu con trai 35 tuổi mắc chứng tự kỷ của cô phải đối mặt khi lớn lên. Thế nhưng, trong khó khăn, cô học cách đón nhận niềm vui mà con trai mang đến cho cô và những người khác.
Gần đây, con tôi đến tiệm cắt tóc và cậu đã trò chuyện với mọi người trong phòng. Đến lúc hoàn tất, thợ cắt tóc cho biết con không phải thanh toán vì khách hàng vừa rời đi trả tiền, bởi họ ấn tượng với chàng trai này.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, cuốn sách "Tâm hơn thuốc" của tác giả Lissa Rankin chỉ ra rằng biện pháp cải thiện tâm lý, suy nghĩ tích cực có thể phòng tránh bệnh tật và giải quyết một số vấn đề về sức khỏe của con người. Cuốn sách cho thấy sự sáng tạo, thư giãn, sống thật với chính mình... là những phương pháp đơn giản giúp giảm căng thẳng trong công việc và cải thiện tình trạng sức khỏe.