Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội điều động gần 800 giáo viên. Trong đó, số giáo viên chấm bài thi tự luận là khoảng 532 người, số giáo viên chấm bài thi trắc nghiệm khách quan là 53 người, còn lại tham gia việc làm phách, bảo đảm các khâu cho công tác chấm thi…
Năng lực của cán bộ chấm thi rất quan trọng
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội điều động 30 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra chấm thi, bao gồm cả thanh tra chấm thi tự luận, trắc nghiệm, làm phách… Các giáo viên chấm thi đều được xét nghiệm virus SARS CoV-2 trước khi nhận nhiệm vụ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: M.T. |
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu cán bộ chấm thi thực hiện chấm bài theo đúng hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT đã công bố. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau. Trong trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần không lệch nhau hoặc lệch nhau dưới 1,0 điểm thì hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm, cán bộ chấm thi lần chấm thứ hai ghi điểm, hai cán bộ chấm thi cùng ký và ghi rõ họ tên vào tất cả tờ giấy làm bài thi của thí sinh.
Phú Thọ có 177 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi từ ngày 12/7. Hội đồng thi Sở GD&ĐT Phú Thọ quán triệt kỹ lưỡng tinh thần đảm bảo cao nhất quyền lợi cho thí sinh trong công tác chấm thi.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thi tỉnh Phú Thọ, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã tập duyệt 2 lần công tác chấm thi cho cán bộ, giáo viên; tập huấn quy chế và đề nghị cán bộ chấm thi nghiên cứu kỹ đáp án cùng hướng dẫn chấm để tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Quảng Nam, tỉnh huy động khoảng 200 giám khảo chấm thi tự luận, chia thành 20 tổ chấm. Cán bộ chấm thi được lựa chọn kỹ lưỡng. Quy trình chấm bảo đảm 2 vòng độc lập. Sở GD&ĐT Quảng Nam bố trí các cán bộ chấm thi vòng 1 ở tầng 1, vòng 2 ở tầng 3; tầng 2 là nơi phục vụ các tổ chấm, lưu giữ bài chấm và nơi công an, thanh tra làm việc.
Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, thông tin từ các hội đồng, đáp án và thang điểm bài thi Ngữ văn của Bộ GD&ĐT rõ ràng và tất cả giáo viên đều thống nhất theo đáp án này. Đặc thù môn Ngữ văn không thể có hướng dẫn chấm quá cụ thể, chi tiết; hướng dẫn chấm không thể bao quát hết thực tiễn từ bài làm của thí sinh; nên năng lực của cán bộ chấm thi quan trọng. Quảng Nam dự kiến hoàn thành chấm thi tự luận vào khoảng 17/7 và hoàn thành chấm trắc nghiệm vào khoảng 20/7.
Đảm bảo công bằng cho thí sinh
Bộ GD&ĐT đã thành lập 63 đoàn thanh tra chấm thi tại các địa phương, đồng thời yêu cầu các địa phương tổ chức chấm thi nghiêm túc, tuyệt đối không để xảy ra gian lận, đặc biệt là gian lận có tổ chức, bảo đảm tiến độ để công bố kết quả vào ngày 26/7.
Các đoàn thanh tra chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã đến một số địa phương để kiểm tra công tác chấm thi.
Kiểm tra công tác chấm thi tại Yên Bái và Phú Thọ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị Hội đồng thi tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành công tác chấm thi, đảm bảo an toàn về dịch và chất lượng tốt nhất. Những tình huống phát sinh trong quá trình chấm, khi xử lý, phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Nhấn mạnh việc chọn người vừa có năng lực chuyên môn, trách nhiệm để tham gia chấm thi là đặc biệt quan trọng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Từng thành viên làm tốt nhiệm vụ của mình thì hoạt động của cả Hội đồng sẽ hiệu quả, chất lượng”.
Cụ thể, công tác chấm tự luận phải chắc chắn, đều tay; cán bộ chấm cần nắm rõ đáp án và hướng dẫn chấm để cho điểm những bài làm sáng tạo, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Việc chấm bài trắc nghiệm phải đảm bảo an toàn, chặt chẽ trong từng công đoạn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần tăng cường triển khai, trên tinh thần hỗ trợ, tư vấn kịp thời, giúp công tác chấm thi đạt hiệu quả, chất lượng, nghiêm túc, đúng quy chế.
Kiểm tra công tác chấm thi tại hai tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Quy chế thi của Bộ hướng dẫn về quy trình chấm thi ngày càng chi tiết, phức tạp, bởi áp dụng trên quy mô toàn quốc và để hạn chế tỉ lệ nhỏ nhất sai sót trong quá trình chấm thi. Vì thế, các địa phương cần căn cứ triệt để đảm bảo đúng đủ trong quá trình chấm thi, hạn chế sai sót.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ, Ban chỉ đạo thi các địa phương cần động viên các thầy cô giáo làm công tác chấm thi làm việc trong bối cảnh nắng nóng, dịch bệnh. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo thi cũng cần xác định với các giáo viên chấm thi rằng, đây không chỉ là nhiệm vụ, quyền mà còn là trách nhiệm của các thầy cô, bởi kết quả thi phản ánh trung thực học lực của thí sinh, mặt bằng chất lượng dạy học các địa phương, đặc biệt tạo công bằng cho các thí sinh.