Trong số 7 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2013 (từ 8 ứng viên) vừa được công bố, Nguyễn Chí Thanh là một trường hợp đặc biệt.
Sau khi hoàn thành khoá huấn luyện chiến sĩ mới vào tháng 1/2011, Thanh (26 tuổi, xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh) được phân công về phòng cứu nạn cứu hộ của sở Phòng cháy chữa cháy TP.HCM. Ba năm qua, Thanh đã tham gia cứu được rất nhiều người bị kẹt trong các công trình sụp đổ, các vụ vụ cháy, chết đuối.
Nguyễn Chí Thanh tham gia trong một vụ cứu hộ. |
"Làm công việc nào cũng được, miễn là sống tốt"
Thanh từng là sinh viên ngành điện công nghiệp hệ trung cấp, sau đó liên thông lên CĐ Kĩ thuật – Công nghệ TP.HCM. Thời gian đi học Thanh làm thêm việc bảo trì điện, làm cửa sắt, phục vụ quán cà phê. Tốt nghiệp, anh quyết định chọn một hướng đi khác.
“Thấy bạn bè đi lính nhiều quá nên mình muốn đi thử cho biết”, Thanh chia sẻ. Và thế là anh nộp đơn, khám sức khỏe với suy nghĩ đơn giản “làm công việc nào cũng được miễn là sống tốt”.
Tháng 10/2010, Thanh vào học ở Trung tâm huấn luyện đào tạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Q.9. Suốt 4 tháng học bơi lặn, cứu hộ trên cao, phòng cháy chữa cháy, tập thể lực… Thanh đều chăm chỉ, và được xếp loại khá. Sau đó, anh được phân công về đơn vị làm việc.
Vụ cứu hộ đầu tiên của Thanh là tham gia trục vớt chiếc xe bị rơi xuống sông ở huyện Nhà Bè. Sau khi triển khai đội hình, 15 phút anh lại lặn xuống độ sâu 10m để trục vớt xe lên. Cùng với đồng đội, công việc cứu hộ đầu tiên của Thanh hoàn thành một cách suôn sẻ.
“Mọi chuyện ở thực tế đều khác xa so với những gì mình học. Dù đã quá quen với địa hình nhưng khi được lặn thật thì mình thấy sợ. Mọi thứ dưới nước đều tối om, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là ảnh hưởng đến đồng đội”, Thanh kể lại.
Nhưng sự vụ khiến Thanh thót tim nhất là lần đầu đi tìm xác người. Đó là một vụ sạt lở ở huyện Nhà Bè, một người mất tích dưới sông. Ngay giữa đêm, nhận được tin báo, Thanh cùng đồng nghiệp nhanh chóng có mặt tại hiện trường, chia nhau lặn tìm thi thể nạn nhân. Từ đêm đến gần trưa, Thanh mới tìm thấy nạn nhân.
Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên chạm vào thi thể mình thấy rợn cả người, tinh thần hoang mang. Phải một lúc mình với lấy lại tâm lý, bình tĩnh để vớt nạn nhân lên".
Sự đau khổ của người khác là động lực
Kỹ năng chuyên môn tốt, chăm chỉ, không nề gian khổ nên Thanh thường có mặt trong những vụ cứu hộ cứu nạn lớn. Đó là vụ chìm tàu nhà hàng Dìn Ký ở Bình Dương, vụ nổ tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (nhà Phương “khói lửa”)... là những vụ đáng nhớ nhất của Thanh. Đáng nhớ không phải vì mức độ nguy hiểm hay thành tích mình đạt được mà là cảnh thương tâm, tang tóc ở hiện trường.
Anh tâm sự: “Mỗi lần nhìn cảnh người nhà nạn nhân đau khổ mình đều có gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ càng nhanh càng tốt. Vụ nào cũng vậy, cứ thử đặt mình trong trường hợp người lâm nạn là mình có động lực hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong quá trình làm việc, Thanh cũng đã cải tiến, khắc phục tình trạng dễ bị xì khí lúc va chạm mạnh của bình khí tài lính cứu hỏa đeo khi làm nhiệm vụ. Nhờ đó, công tác cứu hộ và tính mạng người lính an toàn hơn.
Trong vụ chảy nổ ở nhà Phương “khói lửa” trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nghe những tiếng khóc thảm thiết nên lúc cứu người Thành không để ý đến những nguy hiểm. Anh nói: “Biết là còn nhiều thuốc có thể nổ bất cứ lúc nào nhưng khi ấy mình tập trung cao độ để làm xong càng nhanh càng tốt”.
Sau vụ đó, Thanh được tuyên dương vì tìm được 10 thi thể nạn nhân, cứu 1 người và vận chuyển được nhiều vật liệu nổ ra khỏi hiện trường.
Chia sẻ về công việc của mình, Thanh thừa nhận sự nguy hiểm và không có giờ giấc, nhưng theo rồi lại khó dứt. “Vì vậy, người làm nghề cứu hỏa phải có sức khỏe tốt, luôn kiên trì rèn luyện thể lực, kỹ năng. Từ lúc vào nghề đến giờ, đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm nhưng mình không thấy nản. Nghĩ đến ý nghĩa cứu người của công việc mình lại càng không cho phép bản thân từ bỏ”, Thanh chia sẻ.