Hình ảnh phụ nữ Việt Nam luôn được khắc họa rõ nét ở nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Dù thời xưa hay hiện đại, chiến tranh hay hòa bình, vẻ đẹp của người phụ nữ vẫn luôn tỏa sáng.
|
Chị Nhung (1970): Đây là một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam, với diễn xuất của ca sĩ Ái Vân, NSND Thế Anh, NSND Lâm Tới. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên phản ánh cuộc chiến tranh ở miền Nam. Từ một cô bé nông thôn mồ côi đi ở đợ, Nhung đã sớm tham gia cách mạng và trở thành chiến sĩ giao liên nơi chiến trường ác liệt của cuộc chiến Tết Mậu Thân. Khí phách anh hùng của người phụ nữ miền Nam thời chiến tranh sẽ được khắc hoạ rõ nét
trong phim. |
|
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973): Đây là bộ phim thực sự đánh dấu tên tuổi của nữ NSND Trà Giang. Cô xuất hiện trên màn ảnh với hình ảnh Dịu một cô gái trẻ có chồng tập kết ra Bắc, một mình ở lại bờ Nam sông Bến Hải. Khi chồng tập kết ngoài Bắc, chị Dịu ở nhà phải chăm sóc gia đình lẫn đảm nhiệm công tác bí mật lãnh đạo nhân dân dưới sự đàn áp của địch.
Bộ phim được xem là kinh điển của điện ảnh Việt khi tái hiện hình ảnh xúc động người phụ nữ Việt thời chiến can trường, dũng cảm, chung thủy và đầy sự hy sinh. |
|
Chị Dậu (1981): Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Ngô Tất Tố - Tắt Đèn, phim tập trung khắc họa cuộc sống bần cùng, khốn khổ, bị dồn vào đường cùng của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ trước 1945. Bộ phim nói về gia đình chị Dậu, vì không đủ tiền nộp thuế thân nên chồng chị Dậu bị bắt trói ở đình làng, buộc chị cắn răng đem bán đàn chó và đứa con gái mới 6 tuổi của mình. Hàng loạt bi kịch xảy ra với cuộc đời chị Dậu, hình ảnh tiêu biểu của phụ nữ Việt thời xưa đến nay vẫn còn đủ sức ám ảnh người xem. |
|
Bao giờ cho đến tháng Mười (1984): Cũng có bối cảnh trong thời kỳ chiến tranh chống Khrme Đỏ nhưng bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh tập trung miêu tả tâm lý và sự đấu tranh nội tâm của người phụ nữ khi biết tin chồng hy sinh ở chiến trường. Đây là bộ phim Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất sau năm 1975, tạo được tiếng vang lớn tại quốc tế và là một trong 18 bộ phim xuất sắc nhất lịch sử của điện ảnh châu Á. Phim là câu chuyện về nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con khi chứng kiến người thân hy sinh trong cuộc chiến. Bộ phim mang âm hưởng buồn đau của cả một dân tộc trong thời kỳ bom đạn. |
|
Huyền thoại về người mẹ (1987): Đây là tác phẩm kinh điển, dựa trên câu chuyện có thật nói về tình cảm mẫu tử thiêng liêng của người phụ nữ Việt. Phim kể Hương (NSND Trà Giang) - nữ hộ sinh tại bệnh viện phụ sản, có chồng đi tập kết. Cô nhận nuôi ba đứa trẻ sơ sinh là con của các chiến sĩ cách mạng. Hòa bình lập lại, chồng cô hy sinh, mẹ già mất, còn những người con lần lượt về với những người thân ruột thịt. Cô Hương phải đối mặt với nỗi cô quạnh và đau khổ. |
|
Ngã ba Đồng Lộc (1997): Bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Lưu Trọng Ninh tái hiện chân thực về sự kiện lịch sử ở Ngã Ba Đồng Lộc thời kỳ chống Mỹ. Phim khắc họa sự hy sinh anh dũng của 10 đóa hoa bất tử là 10 cô gái thanh niên xung phong trẻ đẹp ở tuổi 20, cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Câu chuyện về lòng dũng cảm, yêu nước của các chiến sĩ nữ để lại cho khán giả sự xúc động và cảm phục lớn lao. |
|
Mùa hè chiều thẳng đứng (2000): Bộ phim Việt của đạo diễn Trần Anh Hùng, xoay quanh câu chuyện của ba chị em Sương (Như Quỳnh), Khanh (Lê Khanh) và Liên ( Trần Nữ Yên Khuê). Đây là ba mảnh đời tiêu biểu tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam qua các thời kì khác nhau. Tuy có khó khăn và bi kịch khác nhau nhưng bên trong ba người phụ nữ trong phim luôn là trái tim nồng cháy và khao khát được tình yêu đôi lứa. Bộ phim tinh tế, nhẹ nhàng giúp khán giả khám phá về chiều sâu tâm tư tình cảm của phụ nữ Việt dù là trong hoàn cảnh như thế nào. |
|
Thung lũng hoang vắng (2001): Một trong những tác phẩm gây tiếng vang của NSND Phạm Nhuệ Giang được ví là bài thơ đậm tính nhân văn về sự hy sinh của ba thầy cô trên hành trình đem cái chữ của miền xuôi đến với các em thơ vùng cao hẻo lánh. Họ gặp nhau ở lòng yêu nghề, yêu trẻ mạnh mẽ, sẵn sàng chịu mọi gian lao vất vả để duy trì sự sống của ngôi trường.
Bên cạnh ý nghĩa cộng đồng, phim còn để lại ấn tượng bởi dám đi sâu vào khai thác góc khuất bên trong với những dục vọng đời thường của những người phụ nữ. |
|
Áo lụa Hà Đông (2006): Tác phẩm nổi tiếng nhất và cũng được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt, kể về tấn bi kịch của gia đình Gù và Dần do chiến tranh mang lại. Cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, số phận của người phụ nữ lúc bấy giờ bị chà đạp đến tận đáy của sự tủi nhục. Hình ảnh chị Dần (Trương Ngọc Ánh) phải nhịn nhục làm công việc “cho sữa” để có tiền may áo dài cho con, thật sự gây ám ảnh cho khán giả. Xem phim,
khán giả đồng cảm và xúc động trước những nỗi gian khổ của người phụ nữ Việt khi phải tha hương tìm kiếm sự bình yên.
|
|
Trăng nơi đáy giếng (2008): Phim được chuyển thể từ truyện ngắn của Trần Thùy Mai
là tác phẩm ghi dấu tên tuổi của nữ diễn viên Hồng Ánh. Phim mang đậm chất tâm lý xã hội hiện đại và bản sắc của phụ nữ Huế, kể về một đôi vợ chồng nhà giáo, yêu thương và chiều chuộng nhau hết mực. Người vợ bị mắc chứng vô sinh, vì quá yêu chồng nên đã chủ động "dâng tặng" chồng mình cho người phụ nữ khác. Tác phẩm khắc họa việc phụ nữ chọn cách hy sinh vô bờ bến vì chồng nhưng lại nhận về muôn vàn đắng cay. |
|
Cô dâu đại chiến (2011): Tác phẩm mang làn gió mới với nhiều cung bậc cảm xúc từ vui nhộn đến cảm động. Ở cả hai phần phim, tình trạng những cô gái cứ “chạy theo” các anh chàng thích “hai tay bắt mấy con cá” cứ liên tục xảy ra để rồi đến cuối cùng họ cũng nhận ra rằng chỉ có hội chị em mới có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Dù luôn khao khát tình yêu và hết mực chung thuỷ nhưng khi biết được trái tim của mình trao không đúng chỗ, các cô gái trong Cô Dâu Đại Chiến vẫn đủ sự mạnh mẽ để dứt áo ra đi và sẵn sàng đứng về chung phe để bảo vệ nhau. |
|
Cuộc đời của Yến (2015): Phim đi sâu vào nạn tảo hôn và những hủ tục thời phong kiến đã tạo nên vô vàn bi kịch cho phụ nữ Việt thời kỳ trước năm 1945. Bộ phim xoay quanh cuộc đời của cô gái tên Yến (Thuý Hằng), phải đi lấy chồng từ khi còn rất nhỏ và cũng chính từ đó bi kịch đời Yến ngày càng một lớn dần thêm. Trong phim ngay cả khi Hạnh, chồng của Yến dan díu bên ngoài cô vẫn phải khoanh tay bất lực mà tiếp tục gồng gánh nuôi con.
Tác phẩm được xem là sự hoài cổ đáng trân trọng của nhà làm phim Việt thời hiện đại. |
|
Em là bà nội của anh (2016): Dù có kịch bản gốc từ Hàn Quốc nhưng đây cũng được xem là bộ phim thể hiện tốt hình ảnh của phụ nữ Việt Nam thời kỳ hiện đại. Phim xoay quanh bà Đại, một người phụ nữ khó tính kiểu cách nhưng lại rất yêu thương cháu mình, Vì bà nên trong gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Ngoài những giây phút hài hước, cố hoà nhập thế giới trẻ của bà Đại cũng có những giây phút đầy sâu lắng và nhân văn về tình cảm gia đình và sự hy sinh của người mẹ. Bộ phim vừa gợi nhắc khoảng thời gian thanh xuân của người con gái của các người bà, người mẹ vừa khiến cho giới trẻ thêm yêu thương và hiểu hơn bà và mẹ của mình.
|
phim Việt Nam về phụ nữ
phụ nữ Việt Nam trên màn ảnh
phim Việt Nam
phụ nữ
phim phụ nữ