Có việc phải về quê vào 31/3, chị T. đặt vé từ Hà Nội đi Phú Yên trước đó khoảng một tuần. Giờ bay ban đầu là 12h5. Đến 25/3, T. nhận được tin nhắn từ hãng, thông báo giờ bay đẩy lên sớm hơn 4 tiếng. Hành khách này đã đặt xe đi sân bay từ trước nhưng do còn khá lâu nữa mới tới ngày khởi hành, cô cũng không thấy phiền gì. Chỉ một cuộc gọi cho taxi, cô đã giải quyết xong.
Chán nản vì đổi nhiều lần
Tuy nhiên, 4 ngày sau, T. lại nhận được tin nhắn từ hãng này, báo chuyến bay sẽ khởi hành lúc 14h10 thay vì 8h như thông báo trước đó. Hơi khó chịu nhưng T. vẫn đành báo lại cho tài xế lần nữa. Mặt khác, do giờ bay muộn hơn, T. nghĩ mình sẽ có thêm thời gian để giải quyết một số công việc vào buổi sáng.
Tới sát ngày bay (30/3), hãng này lại thông báo đổi chuyến bay của cô thành 9h. Kế hoạch chuẩn bị trước đó của T. coi như phải hủy bỏ. Ngoài ra, cô lại phải gọi cho hãng xe để báo dời lịch.
"Tôi phát bực vì mỗi lúc thông báo một kiểu. Tôi cũng không hiểu cách hãng hàng không vận hành ra sao? Nếu được, tôi mong họ nên chốt một giờ chính xác thay vì thông báo liên thay đổi liên tục cho khách hàng thế này. Cảm giác rất khó chịu và công việc của khách cũng bị lỡ dở", chị T. bức xúc.
Những tin nhắn thông báo hoãn/hủy chuyến bay của hãng khiến nhiều hành khách khó chịu. Ảnh: NVCC. |
Anh H. có chuyến du lịch Quy Nhơn - Phú Yên 5 ngày 4 đêm (từ 8/4 đến 12/4). Dù giá vé khá đắt so với một số lựa chọn khác, anh H. vẫn chọn hãng này vì nghĩ đây là thương hiệu lớn, sẽ tránh được những rủi ro như trễ chuyến. Ở chiều đi, ban đầu, anh H. khởi hành lúc 6h35 và dự kiến tới Quy Nhơn sau 2 giờ. Anh chọn giờ này vì sẽ có thêm thời gian trong ngày để khám phá thành phố biển.
Cũng trong 25/3, anh H. nhận được tin nhắn chuyến bay bị dời sang 10h50. Với lịch trình này, coi như anh đã mất nguyên một buổi sáng so với giờ bay đẹp ban đầu. Dù không vui, anh H. cũng tự an ủi mình sẽ không mất công lang thang trong thời gian chờ nhận phòng (thường giờ check-in vào khoảng 14h và khách sạn sẽ ưu tiên cho khách nhận sớm nếu có phòng trống).
Tuy nhiên, việc đổi ngày về từ 12/4 sang 13/4 khiến anh H. tức giận. Anh H. đã xin nghỉ phép 5 ngày với công ty và việc nghỉ thêm một ngày nữa không nằm trong tính toán. Anh cho biết mình đang không biết nói sao với sếp bởi cũng chẳng có lựa chọn nào khác. Ban đầu, anh tính yêu cầu hoàn tiền và mua vé khác nhưng khi kiểm tra, du khách này thấy trong 12/4, không còn chuyến bay nào từ Phú Yên ra Hà Nội.
"Tôi tức mà không biết phải kêu ai", anh H. nói.
Lý do hãng hàng không thay đổi liên tục
Việc đổi giờ bay, thậm chí đổi ngày bay của các hãng hàng không thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Có trường hợp may mắn, khách hàng sẽ được báo trước chuyến bay vài ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, khách ra sân bay mới biết được tin. Những cú "đánh úp" kiểu này là điều không mong muốn với cả 2 bên.
Trả lời Zing, chủ một đại lý vé máy bay (giấu tên) cho biết đây vốn là điều không mong muốn cho cả 2 bên - hãng hàng không lẫn khách hàng. Tuy nhiên, nó vẫn thường xảy ra vì một số vấn đề như thời tiết khiến máy bay gặp khó khi hạ cánh/cất cánh, vấn đề kỹ thuật.
Lý do tiếp theo là câu chuyện lợi nhuận. Theo chủ đại lý này, nếu chuyến bay chưa đủ khách, hãng sẽ hoãn để dồn chuyến, lấp đầy chỗ trống trên máy bay. Thông thường các hãng sẽ có quy định nếu hoãn trên 4 giờ, khách sẽ được hoàn tiền.
"Sẽ có 2 trường hợp hoãn chuyến: Thứ nhất, khách đã có mặt ở sân bay và chuyến bay bị hoãn từ 4 giờ trở lên thì sẽ được đền bù (khoảng 200.000 đồng/khách). Trường hợp hãng đã nhắn tin thông báo trước đó, khách sẽ không nhận được đền bù", người này lý giải.
Chủ đại lý này nói thêm nhiều người không có thói quen đọc quy định của hãng mà đã vội ấn "đồng ý tất cả điều khoản" khi đặt vé. Do đó, trong trường hợp không chấp nhận phương án hãng đưa ra, họ cũng không thể làm gì.
Có nhiều lý do khiến hãng hàng không phải hoãn/hủy chuyến của du khách. Ảnh: Khánh Huyền. |
Về trường hợp bị đổi ngày của anh H., chủ đại lý nói du khách này thực sự bị thiệt. Tuy nhiên, điều duy nhất anh H. có thể làm là yêu cầu hãng chuyển sang giờ bay phù hợp hơn. Cơ hội nhận đền bù thiệt hại từ hãng chắc chắn bằng không.
Cũng theo người này, rất khó dự đoán việc chặng bay nào, thời điểm nào dễ bị hoãn, hủy. Lý do là cả những chặng "kim cương" như Hà Nội - TP.HCM hay TP.HCM - Hà Nội đôi khi cũng gặp tình trạng tương tự.
Dù vậy, chủ đại lý trên cho biết du khách đặt vé máy bay dịp 30/4-1/5 có thể khá yên tâm, không gặp tình huống như anh H., chị T. bên trên. Nhu cầu của khách Việt dịp này rất cao nên tỷ lệ lấp đầy cũng tăng theo. Vì thế, khó có chuyện hãng phải hoãn, dời chuyến bay.
Trao đổi với Zing, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, cho biết du khách có 2 lựa chọn là đặt vé trực tiếp với hãng (trực tiếp, qua ứng dụng) hoặc thông qua các công ty, đại lý. Mỗi hình thức sẽ có những mặt lợi/hại riêng. Ví dụ, khách tự mua có thể được giá tốt hơn công ty. Tuy nhiên, nếu xảy ra sự cố, họ sẽ phải chờ rất lâu để giải quyết.
"Mua vé thông qua công ty, đại lý có thể đắt hơn chút nhưng đổi lại được chăm sóc, hỗ trợ từ lúc có nhu cầu tới khi xuất vé xong. Số tiền chênh lệch coi như khách trả khoản phí nhỏ dịch vụ cho đại lý. Họ có những kênh hỗ trợ nhanh chóng cho khách thay vì gọi tổng đài.
Rất nhiều trường hợp khách đặt trực tiếp từ hãng hay qua các ứng dụng đặt vé, khi xảy ra sự cố, họ phải tự xử lý với hãng. Việc kết nối với tổng đài để được hỗ trợ quả thực rất khó khăn", ông Tú nói.