Các nhà máy cung ứng hàng tại Bình Dương và Đồng Nai có phần lớn lao động nhập cư là nữ. Tuy nhiên, kiến thức, thái độ và thực hành về sức khỏe sinh sản (SKSS) của họ còn hạn chế: 41,9% công nhân cảm thấy e ngại/rất e ngại khi cần sử dụng biện pháp tránh thai, 28,6% chưa bao giờ khám phụ khoa hay bất kỳ dịch vụ chăm sóc SKSS nào; cơ sở y tế tại nhà máy đa phần chưa cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS; các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội tại nơi làm việc hầu hết được xây dựng dựa trên Luật Lao động và yêu cầu của thương hiệu.
Nhận thấy thực tế này, từ năm 2013, tổ chức Marie Stopes Việt Nam (MSV) và nhà tài trợ Liên minh châu Âu đã triển khai dự án “Trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế, xã hội cho nữ công nhân nhập cư, thông qua gia tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng và phù hợp đặc điểm về giới tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai”, gọi tắt là dự án EU-CSR. Dự án bao gồm nhiều hoạt động hữu ích, hỗ trợ tập đoàn, nhà máy hoàn thiện và thúc đẩy thực thi chuẩn mực Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có lồng ghép phù hợp đặc điểm về giới; thiết kế các chương trình chăm sóc SKSS phù hợp, cung cấp dịch vụ SKSS tại nơi làm việc; đồng thời nâng cao nhận thức về quyền sức khỏe sinh sản, các dịch vụ hỗ trợ cho cả nam và nữ công nhân.
Công nhân đăng ký khám SKSS trong buổi khám lưu động tại nhà máy. |
Một số nhà máy tại Bình Dương, Đồng Nai như Foster, King Maker, Esprinta, Shyang Hung Chen, Pou Sung, Pou Chen, Việt Vinh… phối hợp với MSV tổ chức các đợt khám lưu động tại nhà máy kết hợp với ngày hội sức khỏe, triển khai nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lồng ghép giáo dục về SKSS - tình dục, các vấn đề về giới. Công nhân được khám SKSS ngay trong giờ làm việc, được bác sĩ tư vấn trực tiếp và điều trị kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Các phòng y tế nhà máy cải thiện hơn, được 65% công nhân đánh giá “tốt” hoặc “rất tốt” so với tỷ lệ 35% khi mới bắt đầu dự án.
Theo bà Trần Hà Mộng Ngọc, Giám đốc CSR của Marie Stopes Việt Nam, phần lớn lực lượng lao động trẻ đều độc thân, xa gia đình nên khi có khúc mắc họ thường tìm đến đồng nghiệp. Do vậy, dự án đã đào tạo 279 giáo dục viên đồng đẳng. Họ đều được chuyên gia của MSV tập huấn kiến thức về SKSS, kỹ năng giao tiếp, truyền thông, Luật bình đẳng giới và Luật Lao động liên quan tới quyền phụ nữ. Công việc của các giáo dục viên đồng đẳng là tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân thông qua cách trò chuyện thân mật dưới nhiều hình thức như tâm sự 1:1 (tâm sự cá nhân), truyền thông nhóm lớn, truyền thông nhóm nhỏ tập trung vào hai vấn đề thu hút sự quan tâm nhất là sức khỏe sinh sản và biện pháp tránh thai.
Các giáo dục viên tuyên truyền về những phương tiện tránh thai cho công nhân. |
Đánh giá về dự án, ông Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: “Dự án do MSV thực hiện mang lại nhiều lợi ích trực tiếp, ý nghĩa tích cực cho công nhân, đặc biệt là lao động nữ tại các nhà máy thuộc tỉnh Đồng Nai. Tôi nghĩ dự án đã thay đổi nhận thức của cả doanh nghiệp và lao động trong việc thực hiện quyền của nữ công nhân và tăng cường sự quản lý, giám sát của các sở, ngành đối với doanh nghiệp, nhà máy”.
Trong khi đó, bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thì cho rằng dự án của MSV mang tính thiết thực, không chỉ giúp công nhân nâng cao kiến thức về SKSS, bình đẳng giới và thay đổi hành vi, mà còn thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động nói chung và nữ công nhân nói riêng.
Thực hiện tại 9 nhà máy ở Bình Dương và Đồng Nai với hơn 100.000 lao động nữ trong 3 năm (2013-2015), dự án EU-CSR mang lại lợi ích cho hơn 500.000 lượt công nhân, đào tạo 279 giáo dục viên đồng đẳng và 120 cán bộ y tế về SKSS. Đồng thời, dự án còn hỗ trợ trực tiếp chi phí khám SKSS qua chương trình thẻ dịch vụ, tin nhắn cho hơn 5.000 công nhân. Tỷ lệ nữ công nhân nhập cư phải tự trả chi phí khám SKSS giảm xuống còn 26%.