Mới đây, một tiệm xăm trên đường Hồng Lạc, quận Tân Bình, TP HCM gây chú ý với bảng hiệu có nội dung độc đáo - "Không phải tiệm xăm. Tại đây không có gì để xăm hết. Hình xăm rất xấu và mắc".
Ảnh chụp cửa hàng được tài khoản tên M.N. đăng tải trên trang cá nhân, hút 2.000 like (thích) từ dân mạng, cùng không ít bình luận như "bá đạo", "độc nhất vô nhị"...
Biển hiệu của tiệm xăm gây chú ý. |
Người đưa ra ý tưởng này là Đinh Tấn Phong (22 tuổi, sống tại TP HCM). Anh có 3 năm làm thợ xăm và mới mở tiệm riêng vào ngày 13/6 vừa qua.
Phong cho biết, anh sinh ra trong một gia đình lao động, bố mẹ phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. Vì vậy, từ nhỏ, anh luôn ý thức được việc phải cố gắng học tập để không phụ công ơn của bậc sinh thành.
Chàng trai Sài thành từng mơ ước trở thành họa sĩ hoặc cầu thủ bóng đá. Lúc bé, anh đã có năng khiếu về mỹ thuật và tham gia vào đội bóng của trường.
Phong cho hay, anh từng đạt nhiều giải về thi vẽ cấp quận và thành phố, cùng các huy chương thể thao do câu lạc bộ trường tổ chức. Mặc dù vậy, chính sự nghèo khó đã khiến cậu học trò chùn bước, khong dám thực hiện ước mơ.
Trải qua 12 năm cắp sách đến trường, Phong quyết định không vào giảng đường đại học, chính thức ra đời tự lập kiếm sống.
"Tôi muốn tiếp tục đi học lắm, nhưng vì điều kiện gia đình thiếu thốn và bản thân không muốn là gánh nặng cho bố mẹ. Vì vậy, tôi tìm việc để kiếm tiền tự trang trải cuộc sống" - Phong tâm sự.
Một lần, được người thân giới thiệu vào nhà hàng làm phụ bếp, do có năng khiếu mỹ thuật nên Phong trang trí các món ăn khá bắt mắt. Sau 6 tháng, anh quyết định theo nghề đầu bếp. Tưởng chừng cơ hội đến với chàng trai 9X, song học phí ngành này lại rất cao, vượt qua tầm với của anh.
"Công việc lúc đó còn không giúp tôi đủ sống nên chi phí để học nghề bếp là hoàn toàn không thể. Từ đó, tôi bươn chải với nhiều nghề khác nhau nhưng cũng không khá hơn bao nhiêu" - chàng trai 22 tuổi chia sẻ.
Chân dung Tấn Phong - ông chủ tiệm xăm có bảng hiệu độc nhất vô nhị. Ảnh: Ngân. |
Ngày ấy, Tấn Phong quen với một số người anh làm nghề xăm lâu năm. Trong lúc tìm việc mới, 9X tình cờ thử sức với bộ môn này. Chàng trai dùng số tiền 700.000 đồng tiết kiệm được, mua máy xăm về tự mày mò thực hiện.
Phong kể: "Khi di màu, mấy anh có hướng dẫn cho mình, nhưng ai cũng bận việc riêng nên mình chủ động về nhà xem trên YouTube, sách báo để học theo. Mình cảm thấy thích nghề này ngay từ lần đầu tiếp xúc".
Nhờ vậy, Phong chính thức theo nghề xăm. Anh làm việc và sinh hoạt tại một cửa tiệm của người anh. Vừa học, vừa trực tiếp thực hành nên tay nghề của 9X ngày càng nâng cao. Anh cho biết, công việc này mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định hơn rất nhiều so với trước.
"Trung bình hàng ngày, tôi xăm cho 3-4 khách với nhiều kích thước họa tiết khác nhau. Có khi, tôi phải thực hiện các hình xăm lớn, cầu kỳ, có thể mất đến một tháng mới hoàn thành.
Công việc có đôi chút vất vả, thường xuyên thức trắng đêm, nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi vì mình sống đúng với niềm đam mê. Đặc biệt, nghề xăm cũng giúp tôi thoát khỏi cảnh nghèo khó" - 9X nhớ lại thời gian mới theo nghề.
Sau 3 năm, khi tích lũy được không ít kinh nghiệm và đủ sự tự tin, Tấn Phong quyết định mở cửa tiệm riêng. Toàn bộ chi phí là số tiền anh tự mình kiếm được và dành dụm. Vì vậy, chàng trai xem đây là cột mốc quan trọng để anh có thể tiến xa hơn với nghề.
Ngày khai trương, Phong nghĩ ra các khẩu hiệu vui nhộn và độc đáo nhằm tạo ấn tượng với quán và mang lại niềm vui cho khách. "Tính tôi vui vẻ, dễ gần, nên khi sở hữu một cơ ngơi nhỏ, tôi muốn tạo ra cái gì độc, lạ. Từ đó, bảng hiệu trên được ra đời. Tôi rất vui vì nhiều bạn bè khen ngợi và ủng hộ" - anh nói.