Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cha mẹ ôm ấp, con tan giấc mơ du học

Luôn sợ con làm sai, làm hết thay con, sống hộ cảm xúc của con… là những sai lầm của cha mẹ khiến những đứa con thiếu hẳn tính tự lập, khó hòa nhập với cuộc sống.

Thạc sĩ tâm lý Vũ Cẩm Vân (khoa Tâm lý, Bệnh viện ĐH Y Dược) cho biết có học sinh trường quốc tế luôn bao hết cả nhóm khi đi chơi với bạn. Có lúc trong cặp, em có tới 10 triệu đồng tiền tiêu vặt. Ngoài việc xài tiền ra em không biết làm gì cả, đi học thường xuyên quên tập vở, quên bút. Có những hôm em đi học trễ, mẹ vào xin thầy cô giáo để con mình không bị hạ hạnh kiểm.

Một ngày, người mẹ than thở với bà Vũ Cẩm Vân: “Tôi lo cho con hết lòng nhưng nó vô tâm quá. Nó chưa bao giờ hỏi cha mẹ đi làm có vất vả không. Nó không hiểu được cha mẹ cố gắng thế nào để cho nó cuộc sống đầy đủ. Nhưng hễ nó đi học trễ hay để quên tập vở, nó lại giận dỗi bảo tại mẹ hết đó. Hãy chỉ giùm cách giúp con tôi lớn lên”.

Trao đổi với người mẹ, thạc sĩ Vũ Cẩm Vân chia sẻ rằng bởi vì nhiều phụ huynh đã sống giùm, làm giùm, chịu trách nhiệm giùm đứa trẻ về mọi việc nên đứa trẻ đã không có cơ hội trưởng thành cả về tính cách lẫn cảm xúc.

Bà nói: “Có những đứa trẻ vô tâm hơn những đứa trẻ khác, đó là do cách giáo dục của cha mẹ chúng ta”.

Những chia sẻ của thạc sĩ Vũ Cẩm Vân đã nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh tại buổi hội thảo chuyên đề “Giáo dục lối sống tự lập cho con trẻ” tổ chức tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM cuối tháng 11 vừa qua.

Cha me bao boc con anh 1
Ảnh minh họa: Pháp Luật TP.HCM.

Ước mơ du học trở thành thảm họa

Theo thạc sĩ Vũ Cẩm Vân, nhiều cha mẹ khi gặp chuyên gia tâm lý chỉ yêu cầu giúp con họ sống tự lập nhưng bản thân lại không muốn thay đổi cách thương con đầy bản năng của mình.

Họ vẫn muốn ôm ấp đứa con trong vòng tay và làm giúp con mọi việc. Vì vậy, đứa trẻ rời khỏi vòng tay cha mẹ lập tức gặp rất nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Trong nhiều ca tư vấn, bà Vũ Cẩm Vân đã tiếp xúc những du học sinh bị trầm cảm nặng, không thích ứng nổi buộc phải quay về. Lúc ở với cha mẹ, em NTH (quận 3, TP.HCM) được cưng tới mức việc đánh răng, rửa mặt cũng được mẹ chuẩn bị giúp. Em không phải lo chuyện gì ngoài chuyện học.

Sau đó, em được gia đình cho đi du học, ở nhà một người thân bên Mỹ. NTH đã không tự xoay xở được trong sinh hoạt hàng ngày, chỉ biết nấu duy nhất món mì gói.

Đến kỳ nhập học, các bạn học của em đều rất năng động, tự lập, tự tin trong khi NTH vẫn uể oải, vụng về và khó hòa nhập với môi trường mới. Thậm chí, NTH không hòa nhập được với cuộc sống của chính người thân bên Mỹ, NTH bị trầm cảm nặng và không theo học nổi.

Khi trở về TP.HCM, NTH lao vào chơi game để chạy trốn sự thất vọng của mọi người. Không khí gia đình em căng như dây đàn. Mẹ của NTH buồn bã: “Người ta ước mơ đi du học, con mình được đi du học lại bỏ về”.

Đừng sợ con làm sai

Một em học sinh lớp 6 đã ấm ức kể với thạc sĩ Vũ Cẩm Vân: “Con được lì xì bao nhiêu cha mẹ cũng cướp hết vì sợ con xài tiền bậy bạ. Mẹ nói muốn mua gì phải hỏi ý kiến mẹ, còn nhỏ cầm tiền là sinh hư. Cha mẹ con lúc nào cũng sợ con hư”.

Cũng chính phụ huynh của em này than thở với thạc sĩ Vũ Cẩm Vân: “Con tôi không biết quý trọng đồng tiền. Đưa tiền cho con cầm đi đóng tiền học mà nó bỏ quên chỗ này chỗ kia, nó không biết cha mẹ làm ra tiền rất cực khổ. Cuối cùng, tôi phải cầm đi đóng cho nó mới yên tâm”.

Thạc sĩ Vũ Cẩm Vân phân tích bởi vì phụ huynh đã không hướng dẫn cho con cách sử dụng tiền đúng cách mà luôn cấm đoán khắt khe vì sợ trẻ làm sai nên trẻ sẽ có tâm lý: “Mình làm gì cũng sai, thôi kệ để cha mẹ muốn làm gì thì làm”.

Một trường hợp khác là em NQA (quận 3, TP.HCM) tâm sự vì em được chiều từ nhỏ nên làm gì cũng vụng về. Rồi từ đó, cha mẹ em mặc định con mình dở, làm gì cũng thua bạn. Em muốn cố gắng vượt qua bản thân mình để vươn lên.

“Con cố gắng tự thức dậy sớm đi học để mẹ khỏi phải kêu nhưng mẹ con lại hỏi: 'Bữa nay dậy sớm để chơi game hả?'. Nghe vậy, con hết muốn cố gắng luôn”, A. nói.

Thạc sĩ Vũ Cẩm Vân cho biết sau nhiều tình huống không mong muốn xảy ra, nhiều bậc phụ huynh đã nhận ra phải tập cho con tính tự lập. Nhưng với những đứa trẻ đã gần bước vào tuổi thanh niên cha mẹ mới bắt đầu dạy con tự lập là một quá trình cực kỳ gian nan.

Cha mẹ cần làm gì để giúp con tự lập?

- Cho con ngủ riêng vào thời điểm thích hợp.

- Hướng dẫn con biết tự chăm sóc bản thân theo từng độ tuổi.

- Để con tự đứng dậy khi vấp ngã. Cho con cơ hội sửa sai.

- Không làm mọi thứ thay con.

- Không chê bai, so sánh con với người khác. Đặt niềm tin vào con.

- Giúp con bồi dưỡng sự tự tin: Nhận biết giá trị của bản thân, tự chủ, sống có trách nhiệm.

- Giúp con hoàn thiện kỹ năng xã hội.

- Hướng dẫn con cách lập kế hoạch quản lý tiền bạc.

Thạc sĩ Vũ Cẩm Vân

Vì sao trẻ cần phải tự lập?

- Trẻ tự lập sẽ sống có trách nhiệm, không ỷ lại, đổ thừa.

- Trẻ sẽ biết tự sắp xếp cuộc sống, có ước mơ, mục tiêu, định hướng rõ ràng.

- Trẻ sẽ phát triển kỹ năng xã hội, quản lý cảm xúc, kỹ năng đàm phán, phán đoán, quản lý thời gian, quản lý tiền bạc, tự tin.

- Trẻ sẽ trưởng thành từ những sai lầm.

Chấp nhận con quát nạt bạn để dạy làm lãnh đạo

"Tôi muốn con lớn lên làm lãnh đạo. Vì vậy, từ bè tôi chấp nhận để bé quát nạt và ra lệnh ngược để…nảy nở tố chất”, chị Mai (Quốc Oai, Hà Nội) nói.

http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/cha-me-om-ap-con-tan-giac-mo-du-hoc-669451.html

Theo Hồng Minh / Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm