Lê Quang Lĩnh sinh năm 1985, quê Hà Tĩnh. Sinh ra vốn khỏe mạnh như bao đứa trẻ đồng trang lứa, nhưng năm 1 tuổi, Lĩnh bị sốt cao, sau đó mắc chứng bại não. Bố mẹ đưa Lĩnh chữa bệnh nhiều nơi nhưng không khỏi. Năm 11 tuổi, bệnh tình nặng hơn, chân tay co rút, tiếng nói không rõ, Lĩnh phải nghỉ học.
Năm 13 tuổi, Lĩnh bắt đầu tập vẽ tranh. Những nét vẽ đơn giản người bình thường tập trong một ngày, thì anh vẽ cả tháng. Suốt một năm miệt mài, tác phẩm đầu tay bằng chì của Lĩnh khiến thầy giáo hướng dẫn Lê Anh Hài phải ngạc nhiên.
Họa sĩ khuyết tật Lê Quang Lĩnh đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để hướng dẫn các em nhỏ vẽ tranh. Ảnh: Phạm Anh. |
“Lĩnh chỉ cần nghiên cứu thêm về hình họa hoặc ký họa thường xuyên sẽ lên tay thôi. Xem tranh mà thấy được cảm xúc của tác giả cũng là thành công rồi. Cố gắng nhé!”, Lê Quang Lĩnh vẫn nhớ rõ lời thầy Hài nhận xét ngày đó.
"Liều thuốc" ấy khiến Lĩnh càng nỗ lực và say mê hơn với nghệ thuật. Nét vẽ chỉ bằng ba ngón của bàn tay trái dần thuần thục. Những ngón tay co quắp đã điều khiển chiếc bút theo ý muốn của mình.
Lĩnh tập vẽ nhiều đến nỗi cánh tay co rút lại, đau đớn, nhưng anh quyết tâm không bỏ cuộc. Đến nay, Lê Quang Lĩnh đã trở thành họa sĩ chuyên nghiệp với nhiều tác phẩm thành công.
Tác phẩm mang tên “Tự họa” trên chất liệu sơn dầu của Lê Quang Lĩnh. Ảnh: Phạm Anh. |
“Chính hội họa đã nâng tôi dậy. Nếu không được học vẽ, có lẽ đã không có tôi ngày hôm nay”, Lĩnh tâm sự.
Hiện tại, anh vẫn vẽ mỗi ngày, bắt đầu từ 3-4 giờ sáng. Đây cũng là khoảng thời gian anh tập trung vẽ.
Trẻ em - nguồn cảm hứng bất tận
“Tôi muốn đem những cái cũ và mới kết hợp với nhau để tạo ra một hình thức mới thể hiện cảm quan về cuộc sống. Họa sĩ chỉ đưa ra các tín hiệu để người xem tự cảm nhận. Tôi không áp đặt cách nhìn và tư duy nghệ thuật cho bất cứ ai”, Lê Quang Lĩnh bộc bạch.
Tranh của anh vẽ trên vải toan là chủ yếu. Anh bắt đầu vẽ trên chất liệu này năm 16 tuổi với dòng tranh sơn dầu. Không ngừng nghỉ sáng tạo, anh tạo ra cách vẽ mới khi tự tay đan mây tre rồi đặt vải lên để vẽ. Về sau, anh vẽ trực tiếp lên mây tre để tạo sự mới mẻ, độc đáo trong phong cách của mình.
Chàng họa sĩ tay trái đang hoàn thiện tác phẩm của mình. Ảnh: Phạm Anh. |
Đặc biệt, Lĩnh thích vẽ về tuổi thơ, bởi theo anh, những đứa trẻ dù có nhiều số phận, nhiều cuộc đời thì cũng như mầm non mới nhú, đều ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng.
Quang Lĩnh nói, anh chơi với những đứa trẻ trong xóm mỗi ngày. Anh vẽ chúng với mỗi vẻ đẹp, thân phận khác nhau. Chúng đem đến cho anh cảm giác rạo rực, hạnh phúc khi nghĩ về tuổi thơ đã qua.
Hòa nhập cộng đồng
Lê Quang Lĩnh chọn vẽ tranh là phương thức giao tiếp chính với thế giới bên ngoài. Thay vì nói trực tiếp, anh dùng nghệ thuật, cái đẹp để hòa nhập với cuộc sống. Theo anh, đó là sự khác biệt so với một số họa sĩ khác.
“Người khuyết tật trước hết phải tự giúp mình trước khi chờ đợi sự giúp đỡ của xã hội. Mình phải cố gắng, bởi không ai có thể sống thay mình. Cuộc đời tuy không may mắn nhưng rất ý nghĩa nếu bạn biết vươn lên để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội”, họa sĩ trẻ tuổi nói.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng Lê Quang Lĩnh vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Số tiền có được từ bán tranh, anh ủng hộ người khuyết tật. Anh cũng mở lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ em tại nhà.
Quanh Lĩnh tâm sự: “Hạnh phúc là được làm những gì mình thích. Việc làm từ thiện là từ tâm, làm được đến đâu tùy theo tấm lòng mỗi người. Chúng ta không nên và không thể kể công về sự cố gắng của mình”.