13h ngày 5/6, dưới cái nắng gay gắt của đầu hè, tổ công tác của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội do đại úy Phạm Ngọc Thanh chỉ huy làm nhiệm vụ kiểm soát, phát hiện và xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn. Lý do tổ công tác chọn nút giao thông Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng để triển khai kiểm tra không gì khác bởi xung quanh ngã tư này có khá nhiều quán bia, rượu.
Những ngụy biện cho hành vi nguy hiểm
Chỉ ít phút khi triển khai đội hình, đại úy Lương Văn Quý đã phát hiện và dừng xe kiểm tra đối với nam thanh niên điều khiển xe máy có khuôn mặt đỏ phừng phừng vì rượu, bia. Lái xe được làm rõ là Nguyễn Đức Huy, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc. Dù không muốn và liên tục viện lý do để từ chối việc kiểm tra nồng độ cồn của CSGT, song trước sự kiên quyết của tổ công tác, lái xe Nguyễn Đức Huy đã buộc phải chấp hành quy định kiểm tra.
Qua kiểm tra, nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe ở mức 0,106 mg/l khí thở. Khi được hỏi lý do có biết việc uống bia, rượu quá nồng độ cồn điều khiển phương tiện là sai, nguy hiểm hay không, lái xe này gãi đầu gãi tai tường trình: “Biết là sai nhưng vì ngày nghỉ nên gặp mặt bạn bè làm vài chén”.
Cũng giống như Nguyễn Đức Huy, lái xe Đinh Mạnh Toán quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn cũng tỏ thái độ khá miễn cưỡng. Uống nhiều hơn lái xe Nguyễn Đức Huy, qua kiểm tra máy đo nồng độ cồn xác định anh Đinh Mạnh Toán vi phạm ở mức 0,435 mg/l khí thở. Với vi phạm này, ngoài việc tạm giữ phương tiện, mức phạt đối với lái xe vi phạm sẽ lên tới 7 triệu đồng. Cả 2 lái xe Nguyễn Đức Huy và Đinh Mạnh Toán đều ký vào biên bản vi phạm, bị tạm giữ phương tiện và buộc phải đón xe taxi về nhà thay vì điều khiển phương tiện để phòng ngừa TNGT.
Trên địa bàn quận Đống Đa, trong những ngày qua, Đội CSGT số 3 cũng tăng cường các tổ tuần tra kiểm soát, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn. Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT số 3 thông tin càng ngày nắng nóng thì vi phạm nồng độ cồn càng tăng, bởi thói quen của không ít người dân tìm đến bia, rượu. Vi phạm bia rượu không chỉ diễn ra ở ngày đi làm mà cả cuối tuần, không ít người viện dẫn lý do tụ tập bạn bè để bao biện cho hành vi vi phạm.
Tổ công tác do đại úy Trần Tiến Mạnh chỉ huy cùng với các đồng chí thượng úy Bùi Văn Lâm và Nguyễn Ngọc Tú, Nguyễn Anh Đức lập chốt ở ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng. Với khung thời gian 13-16h, toàn bộ những lái xe có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn khi đi qua nút giao thông này đều bị CSGT kiểm tra. Có tới 5 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn đã bị CSGT kịp thời phát hiện, lập biên bản xử lý.
“Tất cả lái xe vi phạm đều bị CSGT lập biên bản tạm giữ phương tiện. Trên thực tế nhiều lái xe dù biết mức phạt đối với lỗi vi phạm nồng độ cồn cao, song vẫn tái phạm bởi thói quen khó bỏ về bia, rượu và nhất là tâm lý dễ dãi, coi thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe người khác”, trung tá Đặng Hồng Giang bức xúc.
Kết quả đo nồng độ cồn là căn cứ để CSGT lập biên bản, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa TNGT nghiêm trọng. |
Không để “tử thần” ngồi sau tay lái
Thông tin với phóng viên, thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết từ tháng 1/2022 đến nay đơn vị đã phát hiện và xử lý khoảng 300 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Thành phần lái xe vi phạm rất đa dạng, từ công nhân viên chức, người lao động, sinh viên. Đối với những lái xe đường dài, thái độ và nhận thức của họ về nồng độ cồn lại tốt hơn rất nhiều so với những lái xe cá nhân. Trong tổng số hàng trăm lái xe vi phạm, có rất ít trường hợp rơi vào những lái xe đường dài.
Không chỉ tập trung kiểm tra vi phạm nồng độ cồn ở các quận trung tâm nội đô, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội còn chỉ đạo các đội CSGT quản lý ở những huyện ngoại thành căn cứ vào tình hình thực tế của địa bàn để kiểm tra xử lý lái xe vi phạm. Trung tá Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội CSGT số 15 thông tin, với địa bàn quản lý ở hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn, đơn vị chọn những ngã tư nằm trong trung tâm thị trấn các huyện để triển khai kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 200 lái xe vi phạm nồng độ cồn đã bị tổ công tác của đơn vị phát hiện, xử phạt. Bên cạnh đó, tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối từ Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài kéo dài về đến cầu Nhật Tân cũng nằm trong phương án kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn.
“Tốc độ di chuyển của các phương tiện trên tuyến đường này rất cao. Chúng tôi chọn những điểm giao cắt, nối giữa đường dẫn, nhánh vào đường chính để dừng phương tiện, kiểm tra lái xe, đảm bảo an toàn và kịp thời phát hiện lái xe vi phạm, phòng ngừa TNGT xảy ra”, trung tá Tạ Ngọc Khánh cho hay.
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT, Phòng CSGT thông tin, chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn luôn được đơn vị tập trung kiểm tra, coi đây là một trong những biện pháp “cứng rắn”, quyết liệt và hiệu quả để kìm chế, làm giảm ùn tắc và nhất là TNGT.
Trong vòng 5 năm qua (2016-2021), số lái xe vi phạm bị CSGT xử phạt liên tục tăng cao, năm sau gấp nhiều lần so với năm trước. Cụ thể, nếu như năm 2016 chỉ có 1.859 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị CSGT xử phạt, thì đến năm 2021, có tới gần 9.000 lái xe bị xử lý. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, Phòng CSGT đã phát hiện và xử phạt gần 2.400 lái xe vi phạm, nhiều hơn so với cả năm 2016.
Theo ghi nhận, lái xe vi phạm nồng độ cồn có ở khắp nơi, song vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn. Điều này hoàn toàn dễ lý giải, bởi tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như những thói quen sinh hoạt hàng ngày.
“Dù vi phạm ở bất cứ đâu, mức độ hậu quả gây ra từ những lái xe “sặc mùi rượu” sau tay lái vẫn không khác gì nhau. Đó là những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội như vụ lái xe Nguyễn Quốc Thịnh đâm chết 3 người trong cùng một gia đình”, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về trật tự ATGT, Cục CSGT Bộ Công an đánh giá.
Hiện Cục CSGT cũng chỉ đạo CSGT các địa phương tập trung quyết liệt kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những lỗi vi phạm trên, nhằm chặn đứng những “tử thần” mang tên rượu bia sau tay lái.