Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chăm con ngày Tết vừa khỏe vừa nhàn

Ngày Tết là thời điểm các bé bị thay đổi chế độ sinh hoạt dễ ốm, sụt cân. Chị Lan Anh chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bé đúng cách, an toàn.

Chị Lan Anh, 29 tuổi ở Hưng Yên được các bà mẹ trên facebook rất yêu mến bởi thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăm con hữu ích.

Bà mẹ trẻ tiếp tục chia sẻ cùng Zing.vn những điểm cần lưu ý khi chăm con trong ngày Tết:

Những ngày cuối năm, không khí rộn ràng, ai cũng mua sắm Tết cho gia đình, mong năm mới đầm ấm, trọn vẹn. Nhưng đó là Tết của người lớn, còn những thành viên nhí trong gia đình thì sao? Chúng ta đừng quên chuẩn bị Tết cho các bé, con trẻ khỏe mạnh, cả nhà cùng vui.

Gia đình độc giả Lan Anh.

Thực phẩm cho bé

Nghỉ Tết thường kéo dài 1 tuần nên siêu thị và một số chợ chưa hoạt động trở lại, các mẹ cần chuẩn bị đầy đủ những thực phẩm sau cho bé:

- Tôm, thịt bò, cá, cua, gà: chia thành những bữa nhỏ để vào túi hoặc hộp bảo quản trong ngăn đá, chế biến cho con ăn dần.

- Rau, củ: nên bảo quản rau, củ vào ngăn mát, tôi hay sử dụng các loại củ, quả cho bé ăn những ngày Tết vì chúng để được trong thời gian dài như khoai tây, cà rốt, bí đỏ, bí xanh, cà chua, hành tây, su hào.

Để tránh mất nhiều thời gian, tôi nấu sẵn thức ăn vào buổi sáng rồi chia ra thành 3 bữa, cất vào hộp để tủ mát. Khi cần cho con ăn thì mang ra hâm nóng.

- Hoa quả, sữa chua, váng sữa cũng nên mua sẵn và bảo quản kỹ lưỡng.

Dự trữ thuốc

Dự trữ thuốc là việc rất cần thiết, nhiều bé về quê ăn Tết nhà không gần các hiệu thuốc hay bệnh viện nên chuẩn bị một số thuốc cơ bản:

- Thuốc hạ sốt: các ngày trước, trong và sau Tết các bé rất dễ bị sốt. Vì vậy, cần chuẩn bị một số loại thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt được các chuyên gia y tế khuyến cáo khá an toàn là loại paracetamol. Bạn mua theo cân nặng và tháng tuổi của bé.

Bên cạnh đó nên chuẩn bị một số thuốc nhỏ mũi, thông dụng nhất là nước muối sinh lý 0,9%. Dung dịch nước muối sinh lý vừa nhỏ mũi, vừa nhỏ mắt được. Thuốc được sử dụng trong dịp Tết sau khi cho trẻ đi chơi và trở về nhà, hoặc trẻ bị đau mắt, chảy mũi nước.

- Thuốc đau bụng: Ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau trong ngày Tết có thể khiến trẻ bị tiêu chảy, đầy bụng, táo bón. Các mẹ nên chuẩn bị men tiêu hoá, gói bù nước, có thể mua thêm men vi sinh để hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa. Nên chọn loại tốt, có uy tín, chất lượng và nhiều người đã sử dụng.

- Mỗi gia đình cũng nên chuẩn bị một số thuốc sát khuẩn dùng cho trẻ như betadin, cồn 70 độ và một số băng dính, đề phòng trẻ chơi, đùa nghịch bị trầy xước da.

Giờ giấc sinh hoạt

Ăn, chơi, ngủ, nghỉ là các sinh hoạt chủ yếu của trẻ có ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, bố mẹ không nên có tâm lý ngày Tết cho con thoải mái thích ngủ, thích chơi tùy ý. Bởi lẽ, điều này làm mất đi thói quen, nhịp sinh lý của trẻ và không tốt cho sức khỏe. Do đó, cha mẹ vẫn nên duy trì cho con nề nếp sinh hoạt như ngày thường. Đó là ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ.

Nếu gia đình cho bé đi chơi, thì mang thức ăn (cháo - bột ) theo, đến giờ ăn bạn chỉ cần hâm nóng. Sữa bột, sữa tươi, bỉm, khăn ướt,...cũng được cho đầy đủ vào túi của bé để đảm bảo đi chơi con vẫn được ăn uống đúng bữa.

Lưu ý :

Các bé hay thích bánh kẹo màu sắc, tự ý cầm nắm chúng và bỏ vào miệng, nếu người lớn không quan sát sẽ rất nguy hiểm. Tôi đã chứng kiến có bé bị hóc kẹo và hạt hướng dương ngày Tết, nhẹ thì bé sẽ nôn hết, nặng thì phải đưa đi viện do bé bị nghẹn. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý không để con cầm kẹo, mứt, hạt dưa tùy ý.

Với các bé lớn hơn, có khả năng nhai nuốt tốt thì cha mẹ không để con ăn quá nhiều bánh, kẹo. Trẻ ăn nhiều sẽ làm bị đau bụng, rối loạn tiêu hoá, bỏ bữa chính, sâu răng.

Có rất nhiều mẹ than phiền rất sợ Tết, bởi con cái ăn uống thất thường, sụt cân, ngủ không đúng giờ, nghịch ngợm, ốm đau. Tuy nhiên, chỉ cần mẹ chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho con, cố gắng cho con ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ, thì tôi tin rằng con sẽ khỏe mạnh, vui xuân trọn vẹn bên gia đình.


Độc giả Lan Anh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm