Chàng sinh viên ngồi xe lăn làm tình nguyện
Dưới cái nắng như đổ lửa của thành Vinh, Tứ vẫn miệt mài với chiếc xe lăn, nhiệt tình hướng dẫn các thí sinh dự thi đại học.
>>Bị gãy chân vẫn bán thóc quyết tâm thi hai trường ĐH
Tuổi thơ bất hạnh
Phan Huy Tứ (SN 1986), cựu sinh viên của khoa Công nghệ thông tin (CNTT) Đại học Vinh đã có 2 năm tình nguyện tham gia tiếp sức mùa thi. Hình ảnh chàng sinh viên ngồi xe lăn nhiệt tình hướng dẫn các thí sinh, phụ huynh từ quê lên thành phố đi thi đã quá quen thuộc với mọi người trong những ngày này.
Tứ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 5 anh em ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Khi em 1 tuổi, trong một lần Tứ lên cơn sốt, gia đình đưa Tứ đi bệnh viện chữa trị nhưng em đã không khỏi mà còn bị liệt 2 chân, cánh tay cũng bị dị tật. Tuổi thơ của Tứ là những chuỗi ngày buồn không nói hết. Lên 3 tuổi, nhìn bạn bè cùng trang lứa chơi đùa vui vẻ mà mình ngồi bệt một chỗ, không di chuyển được, Tứ buồn tủi lắm. Mọi sinh hoạt của Tứ đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của bố mẹ và các anh, chị. Đến tuổi đi học, các bạn rủ nhau tung tăng tới trường, còn Tứ vẫn làm bạn với chiếc giường ọp ẹp và miếng chiếu rách.
Sinh viên tình nguyện Phan Huy Tứ. |
Có lần Tứ đòi đi học nhưng bố mẹ không cho vì sức khỏe yếu, lại không đi được. Sự hiếu động của trẻ con cộng với lòng ham muốn được đi học nên nhiều lần thấy anh chị học bài, Tứ lại mon men tới gần xem anh chị học. Thấy anh không biết chữ mà cũng đến xem, thằng Nghiêm, em út trong nhà thường chế giễu anh bằng cách đố Tứ các câu hỏi về một con chữ hay phép tính. Vì không học nên tất cả các câu hỏi cậu em đưa ra Tứ đều bó tay. Là anh trai nhưng bị em cười chọc, Tứ buồn và tự ái. Thế rồi, Tứ mang những câu hỏi đứa em hỏi lại hai người anh của mình. Được sự giúp đỡ, Tứ đã trả lời hết mọi câu hỏi của thằng em hiếu thắng.
Nghị lực của cậu học trò nghèo tật nguyền
Càng ngày Tứ càng tiến bộ, từ chỗ không biết chữ, dần dần chữ nghĩa trong sách Tứ đều đọc được. Rồi những phép tính cộng, trừ, nhân, chia, Tứ đều hỏi anh, mày mò đọc sách và hiểu hết. Một lần Tứ đang ngồi đọc sách ở trong nhà thì thầy Phan Huy Xương (Nguyên trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cũ), hàng xóm với gia đình nhà Tứ, đi ngoài đường nghe tiếng đọc.
Thầy thấy tò mò vì nghĩ gia đình Tứ đi làm hết còn mỗi Tứ ở nhà, làm sao có tiếng đọc sách được. Vào đến nơi thầy vô cùng ngạc nhiên khi thấy em đang ngồi trên giường đọc sách vanh vách. Năm đó Tứ 12 tuổi.
Phan Huy Tứ (ngoài cùng bên trái) cùng đội tình nguyện tiếp sức mùa thi tại cổng trường Đại học Vinh. |
Cảm phục trước nghị lực của cậu bé tàn tật, thầy Xương đã gửi đơn đề nghị lên trường Tiểu học xã Thạch Châu cho Tứ đặc cách học và được thi tốt nghiệp tiểu học. Khi được nhà trường đồng ý, Tứ và gia đình vô cùng mừng rỡ. Tuy nhiên cũng không kém phần lo lắng vì Tứ không được đi học cho nên cuộc thi này được xem như là một thử thách lớn nhất từ trước tới nay đối với Tứ.
Đến ngày báo điểm thi, cậu và mọi người ai cũng ngỡ ngàng khi em đạt 15,5 điểm với hai môn Văn, Toán.
Đậu cấp 2 là niềm vui mừng không riêng gì Tứ mà còn cả gia đình người thân của cậu bé tàn tật. Tuy nhiên, một điều nan giải đặt ra là khi đi học ai sẽ đưa Tứ đến trường khi bản thân em không tự đi được. Thầy Xương lại tới phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Thạch Hà xin cho Tứ một chiếc xe lăn.
Những ngày đầu bước chân tới trường Tứ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được bạn bè, thầy cô giúp đỡ nên em quyết tâm theo học đến nơi đến chốn. Người dân xã Thạch Châu đã quá quen thuộc với hình ảnh cậu bé Tứ người nhỏ thó hằng ngày dù nắng hay mưa vẫn đều đặn ngồi trên chiếc xe lăn tới trường. Năm học đầu tiên do chưa nắm vững kiến thức nên việc học của Tứ rất trầy trật.
Mặc dù Tứ vẫn làm đúng đáp án nhưng lại không biết triển khai cách làm bài như thế nào cho đúng phương pháp. Chính vì vậy cuối năm học lớp 6, cậu chỉ xếp học lực loại trung bình. Tuy nhiên, dần dần Tứ cũng tiến bộ. Sang lớp 8 cậu đã vươn lên đứng đầu lớp, đạt học sinh giỏi toàn diện.
Có được kết quả như hôm nay, Tứ bảo không bao giờ quên được những ngày gian khổ. |
Tốt nghiệp cấp 2, Tứ quyết định thi vào trường THPT Mai Thúc Loan gần nhà. Tại đây Tứ được chọn vào học lớp chuyên Toán của trường. Tiếp tục trong 3 năm học này, Tứ liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Năm 2006, Tứ tốt nghiệp và nộp hồ sơ thi đại học vào ngành CNTT, Đại học Vinh nhưng không đỗ. Không nản chí, năm 2007 một lần nữa Tứ nộp hồ sơ vào đây và lần này may mắn đã mỉm cười với cậu học sinh tàn tật đầy nghị lực.
Hè vừa rồi Tứ đã tốt nghiệp Đại học. Cầm tấm bằng loại khá, Tứ nói: “Khi còn đi học em cũng đã làm thêm cho nhiều nơi nhưng không ổn định. Giờ đây tốt nghiệp rồi, em rất mong mình kiếm được một việc làm ổn định để phần nào giúp đỡ bố mẹ già ở quê. Đặc biệt em rất muốn được nhận vào làm ở một tờ báo điện tử phụ trách mảng chuyên môn của mình. Bây giờ nghĩ lại, em thấy cuộc đời cũng thật diệu kỳ. Mất đi đôi chân, nhưng còn đôi tay em vẫn còn làm việc được. Em chọn ngành CNTT chính là mong muốn sau này đôi tay còn làm được nhiều điều để không phụ lòng những công lao mà gia đình, người thân, bạn bè mong đợi”.
“Tiếp sức mùa thi” trên xe lăn
Nghị lực vượt khó làm nên điều kỳ lạ ở cậu học trò nghèo. Đặc biệt hơn khi em ngồi trên chiếc xe lăn cùng bạn bè tham gia chiến dịch tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”.
Những sinh viên tình nguyện với thân hình lành lặn đã khó, với Tứ việc đó lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, những ai đến cổng trường đại học Vinh vào những ngày này sẽ thấy một người ngồi trên xe lăn, hướng dẫn tận tình các em thí sinh đi thi, thì đó là chàng sinh viên tình nguyện tàn tật Phan Huy Tứ. Trên chiếc xe lăn cũ kỹ, Tứ vẫn nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn thí sinh, phụ huynh một cách tận tình, ân cần.
Đây là năm thứ 2, Tứ tham gia chương trình "Tiếp sức mùa thi” do đoàn trường Đại học Vinh tổ chức. Em nói: “Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, em tham gia tình nguyện lần đầu. Năm 2010 do sức khỏe yếu, không tham dự được nên em rất buồn. Mùa hè năm nay đã là sinh viên năm cuối, em đã xin phép bố mẹ được ở lại trường để tham gia chương trình”.
Tứ cùng đội trưởng đội tình nguyện xe lai miễn phí, Cao Mạnh. |
Tứ chia sẻ, tiếp sức mùa thi là mong ước nhưng cũng như là “cái nợ” em cần phải trả. Thời học cấp 3, nếu không có bạn bè cõng mỗi ngày 4 lần lên xuống từ tầng 1 lên tầng 3 thì có lẽ em đã không có đươc như ngày hôm nay. Chính những hành động và những lời động viên chân thành đã giúp em vượt qua tất cả. Không những thế, năm đầu tiên em đi thi đại học em vẫn không quên được hình ảnh các anh chị tình nguyện đã giúp đỡ em quá ân cần, chu đáo. Em “nợ” các anh chị tình nguyện rất nhiều".
Nói về chàng sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi đặc biệt này, tình nguyện viên Cao Mạnh, đội trưởng đội tình nguyện xe lai miễn phí Đại học Vinh cho biết: “Tứ là một người rất nhiệt tình. Mặc dù phải ngồi xe lăn, nhà trọ cách điểm tiếp sức mùa thi hơn 2km nhưng Tứ vẫn tích cực tham gia làm tình nguyện viên tiếp sức mùa thi. Đó là một việc làm rất cảm động. Trời nắng nóng đến 39 – 40 độ C, mồ hôi nhễ nhại, Tứ vẫn nhiệt tình tư vấn, chỉ đường cho các sĩ tử và phụ huynh. Tứ là một tấm gương sáng cho mình và các bạn khác noi theo”.
Hồng Thịnh
Theo Bưu Điện Việt Nam