Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cha mẹ và con cái dành bao nhiêu thời gian cho nhau

Với vợ chồng chị Phạm Thị Hà (Hà Nội), thời gian ở bên con rất quý giá, công việc cũng chỉ xếp sau. Cả nhà thường quây quần ít nhất 5-6 tiếng/ngày để trò chuyện, sẻ chia với nhau.

thoi gian cho gia dinh anh 1

Thống kê năm 2017 của Tổ chức giáo dục Varkey Foundation cho thấy phụ huynh Việt Nam dành ra trung bình 10 giờ/tuần để làm bài tập hoặc đọc sách cùng con, xếp hạng 2/29 quốc gia khảo sát, chỉ đứng sau Ấn Độ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thời gian gia đình dành cho nhau là bao nhiêu không quan trọng bằng việc cha mẹ và con cái ở bên nhau như thế nào.

Trong ngày Gia đình Việt Nam, 4 gia đình ở nhiều độ tuổi, sinh sống tại các tỉnh, thành khác nhau chia sẻ về thời gian và các hoạt động khi ở bên nhau, cũng như quan điểm về sự gắn kết giữa các thành viên.


Bên con nhiều nhất có thể
Trương Mai Lê (TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang)

thoi gian cho gia dinh anh 2

Cha mẹ: 28 và 29 tuổi

Con: 4,5 tuổi và 9 tháng tuổi

Bên nhau: 7 tiếng/ngày

Tôi quan niệm những năm đầu đời rất quan trọng trong việc hình thành tính cách của con, bồi dưỡng tình cảm gia đình cũng quan trọng không kém.

Ngoài đi làm theo giờ hành chính, tất cả thời gian còn lại trong ngày tôi đều dành cho hai bé.

Vì chồng đi làm xa, chỉ cuối tuần mới được về nhà, tôi càng muốn bên con nhiều hơn, gần như mẹ đi đâu con theo đấy. Dù có bận rộn thế nào, ông xã cũng đều dành ra thời gian mỗi tối để gọi video cho vợ và nói chuyện với các con.

Mỗi khi chồng về, gia đình quây quần đông đủ, con sẽ nô đùa, chơi đồ chơi với bố hoặc học chữ cái, tô màu với mẹ. Cuối tuần, cả nhà tôi thường đi chơi đâu đó quanh thành phố.

Với mỗi lứa tuổi và giai đoạn trưởng thành của con, bố mẹ lại có những nỗi lo lắng khác nhau. Như bé lớn của tôi năm sau vào lớp một, tôi chắc chắn có nhiều thứ phải lo toan hơn. Nhưng cùng với đó, con cũng dễ đồng hành cùng bố mẹ khi du lịch, đi chơi xa.

Tôi có vài người bạn thân có con tầm bằng tuổi bé nhà tôi nên các gia đình thường tụ tập để các con chơi với nhau, bố mẹ cũng có thời gian chuyện trò. Tôi luôn muốn các con có tuổi thơ thật đẹp bên gia đình.


Ưu tiên bên con hơn công việc
Phạm Thị Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội)

thoi gian cho gia dinh anh 3

Cha mẹ: 44 và 39 tuổi

Con: 16, 13 và 6 tuổi

Bên nhau: 5-6 tiếng/ngày (khi con đi học)

Trong năm học, gia đình tôi thường chỉ có khoảng 6 tiếng/ngày quây quần bên nhau, từ khoảng 17h30, khi các con đi học về, đến bữa tối tới giờ đi ngủ.

Mùa hè, vợ chồng tôi sắp xếp công việc để dành thời gian cho con nhiều nhất có thể.

Ngoài đi học thêm ngoại ngữ 2 buổi/tuần, chị lớn là 5 buổi/tuần, các con còn được bố đưa đi bơi 3 lần/tuần, bé út đi đá bóng 2 lần/tuần. Cũng có khi, cả nhà đi chơi xa ít ngày hoặc về quê thăm ông bà.

Với vợ chồng tôi, đồng hành cùng con là ưu tiên hàng đầu, công việc cũng được xếp sau.

Sắp tới, nhân trước khi các con đi học trở lại vào tháng 7, cả nhà tôi có chuyến du lịch 10 ngày ở Trung Quốc. Hai vợ chồng coi đây là món quà để động viên tinh thần các con trước khi bắt đầu năm học mới.

Quỹ dành cho giáo dục là lớn nhất trong gia đình tôi, chiếm phần lớn chi tiêu hàng tháng. Vợ chồng tôi không tiếc gì để con được phát triển tốt nhất.

Mọi người thường nói con cái càng lớn thì bố mẹ sẽ càng bớt vướng bận, nhưng tôi không nghĩ vậy. Với tôi, con cái ở mỗi độ tuổi sẽ có sự bận rộn khác nhau trong việc nuôi dạy.

Như với 2 bé lớn, giờ các con có thể tự chăm sóc bản thân, nhưng vợ chồng tôi cũng phải để ý tâm sinh lý của con ở độ tuổi này. Chúng tôi gần gũi như bạn bè để con có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình và cảm thấy được tôn trọng ý kiến.


Ít được gần cha mẹ khi đã trưởng thành
Lê Thanh Thản (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

thoi gian cho gia dinh anh 4

Cha mẹ: 52 và 49 tuổi

Con: 27 tuổi

Bên nhau: 2 ngày/tháng

Tôi sinh sống, làm việc ở TP.HCM, trong khi gia đình ở Đồng Tháp. Từ khi ra trường, đi làm, tôi thường về quê mỗi tháng một lần, những lúc bận có thể kéo dài 1,5-2 tháng.

Tôi rất thích cảm giác được quây quần đông đủ bên mâm cơm gia đình, cùng thưởng thức những món ăn thân thuộc của mẹ. Hương vị của cơm nhà là thứ không thể tìm thấy ở thành phố.

So với thời đại học, tôi về thăm ba mẹ ít hơn, thời gian ở lại nhà cũng ngắn hơn.

Khi không ở nhà, hầu như ngày nào tôi cũng gọi điện về nhà để hỏi thăm sức khỏe ba mẹ, ông bà hay chỉ đơn giản là kể về những gì mình đã làm trong một ngày.

Tôi là kiểu con cái có thể dễ dàng tâm sự mọi chuyện với ba mẹ. Tôi nghĩ tính cách đó có được là nhờ vào những bậc phụ huynh luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ. Tôi cũng chưa bao giờ ngại ngùng, ngập ngừng khi nói câu: “Con thương ba mẹ”.

Càng lớn, tôi nhận ra mình càng có ít thời gian hơn cho gia đình. Những khi ba mẹ đau ốm, nhìn cả hai già đi nhanh hơn, tôi càng quý trọng từng giây giúp được ở bên gia đình.


Có con rồi càng mong ở gần cha mẹ
Huỳnh Tố Trinh (quận Gò Vấp, TP.HCM)

thoi gian cho gia dinh anh 5

Cha mẹ: 65 và 68 tuổi

Con: 36 tuổi

Bên nhau: 2 buổi/tuần

Tôi đã lập gia đình, có con và đang sống ở quận Gò Vấp. Cha mẹ tôi hiện sống ở quận 7. Mỗi tuần, cả gia đình sẽ tụ họp khoảng 1-2 lần.

Hiện tại, cả nhà thống nhất sẽ ăn uống ở nhà cha mẹ vào một tối trong tuần. Đến chủ nhật, gia đình sẽ cùng ra ngoài ăn sáng, uống cà phê, đưa các cháu nhỏ đi công viên, sở thú.

Mỗi lần trở về nhà, tôi đều cảm thấy không khí ấm cúng, thân thuộc đến kỳ lạ, dù đã lập gia đình và ra ở riêng được nhiều năm. Cha mẹ không bao giờ hối thúc chúng tôi trở về, nhưng sẽ cười nói nhiều hơn nếu thấy con cháu ghé thăm.

Lúc còn nhỏ, còn trẻ, tôi chỉ muốn được rong ruổi hết nơi này đến nơi khác, nhưng từ ngày đi làm, bươn chải nhiều thì mới hiểu rằng không nơi nào bình yên bằng gia đình.

Con trai tôi năm nay 3 tuổi. Tôi nghĩ từ ngày sinh con, mình mới có thể hiểu hết tình yêu thương mà bậc sinh thành dành cho con cái.

Đến thời điểm này, khi đã 36 tuổi, tôi trong mắt phụ huynh vẫn nhỏ bé như ngày nào. Những lúc bản thân khó khăn hay vấp ngã, nơi đầu tiên tôi nghĩ đến vẫn luôn là vòng tay của cha mẹ.

Nuôi dạy con khi vợ, chồng khác quốc tịch, văn hóa

Nếu người chồng Hàn Quốc của Cẩm Tú để cô quyết định phần lớn trong việc nuôi con thì gia đình của Yến Nhi tại Mỹ lại cố gắng tạo ra môi trường văn hóa cân bằng cho bé.

Rèn luyện kỹ năng tự học cho con

Tác giả sách Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học, TS Nguyễn Thị Thu, cho rằng trẻ cần có mục tiêu để tạo động lực học tập. Phụ huynh nên tìm hiểu, quan sát sở thích của con, rồi lồng ghép những hoạt động tìm hiểu khám phá kiến thức trong những sở thích đó để nuôi dưỡng sự tìm tòi nghiên cứu trong con. Ngoài ra, đọc sách là một cách hay và lành mạnh để trẻ tiếp nạp kiến thức.

Thiên Nhi - Lê Vy

Bạn có thể quan tâm