Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân dung nữ sinh Việt có thành tích cao nhất châu Á

Ngoài HCV Olympic Vật lý quốc tế 2014, Đỗ Thị Bich Huệ còn nhân được giải “Nữ sinh có thành thích tốt nhất tại Olympic vật lý quốc tế” và “Nữ sinh có thành tích cao nhất châu Á”.

Vật lý là con đường duy nhất của mình

Đây là tâm sự của Đỗ Thị Bích Huệ (HS lớp 12 Lý trường THPT chuyên KHTN – ĐHQG Hà Nội). Để đến được với huy chương vàng của kỳ thi quốc tế danh giá này, Huệ đã phải trải qua không biết bao kỳ thi nhỏ khác, từ thi đội tuyển tới học sinh giỏi các cấp.

Đỗ Thị Bích Huệ là nữ sinh có thành tích cao nhất Châu Á.
Đỗ Thị Bích Huệ là nữ sinh có thành tích cao nhất Châu Á.

Huệ bảo rằng, có thể với nhiều người khác, nếu thực sự cảm thấy quá khó hoặc phải thi cử quá nhiều họ sẽ lựa chọn một cách khác cho mình hoặc rẽ ngang, nhưng với Huệ đó là con đường duy nhất mà bạn chọn và quyết định đi tới cùng.

Bén duyên với môn Vật lý từ khi còn học sinh trường THCS Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội), cô học trò mỗi ngày đều bền bỉ, cố gắng không ngừng. “Hồi đó, mình học lý cô Quý và thấy khá thích, hơn nữa lại được cô động viên nên mình thi vào đội tuyển lý”. Và chỉ 1 năm sau, Huệ đã thi đỗ vào trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia HN) với vị trí á khoa (chỉ kém thủ khoa 0,5 điểm), trong đó riêng môn Vật lý đạt 10 điểm.

Tuy vậy, lúc đầu Huệ không hề có ý định thi vào đội tuyển. Nhưng sau một thời gian được các anh chị động viên, cô bạn đã có thêm sự quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. “Lúc đầu mình chỉ muốn thử sức, về sau thì muốn chứng tỏ bản thân, chứng tỏ con gái không hề thua kém các bạn nam” - Huệ tâm sự.

Sau 2 năm liên tiếp đoạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và giải nhì Olympic Vật lý châu Á, Huệ đã tự mình rút kinh nghiệm để xuất sắc giành được Huy chương vàng và giải cá nhân là Nữ sinh có thành thích tốt nhất tại Olympic vật lý quốc tế và “nữ sinh có thành tích cao nhất châu Á”.

Không phải người giỏi nhất nhưng là người đam mê nhất

Theo lời kể của PGS.TS Nguyễn Vũ Lương (Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQG HN) thì: “Huệ không phải là người được kỳ vọng nhất mang thành tích vàng về cho đoàn Việt Nam. Đây là một kết quả bất ngờ nhưng cũng là phần thưởng xứng đáng đối với nỗ lực không biết mệt mỏi của em”.

Huệ và một bạn trong đoàn thi Olympic Vật lý quốc tế 2014.
Huệ và một bạn trong đoàn thi Olympic Vật lý quốc tế 2014.

Có lẽ phải nhìn thấy cô gái nhỏ nhắn này say sưa nói về những kỳ thi, những thí nghiệm vật lý mới hình dung rõ hơn về niềm đam mê đang cháy trong em mỗi ngày.

“Nhiều năm qua, mình đã làm không biết bao nhiêu thí nghiệm nhưng thích nhất có lẽ là thí nghiệm về con quay hồi chuyển gyroscope và hiện tượng cầu vồng. Nguyên lý không quá phức tạp, nhưng kết quả lại rất “ảo”, nhất là khi mình nhìn thấy cầu vồng trên mặt đất tại vòi tưới nước tự động”- Huệ hào hứng nói.

Đợt tham dự 2 kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và Quốc tế là lần đầu tiên Huế ra nước ngoài. Sự “năng động và hiểu biết” của các bạn quốc tế đã khiến cô gái Hà Nội choáng ngợp và không khỏi ngưỡng mộ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Huệ cũng là tại lễ bế mạc của cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế 2014: “Khi BTC trao giải cho các học sinh đoạt HCV gần hết giải rồi mà vẫn không nghe thấy tên mình nên mình có chút hoảng sợ lắm. Về sau mới biết do mình được thêm giải đặc biệt nên BTC công bố sau, vừa vui vừa hồi hộp”.

Tới đây, Huệ sẽ theo học ngành vật lý tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ở một tương lai xa hơn, Huệ sẽ cố gắng học tốt tiếng Anh để tìm kiếm học bổng ở nước ngoài.

Xem thêm những hình ảnh khác:

Những bộ óc nhỏ tuổi thông minh nhất lịch sử nhân loại

Ở cái tuổi chúng ta chỉ biết nghịch đồ ăn, khám phá ngón chân, những thần đồng nhỏ tuổi này đã học được những ngôn ngữ phức tạp hay nghiên cứu về lĩnh vực mà ta chưa hề nghe đến.

http://www.tiin.vn/chuyen-muc/hoc/nu-sinh-gioi-nhat-chau-a-tung-khong-duoc-ki-vong-nhat.html

Theo Ngọc Anh/Báo Đất Việt

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm