V
ới các cầu thủ của CLB bóng rổ Hanoi Buffaloes, hơn một năm nay, Nguyễn Ngọc Anh Tuấn vừa là đồng nghiệp, vừa là người anh thân thiết, luôn chăm sóc sức khỏe, điều trị chấn thương trong tập luyện, thi đấu tại Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA).
Tại Việt Nam, công việc athletic trainer còn khá mới mẻ, chưa có tên gọi chính thức. Do vậy, mọi người hiện thường gọi nghề của Tuấn là "bác sĩ thể thao".
Anh Tuấn hiện cũng là giảng viên ngành Y học thể thao tại Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh và nghiên cứu sinh chuyên ngành Y học Thể thao, Đại học Thể thao Bắc Kinh, Trung Quốc.
Chàng nghiên cứu sinh có duyên với học bổng
Nguyễn Ngọc Anh Tuấn sinh trưởng trong gia đình có truyền thống thể thao tại Hà Nội. Mẹ anh là giáo viên môn Thể dục, còn cha làm cho kênh thể thao của một đài truyền hình. Từ nhỏ, 8X đã thích chơi nhiều môn thể thao.
Năm thi đại học, Anh Tuấn đỗ hai trường là Dầu khí và Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Khi ấy, người thân góp ý Tuấn học Dầu khí để ra trường có công việc ổn định. Tuy nhiên, vốn là "con nhà nòi" nên chàng trai quyết định gắn bó với Đại học TDTT Bắc Ninh.
Khi Anh Tuấn học xong năm nhất, nhà trường thông báo cấp học bổng liên kết ngành Y học Thể thao tại Đại học TDTT Bắc Kinh, Trung Quốc. Nhận thấy lần đầu tiên ở Việt Nam có học bổng ngành này, anh thử đăng ký.
Là sinh viên duy nhất của trường đủ điều kiện trúng tuyển, chàng trai 19 tuổi liền nắm lấy cơ hội. Lựa chọn của anh nhận được sự ủng hộ, tin tưởng hoàn toàn từ phía gia đình.
Sang Trung Quốc trong điều kiện "một chữ không biết", năm đầu du học, Anh Tuấn cùng một người bạn quê Đà Nẵng không đi đâu chơi xa, chủ yếu dành thời gian học tiếng.
Do đặc thù ngành khó, 8X Hà thành phải đạt trình độ tiếng Trung HSK 6 mới được tiếp tục học. Anh cho hay Y học Thể thao là ngành có điểm thi đầu vào cao nhất trường thời điểm đó. Ngay cả người Trung Quốc cũng không biết rất nhiều từ chuyên ngành, giảng viên thường phải dạy từ đầu.
"Chuyên ngành đào tạo đại học của tôi nhằm bảo vệ sức khỏe, đảm bảo cho người tập thể thao không bị chấn thương. Trường có trung tâm huấn luyện hàng đầu Trung Quốc, quy tụ nhiều vận động viên nổi tiếng. Ngay từ năm thứ hai, tôi đã được theo các cầu thủ, đội thể thao", Anh Tuấn kể với Zing.vn.
Dấu mốc chàng trai nhớ nhất trong con đường học tập là khi quyết định ở lại theo đuổi bằng thạc sĩ vào năm 2009. Ban đầu, 8X đăng ký thi thử, không đặt kỳ vọng nhiều. Tuy nhiên, trong 30 sinh viên nước ngoài thi, Anh Tuấn là người duy nhất trúng tuyển.
Khi đó, Đại học Thể thao Bắc Kinh không cấp học bổng hay có chế độ. Bởi vậy, nếu chọn lên tiếp, Tuấn phải "tự thân vận động". Gia đình khuyên Tuấn về nhà làm việc, song anh khá tiếc nên quyết ở lại. Cuối cùng, nhà trường lại bất ngờ miễn toàn bộ học phí cho chàng trai Việt.
Từ đó, Anh Tuấn chuyển hướng sang học thiên về điều trị chấn thương. Anh tự đánh giá việc nhận học bổng toàn phần từ Đại học TDTT Bắc Kinh nhờ may mắn và duyên số. Vốn thích tìm hiểu kiến thức mới, 8X thường tự đi nghe hội thảo và cố gắng học tập.
"Ở nước ngoài, thầy cô thường đánh giá từ thái độ học tập. Khi mình luôn thể hiện sự chủ động, giáo viên sẽ ghi nhận và giới thiệu. Điều này tạo thuận lợi cho việc xin học bổng", anh chia sẻ kinh nghiệm dành học bổng toàn phần.
Chàng trai Hà thành từng mất một năm đắn đo chuyện nên học lên tiến sĩ ngành Y học thể thao tại các nước châu Âu, châu Mỹ hay Trung Quốc. Lý do để anh ở lại là Trung Quốc rất chú trọng thể thao, đạt thành tích top 2-3 ở đấu trường lớn như Olympic và có lợi thế về Y học cổ truyền.
Họ cập nhật những phương pháp mới, tốt nhất của châu Mỹ, châu Âu về ứng dụng vào thể tạng người châu Á. Đồng thời, cơ thể người Việt Nam khá giống người Trung Quốc, do vậy, Anh Tuấn nghĩ có thể học hỏi từ sự thành công đó.
Anh Tuấn đang học lên tiến sĩ chuyên ngành Y học Thể thao, ĐH Thể thao Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Hè năm 2019, Anh Tuấn sẽ hoàn thành chương trình tiến sĩ. Anh cho biết nhiều năm đi học xa nhà đã bỏ lỡ không ít cơ hội như công việc, chuyện tình cảm.
8X không ở Trung Quốc nhiều mà đi đi, về về Việt Nam, bởi thời gian làm nghiên cứu sinh đa phần là nghiên cứu. Mỗi khoảng thời gian về nước, anh lại tranh thủ tìm công việc ngắn hạn.
"Học tới năm thứ 9, tôi từng làm 7-8 công việc khác nhau. Tôi cũng mất từng đó năm đắn đo chuyện nên đi dạy tiếng Trung hay cố tìm việc đúng chuyên ngành.
Mang tiếng học Y mà vì không ở gần, tôi không thể chăm sóc sức khỏe cho người nhà mỗi khi họ đau ốm. Một ngày trước hôm bảo vệ đề tài thạc sĩ, ông tôi mất nhưng tôi cũng chẳng thể về", Anh Tuấn tâm sự về những khó khăn khi học tập ở nước ngoài.
Gắn bó với bóng rổ từ một tin nhắn vui
Chọn gắn bó với nghề athletic trainer (tạm gọi là bác sĩ thể thao) còn mới mẻ ở Việt Nam, Nguyễn Ngọc Anh Tuấn tâm sự từ khi tốt nghiệp đại học năm 2009, khoảng 6-7 năm nay, anh thường lo lắng về nước không biết làm việc ở đâu.
Anh mô tả nghề "bác sĩ thể thao" về cơ bản khá giống công việc của các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu ở bệnh viện Việt Nam. Khác biệt lớn nhất là anh phải hiểu sâu về thể thao và tập luyện.
"Mục tiêu của các bác sĩ là phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân quay trở lại cuộc sống bình thường, còn tôi giúp mọi người có thể tiếp tục chơi thể thao sau chấn thương. Bởi vậy, tôi không phù hợp làm việc trong bệnh viện. Thời gian đầu, các đội bóng ở Việt Nam cũng không cần vị trí này", Tuấn cho hay.
Chỉ đến khi có dịp tiếp xúc với bóng rổ, cụ thể là tại giải chuyên nghiệp VBA, chàng trai Hà thành mới thấy nghề của mình có nơi phát huy tác dụng. Anh Tuấn mô tả cơ duyên giúp anh gắn bó với trái bóng cam cũng chính là "điều điên rồ nhất" anh từng làm.
Khoảng hai năm trước, một sinh viên của anh tại Đại học TDTT Bắc Ninh đăng ảnh chuẩn bị đi thi đấu bóng rổ tại Nha Trang lên mạng. 8X nhắn tin hỏi vui rằng đội có cần bác sĩ không và có suất thì cho anh đi tắm biển "ké". Không ngờ nam sinh này lại vui mừng vì được đề cập đúng mong muốn.
Nhân dịp nghỉ hè, Anh Tuấn quyết định tham gia cùng. Trước đó, đội chưa từng có người chuyên trách mảng y tế và thể lực, các cầu thủ chủ yếu tự chăm sóc nhau. Khi có Tuấn chăm lo, họ thi đấu với tâm lý thoải mái, sức khỏe tốt hơn.
Từ bước ngoặt đó, chàng trai Hà thành cảm thấy việc làm "bác sĩ thể thao" cho tuyển bóng rổ phù hợp với mình, được mọi người ghi nhận. Bản thân anh từng làm việc liên quan tới bóng đá, bóng ném nhưng thích bóng rổ vì chơi từ hồi cấp 3.
Hơn nữa, anh đánh giá những năm gần đây, bóng rổ Việt Nam nói chung và bóng rổ Hà Nội nói riêng, được đầu tư đúng cách, có nhiều tiềm năng phát triển. Nếu gắn bó với môn thể thao này, nghề sẽ được mọi người trọng dụng.
Đến nay, Anh Tuấn có hai năm làm việc với tuyển Bóng rổ Hà Nội và một mùa giải VBA 2016 cùng CLB Hanoi Buffaloes trong vai trò chăm sóc y tế và thể lực.
"Bóng rổ Hà Nội cách đây vài năm thuộc hàng kém trong nước, chủ yếu chơi tự phát. Từ khi có thành tích tốt tại giải vô địch quốc gia, bóng rổ thủ đô mới được khuyến khích, đầu tư phát triển mạnh.
CLB Hanoi Buffaloes cũng vậy, từng không được đánh giá cao tại VBA, sau một năm tập luyện tích cực thì vươn lên top đầu", 8X nói.
Anh cho biết công việc hàng ngày là sáng sớm chuẩn bị pha đồ uống đặc biệt cho tất cả thành viên trong đội, sau đó hướng dẫn họ khởi động theo bài tập nhằm giảm thiểu tối đa chấn thương.
Trong quá trình tập luyện, cầu thủ nào gặp vấn đề sức khỏe, 8X là người đầu tiên tiếp xúc, đánh giá. Nếu chấn thương không nghiêm trọng, anh sẽ xử lý ngay, ngược lại thì cho chuyển tới bệnh viện. Cuối buổi là bài tập thả lỏng, chiều tiếp tục rèn thể lực. Ngoài ra, anh cũng lên thực đơn dinh dưỡng cho toàn đội.
Anh Tuấn chia sẻ: "Trong đội bóng rổ, 'bác sĩ thể thao' gần giống huấn luyện viên, chỉ khác là không dạy chiến thuật mà quan tâm đến sức khỏe và thể lực. Theo tôi biết, rất ít đội bóng rổ tại Việt Nam hiện có vị trí này".
Trong team doctor của Hanoi Buffaloes, Nguyễn Ngọc Anh Tuấn mời thêm một số sinh viên ngành Y học thể thao (ĐH TDTT Bắc Ninh) làm trợ lý để vừa dạy học, vừa truyền kinh nghiệm.
8X tâm sự điều duy nhất giúp anh gắn bó với nghề là sự đánh giá từ phía cầu thủ. Sau thời gian làm việc khá dài, Tuấn coi đồng đội như anh em, họ cũng quý mến, đánh giá cao vai trò của anh.
"Thời gian đầu làm việc, tài chính với tôi không nhiều, nhưng lời động viên thì không thiếu. Các anh em quý, động viên kiểu 'Anh ơi năm nay anh phải tham gia giải không chúng em chết mất' tạo động lực rất lớn cho tôi", Tuấn kể.
Anh Tuấn có hai năm làm việc với tuyển bóng rổ Hà Nội và một mùa giải VBA 2016 cùng CLB Hanoi Buffaloes trong vai trò chăm sóc y tế, thể lực. |
Vất vả là vậy, song 8X Hà thành vẫn tìm được niềm vui với nghề khi thấy bài khởi động tập cho đội tuyển bóng rổ Hà Nội hiện được áp dụng cho hầu hết cầu thủ ở giải không chuyên, cũng như chuyên nghiệp. Anh mừng vì những gì học hỏi từ nước ngoài, về nước được mọi người ghi nhận, sử dụng để giữ gìn sức khỏe.
Anh Tuấn yêu công việc "3 trong 1" này vì có thể vừa vận dụng kiến thức về Y học và Khoa học thể thao, vừa giảng dạy cho sinh viên ĐH TDTT Bắc Ninh, cũng như ứng dụng nghiên cứu bài tập mới cho các cầu thủ, góp phần hoàn thiện luận văn tiến sĩ.
Nam nghiên cứu sinh tiết lộ anh từng có thời gian tham gia điều trị và hỗ trợ cho nhiều đội thể thao và vận động viên tại Trung Quốc, có thể kể đến Li Tie - cựu cầu thủ đội bóng đá Everton.
Khi được hỏi sao không phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, thay vì gắn bó với bóng rổ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, anh mỉm cười: "Ở Việt Nam, nghề 'bác sĩ thể thao' mới, tôi sẽ có nhiều đất phát triển hơn.
Tôi từng đi nhiều nước, nhưng thấy phù hợp với cuộc sống ở quê hương. Hơn nữa, em gái tôi đang học tập ở nước ngoài, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ".
'Được' sinh viên nhắn tin trêu suốt ngày
Đảm nhận 3 công việc "bác sĩ thể thao", giảng viên, nghiên cứu sinh ở 3 địa điểm khác nhau (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Kinh), Anh Tuấn cảm thấy may mắn vì thời gian không trùng để làm tốt tất cả. Nhà trường cả ở Việt Nam và Trung Quốc đều tạo điều kiện tối đa cho anh.
"Giải VBA bắt đầu đúng dịp nghỉ hè ở hai trường nên tôi có thời gian tham gia cùng CLB Hanoi Buffaloes. Ban ngày, tôi tập luyện với đội, tối về đọc sách, nghiên cứu chương trình tiến sĩ.
Đại học TDTT Bắc Ninh cử tôi đi học tiến sĩ nên chỉ khi có hội thảo hay cần phiên dịch thì gọi hỗ trợ, tôi không phải đứng lớp nhiều. Các thầy cô ở Đại học Thể thao Bắc Kinh cũng luôn động viên tôi đi làm, có kiến thức mới sẽ chia sẻ qua email", anh cho biết.
Nhớ lại thời gian khi mới học xong thạc sĩ, về nước, 8X kể nhà ở Hà Nội nhưng đi dạy tại Bắc Ninh. Lương giảng viên rất thấp khiến cuộc sống bấp bênh, anh hơn một lần muốn từ bỏ.
Tuy nhiên, niềm vui mỗi lần lên lớp là được truyền đạt kiến thức, tiếp xúc với nhiều người trẻ, cải thiện kỹ năng nói trước đám đông, đã giữ chân anh.
Giờ tạm nghỉ việc giảng dạy đi học tiến sĩ, Tuấn nhớ những lần bị sinh viên "bắt nạt" trên lớp, thậm chí nhắn tin trêu suốt ngày vì quá hiền. 8X tự nhủ cần nghiêm khắc hơn nhưng bản tính khó thay đổi.
Phải đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc gần 10 năm qua để vừa học, vừa làm, Anh Tuấn từng nhiều lần chán nản, muốn buông xuôi. Tuy nhiên, đôi lúc đang chán nản, anh lại gặp kiến thức mới thú vị, có hội thảo hay ca chấn thương được tham gia điều trị lại thấy thích, quyết tâm cố gắng.
"Sau quá trình học tập ở nước ngoài, tôi thấy người Việt đang sinh hoạt và tập thể thao sai cách. Thói quen không tốt dẫn đến tuổi đời chơi thể thao ngắn.
Ở nước bạn, thể thao luôn là số một, còn tại Việt Nam, bao giờ cũng là phụ. Tôi luôn hy vọng đem những gì học được góp phần nhỏ thay đổi quan niệm này, cũng như cải thiện thể chất người Việt", Tuấn bày tỏ.
8X đặc biệt kỳ vọng mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh, cải thiện hiểu biết cho bản thân cũng như con em mình - lớp người trẻ chơi thể thao.
Anh Tuấn hiện quản lý fanpage A.T - Khoa học Thể thao chuyên chia sẻ kiến thức, kỹ năng tối thiểu về khoa học thể thao mà mọi người nên biết.
Anh mong từ những điều đơn giản nhất, người chơi thể thao hiểu được nguyên lý cơ bản để bảo vệ bản thân.
"Đến bây giờ, tôi vẫn đều đặn chia sẻ những gì mình biết hoàn toàn miễn phí nhằm thỏa sở thích viết lách, chứ không kiếm lợi nhuận. Đó cũng là cách tôi hệ thống lại để ghi nhớ kiến thức mình học được", anh nói.
Chia sẻ về những gì đời thường nhất, Anh Tuấn tiết lộ sở thích của bản thân là đi du lịch, xem phim, đọc truyện, đặc biệt là chơi thể thao. Điều anh tự tin nhất là luôn sống hết mình, còn tự ti nhất là hay ngại, không sẵn sàng làm phiền người khác.
8X hài lòng với cuộc sống hiện tại vì có gia đình luôn ở bên động viên, bạn gái thấu hiểu.
"Cha mẹ hay nhắc khéo chuyện lập gia đình bằng cách bế con nhà hàng xóm trước mặt tôi. Hiện tôi chỉ cố gắng cân bằng tất cả trong khả năng", Anh Tuấn vui vẻ nói.
Các cầu thủ của CLB Hanoi Buffaloes coi Anh Tuấn là đồng nghiệp, người anh thân thiết, tận tụy với nghề. |
Với nhiều cầu thủ của CLB bóng rổ Hanoi Buffaloes, vị trí "bác sĩ thể thao" do anh Nguyễn Ngọc Anh Tuấn đảm nhận rất cần thiết, giúp họ yên tâm trong tập luyện, thi đấu, cũng như có chế độ ăn uống khoa học hơn.
Nguyễn Thành Đạt (28 tuổi, đội trưởng): "Anh Tuấn có phong cách làm việc chuyên nghiệp và những biện pháp trị liệu rất tốt. Trước kia, tôi bị chấn thương dây chằng đằng sau, anh thường xuyên hỏi thăm, cho những bài ép, giãn cơ, giúp tôi hết đau, di chuyển thoải mái.
Từ khi anh Tuấn vào đội, chưa hôm nào tôi xin nghỉ. Đây là điều chưa từng có tiền lệ suốt 5 năm tôi chơi cho đội. Ngoài đời, anh là người hòa đồng, vui tính, hết mình vì anh em".
Nguyễn Phú Hoàng (28 tuổi): "Anh Tuấn rất tận tụy với công việc, quan tâm tới sức khỏe của anh em. Mỗi sáng trước buổi tập, anh luôn hỏi mọi người có bị đau đớn, cần giúp gì không.
Tôi coi anh Tuấn như anh trai. Mọi vấn đề từ đau mỏi, sáng dậy thấy hơi mệt hay va chạm đau ở vị trí nào đó, tôi đều nói với anh để được nghe những lời khuyên tốt nhất".
Đặng Thái Hưng (24 tuổi): "Với những người tôi từng tiếp xúc, anh Tuấn xếp đầu trong việc phục hồi các chấn thương điển hình trong môn bóng rổ".