Thấu hiểu mảnh đất Sơn Mỹ (Tịnh Khê, Quảng Ngãi) chịu mất mát trong chiến tranh, anh chàng người Pháp Bruno Cerignat về đây định cư, mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ nghèo.
Từng là thầy giáo dạy môn thể thao cho sinh viên ở Pháp, tình cờ chàng trai Bruno đến Việt Nam du lịch rồi yêu cô gái ở làng quê Sơn Mỹ. Sau khi kết hôn, chàng Tây này quyết định về sống ở quê vợ, mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em.
Lớp học miễn phí có khoảng 50 học sinh đủ mọi lứa tuổi, từ lớp 3 đến lớp 5, đang học các trường tiểu học ở xã Tịnh Khê. Hàng ngày, thầy giáo giúp trẻ em làng quê Sơn Mỹ cách phát âm, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh.
“Lớp học có hàng chục trẻ là con nông dân nghèo ở địa phương. Sau khi phần học ngữ pháp tiếng Anh tại nhà tôi, các em được tham gia câu lạc bộ tiếng Anh miễn phí do ông Bruno mở lớp ở sân trường tiểu học”, cô giáo Cao Thị Bích Lựu - giáo viên môn tiếng Anh, Trường tiểu học số 1 Tịnh Khê cho hay.
Lớp học tiếng Anh miễn phí do ông Bruno phụ trách duy trì suốt 1 năm qua.
Do số học sinh đông, mỗi tuần, chàng Tây luân phiên dạy 3 lớp giao tiếp tiếng Anh miễn phí (mỗi nhóm từ 12 đến 16 trẻ). Em Nguyễn Đắc Nhân - học sinh lớp 5, Trường tiểu học Tịnh Khê, cho biết, nhờ học thầy Bruno mà nhiều bạn phát âm tiếng Anh chuẩn hơn. "Em đã đạt giải cao kỳ thi tiếng Anh cấp tỉnh. Lớp học của thầy lúc nào cũng sôi động, vui nhộn, chúng em rất thích", Nhân kể.
Anh Bruno Cerignat tổ chức nhiều trò chơi lồng ghép dạy các bài hát tiếng Anh cho trẻ. “Ở làng quê nghèo Sơn Mỹ, hầu hết trẻ em không được học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ. Nhờ sự giúp đỡ của ông Bruno, trẻ em địa phương có cơ hội trau dồi, giao tiếp tiếng Anh lưu loát. Chúng tôi thật sự cảm kích vì tấm lòng yêu con trẻ”, ông Nguyễn Hà - người dân thôn Mỹ Lai, xã Tịnh Khê bộc bạch.
Ông Bruno thổ lộ, làng quê Sơn Mỹ từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, trong đó có vụ thảm sát Mỹ Lai gây chấn động thế giới. "Cơ duyên lấy vợ, sống ở làng quê này, tôi càng yêu mến nhiều hơn trẻ nghèo nơi đây. Tôi muốn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí, hy vọng góp hạt giống hòa bình xoa dịu đau thương trên mảnh đất này", chàng rể Tây bộc bạch.
Ngoài giờ dạy ở sân trường, thầy giáo nước ngoài tìm tòi tư liệu qua mạng Internet hay kết nối bạn bè Việt Nam bằng Facebook để trau dồi thêm ngôn ngữ tiếng Việt cho mình.
Anh cũng thích thú tìm hiểu về bản sắc văn hóa đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bruno mong ước, cơ quan chức năng tạo điều kiện nhập quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam. "Nếu được nhập quốc tịch, tôi sẽ lấy tên Bình. Bởi lẽ tôi yêu quý vẻ đẹp thanh bình ở làng quê Sơn Mỹ, mong rằng cuộc sống hòa bình mãi mãi tươi đẹp trên quê hương Quảng Ngãi", chàng rể Tây tâm sự.
Vào dịp cuối tuần, Bruno cùng một số nhóm thiện nguyện các trường đại học quyên góp quỹ về các huyện vùng cao Quảng Ngãi tặng quà cho trẻ em nghèo.
Bruno mong ước, có thể giúp nhiều hơn cho trẻ em bậc tiểu học ở Quảng Ngãi trong việc học, giao tiếp ngôn ngữ tiếng Anh.
Ngoài giờ lên lớp, chàng Tây này thích chăm sóc hoa ở nhà.
Sau những giờ phút bận rộn công việc, chàng Tây thư thả chơi đàn, tâm tình bên người vợ giữa không gian thanh bình ở làng quê Sơn Mỹ. "Tôi thật sự hạnh phúc vì có người chồng giỏi giang, tốt bụng, lúc nào anh cũng lạc quan yêu đời. Anh ví quê vợ là quê hương thứ hai và đặt niềm tin tương lai những đứa trẻ Sơn Mỹ rồi sẽ tươi sáng hơn", Nguyễn Kiều Chinh (vợ Bruno) chia sẻ.
Nhiều người qua đường ngưỡng mộ khi chứng kiến 3 anh chàng người nước ngoài lội xuống mương thối dọn rác. Không ít ý kiến trên mạng "tự thấy xấu hổ" khi xem những hình ảnh này.
Con đã nghỉ Tết còn bố mẹ vẫn đi làm, chị Hoàng Ngọc tính gửi một bé về quê, một bé sẽ theo mẹ lên công ty. Trong khi đó, chị Phương Lê phải "huy động" bà ngoại xuống TP.HCM trông cháu.