Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng thủ khoa 'thợ mộc' ở Quảng Nam

Mấy ngày nay, ngôi nhà tại thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ (H.Điện Bàn, Quảng Nam) của cậu học trò Nguyễn Đức Thảo, lớp 12A1 Trường THPT Hoàng Diệu đông vui, nhộn nhịp hơn ngày thường.

Chàng thủ khoa 'thợ mộc' ở Quảng Nam

Mấy ngày nay, ngôi nhà tại thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ (H.Điện Bàn, Quảng Nam) của cậu học trò Nguyễn Đức Thảo, lớp 12A1 Trường THPT Hoàng Diệu đông vui, nhộn nhịp hơn ngày thường.

Nguyễn Đức Thảo làm thợ mộc trong xưởng mộc của ba.

Bởi vì cậu bé gầy còm, đeo cặp kính cận 3 độ, hằng ngày phụ giúp cha làm thợ mộc ấy đã đỗ thủ khoa khối A Đại học Kinh tế Đà Nẵng với số điểm 26,5 (toán 9, lý 7,5, hóa 9,75).

Khi gặp tôi, Thảo còn đang mải mê cầm đục, dùi để đục đẽo đồ mộc tại xưởng mộc của cha mình. Bà Nguyễn Thị Phộng, chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Đông Hòa, vui mừng nói: “Cái thằng Thảo con nhà nghèo mà lại hiền hậu, học giỏi. Nó đậu thủ khoa bà con ở đây ai cũng mừng, cũng được thơm lây”.

Nhà Thảo nghèo thật. Ba Thảo là ông Nguyễn Đức Hồng (43 tuổi) quanh năm quần quật với xưởng mộc của mình. Ai gọi đi làm trần nhà, cửa, giường, tủ gỗ, trang trí nội thất... gì ông cũng làm. Mỗi ngày ngồi cặm cụi đục đẽo, ông Hồng kiếm khoảng vài chục nghìn nuôi con. Mẹ Thảo là bà Mai Thị Bé (41 tuổi) làm thuê hết nghề này đến nghề khác. Hễ có ai gọi đi phụ hồ, bốc vác thuê ngoài chợ là bà đều đi. Cứ từ 4g sáng bà đi phụ hồ, không phụ hồ thì đến các chợ ở xã bốc vác hàng hóa thuê đến tối mịt mới về. Mỗi ngày còng lưng phụ hồ, đẩy gạch, bốc vác như vậy bà kiếm được khoảng 100.000 đồng phụ thêm với chồng, trang trải cuộc sống gia đình.

Biết nhà nghèo, từ nhỏ Thảo luôn ý thức phụ giúp cha mẹ từ việc lớn đến nhỏ. Hằng ngày sau những giờ rảnh rỗi, em lại vào xưởng mộc của ba để phụ ba làm đồ mộc... Nhiều người dân trong xóm hay gọi đùa Thảo là chàng “thợ mộc”.

“Nó biết nghề mộc từ lớp 9. Đến nay nó làm thành thạo tất cả các công đoạn của nghề mộc như đục, đẽo, đánh bóng, bào, cưa. Những sản phẩm nó làm ra được khách hàng đánh giá cao lắm”, ông Hồng khoe. Ngoài ra, Thảo còn rất đảm đang khi làm tất cả công việc nhà như nấu ăn, giặt giũ, cho heo ăn, đưa đón em đi học.

Nhớ lại những lúc hai mẹ con đi hốt trấu thuê cho chủ lò máy gạo, bà Bé tâm sự: “Thằng Thảo có hiếu lắm. Thấy ba mẹ cực khổ nó không chịu được. Những lúc tôi đi hốt trấu thuê, mỗi bao trấu được chủ trả 2.000 đồng, nó liền xin đi theo. Có lúc chui vào hầm trấu, hai mẹ con bị phủ đầy bụi trấu. Lúc đó nó nổi mẩn đỏ ngứa khắp người, thế mà vẫn cười để mẹ khỏi lo...”.

Lúc đưa con đi thi đại học, ba mẹ Thảo lo sốt vó vì chẳng có tiền cho Thảo làm lộ phí. Đến trước ngày Thảo ra Đà Nẵng, ông Hồng mới mượn được từ người bà con 3 triệu đồng cho con đi thi. Khi thi xong rồi ra Huế, hai cha con ông lại tiêu “nhín” tiền để còn đem về trả cho người ta vì ông sợ “nợ chồng thêm nợ”. Ngoài dự thi khối A Trường đại học Kinh tế, Thảo còn dự thi khối B Trường đại học Y dược Huế.

Cô Phan Thị Gia Xuân, giáo viên chủ nhiệm của Thảo, rất tự hào về cậu học trò của mình: “Nghe Thảo đỗ thủ khoa mà tôi vui, hạnh phúc như cha mẹ của em vậy. Suốt ba năm học, em luôn dẫn đầu toàn khối về thành tích học tập”.

Thảo chia sẻ bí quyết học tập của mình: “Giờ học trên lớp phải chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài, nắm chắc kiến thức sách giáo khoa. Em thường xuyên lên mạng Internet để tìm nhiều đề thi, cập nhật nhiều cách giải hay. Ngoài ra, việc học nhóm rất quan trọng, có thể tập trung một nhóm 5-6 bạn ôn luyện cùng nhau để tăng hiệu quả học tập, học hỏi nhiều cái hay của bạn bè”.

“Em đang chờ kết quả thi khối B, ngành bác sĩ đa khoa Trường đại học Y dược Huế. Nếu đậu em sẽ chọn học Trường đại học Y dược Huế vì ước mơ làm bác sĩ đã ấp ủ từ lâu trong em”, Thảo vui vẻ nói.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm