Với kinh nghiệm của bà mẹ ba con, cùng kiến thức học hỏi từ các bác sĩ dinh dưỡng, bà xã Lý Hải tiếp tục giải đáp thắc mắc của độc giả Zing.vn về chủ đề ăn dặm.
- Thời điểm nào mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm?
- Trẻ nên bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, bởi giai đoạn này trẻ cần nhiều hơn năng lượng và các chất, đặc biệt là chất sắt. Nếu chỉ lấy dinh dưỡng từ sữa mẹ, trẻ sẽ bị thiếu hụt chất. Thức ăn bổ sung sẽ là nguồn cung cấp năng lượng và dưỡng chất đủ, cần thiết để bù đắp khoảng thiếu hụt đó.
Bà xã Lý Hải bắt đầu cho con ăn dặm khi bé tròn 6 tháng tuổi. Ảnh: Minh Hà. |
- Khi cho trẻ ăn dặm, các mẹ cần lưu ý điều gì?
- Ba con nhà tôi có nết ăn khác nhau, bé dễ, bé khó. Khi cho con ăn dặm, tôi luôn cố gắng thay đổi thực đơn để món nào con cũng ăn được. Đồng thời, tôi ghi nhớ những thực phẩm con thích.
Các mẹ cần lưu ý, mỗi bữa ăn của trẻ đều phải đảm bảo đủ thực phẩm ở các nhóm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin.
Mẹ cho bé ăn dặm từ lỏng tới đặc dần và tuyệt đối không xay nhuyễn đồ ăn. Thức ăn cần được băm nhỏ và tăng dần kích thức theo khả năng ăn của bé.
Ngoài các bữa ăn chính, tôi thường cho con tập nhai bằng các món bánh ăn dặm, hoa quả, rau củ luộc hoặc các thức ăn mềm. Bé rất thích thú khi được tự cầm ăn và nhai ngon lành.
- Tôi đọc trên mạng thấy thông tin cho dầu ăn vào bột ăn dặm của bé là tốt. Thực hư thế nào?
- Theo bác sĩ ở bệnh viện Nhi Đồng, việc cho dầu ăn vào cháo, bột của trẻ là bắt buộc. Dầu ăn giúp trẻ phát triển, tăng cân, đồng thời cung cấp năng lượng, vitamin cho cơ thể, giúp hòa tan các vitamin như A, D, E, L để cơ thể hấp thụ. Nếu không có dầu ăn, trẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng.
Cựu hot girl chia sẻ, cô luôn quan sát và ghi nhớ những món ăn "khoái khẩu" của con. Trong hình là hai cô con gái Cherry và Sunny nhà Lý Hải. Ảnh: Minh Hà. |
- Tôi đọc được thông tin không nên cho trẻ dưới 3 tuổi ăn bột, cháo nấu từ nước xương hầm. Minh Hà quấy cháo cho con bằng gì? Làm thế nào để cháu có bát bột đủ chất?
- Một bát bột, cháo của bé cần có đủ các nhóm thực phẩm: bột đường (Bbột gạo xay, ăn liền, ngũ cốc, cháo, khoai tây nghiền…), chất đạm, béo (thịt, cá, tôm, cua, gan, trứng, đậu hũ), chất xơ và vitamin (Rau, củ, quả, trái cây...), dầu ăn.
Thông thường, tôi chỉ nấu sẵn cháo trắng, còn chất đạm, tôi băm nhỏ sẵn. Đến giờ bé ăn, tôi băm thêm rau, sau đó, bắc cháo trắng lên bếp đồng thời cho chất đạm đã băm vào nước quấy tan rồi cho vào nồi cùng cháo trắng, tiếp tục quấy đều tay.
Khi thịt chín, tôi cho rau, rồi nêm thêm một ít nước mắm (trên bếp lửa) hoặc muối (sau khi tắt bếp) nếu vị quá nhạt.
Sau khi tắt bếp múc ra chén, tôi cho thêm dầu ăn. Mỗi bữa cháo, tôi chỉ mất khoảng 5-10 phút nấu cho bé.