Tôi bắt đầu nghiên cứu ung thư từ khi theo học ngành Công nghệ sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM.
Nhận được học bổng tiến sĩ của Quỹ Giáo dục Việt Nam khi còn theo học, với tôi, đây là điều bản thân chưa từng nghĩ tới.
Quá trình tuyển chọn, cấp học bổng của quỹ trải qua 3 vòng: lọc hồ sơ; thi năng lực Anh ngữ, kiến thức chuyên ngành và trả lời phỏng vấn giáo sư đến từ các trường đại học uy tín cùng Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Đây là vòng thi rất gắt gao bởi những yêu cầu khắt khe từ người tuyển chọn. Bên cạnh đó, những ứng viên đều xuất sắc.
Giai đoạn này, mỗi ngày, tôi dành khoảng 8 tiếng cho việc tự học sau giờ học tập, nghiên cứu tại trường. Tôi tập trung cao độ cho việc ôn luyện tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành, luyện tập phỏng vấn, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
Sau khi vượt qua các vòng này, ứng viên sẽ được giáo sư và Quỹ Giáo dục Việt Nam hỗ trợ về thư giới thiệu, luyện thi GRE, TOEFL, các khoá huấn luyện về kỹ năng mềm, hỗ trợ hội nhập, vé máy bay, học phí, bảo hiểm sức khoẻ... để nộp đơn xin học các trường đại học uy tín của Mỹ.
Trong giai đoạn 5 tuần học GRE, TOEFL với cường độ cao, tôi học khoảng 14 tiếng mỗi ngày và làm bài test thử vào cuối tuần. Đó là những ngày đêm thực sự gian khổ.
Hàng ngày, tôi vùi đầu vào sách vở, tìm kiếm kiến thức từ mọi nguồn thông tin. Nhưng vì đam mê cháy bỏng, chưa một lần tôi nghĩ tới việc "trì hoãn thành công".
Tiến sĩ Phan Minh Liêm. |
Năm 2005, tôi bắt đầu chương trình tiến sĩ tại Đại học Texas, Trung tâm Ung thư MD Anderson, Houston, Texas, Mỹ. Tôi chọn ngành Y Sinh học với định hướng phát triển các liệu pháp mới trong phòng ngừa và điều trị ung thư, bao gồm các môn học chuyên sâu về Sinh học ung thư, Phương pháp nghiên cứu, Y học, Sinh hoá...
Ung thư là một trong những thách thức lớn nhất đối với y học hiện đại và đe doạ sức khoẻ của hàng triệu người. Mỗi năm, thế giới có khoảng 8 triệu người ra đi và hơn 14 triệu ca mắc ung thư mới.
Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong do ung thư thuộc hàng cao nhất trên thế giới do đa phần ca bệnh ung thư tại nước nhà thường phát hiện ở giai đoạn muộn.
Từ lâu, tôi mong muốn góp phần vào việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị và phòng ngừa ung thư hiệu quả để đẩy lùi căn bệnh quái ác này.
Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới ngôi trường mơ ước này, tôi đặt ra mục tiêu cố gắng hết sức để học tập và nghiên cứu nhằm giúp bệnh nhân ung thư. Hơn 7 năm, tôi luôn tự nhủ phấn đấu hết khả năng để giữ vẹn lời hứa ấy.
Tôi tập trung nghiên cứu tìm hiểu các phương pháp ức chế quá trình chuyển hoá năng lượng của tế bào ung thư để giúp tiêu diệt khối u một cách đặc hiệu và chính xác, không làm ảnh hưởng các tế bào khoẻ mạnh.
Công việc gặp rất nhiều khó khăn do tế bào ung thư đa dạng và liên tục tiến hoá. Việc hiểu rõ cách thức tế bào ung thư sản xuất năng lượng và phát triển các phương pháp ức chế quá trình này không hề đơn giản.
Nhóm tôi đã kết hợp nhiều ngành khoa học, ứng dụng, và cải tiến nhiều phương pháp và công nghệ hiện đại để hoàn thành công trình nghiên cứu. Phát hiện từ những nghiên cứu này mở ra niềm hy vọng mới trong việc tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả và chính xác. Nhưng việc hoàn thành nghiên cứu cơ bản chỉ mới là khởi đầu. Chúng tôi vẫn cần 10-12 năm nữa để hoàn thiện nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu lâm sàng.
Căng thẳng, áp lực là một trong những điều tôi nhớ nhất khi nhắc về môi trường làm việc và học tập tại đây, nhất là trong giai đoạn bắt đầu. Khi đó, học viên còn nhiều bỡ ngỡ trước bạn bè có thành tích học tập xuất sắc, cùng môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại.
Quả thực, nhiều lúc, tôi kiệt sức. Ung thư phức tạp hơn tôi tưởng! Chúng liên tục tiến hoá, không ngừng biến đổi, khiến cho việc tìm ra điểm yếu của tế bào ung thư rất khó khăn.
Không ít lần, việc nghiên cứu của tôi rơi vào bế tắc. Chưa từng nghĩ đến bỏ cuộc, nhưng cảm giác bất lực thì tôi trải qua nhiều lần. Những lúc ấy, tôi thường ngồi thiền tĩnh tâm để suy nghĩ về các kết quả nghiên cứu, nhằm tìm ra những điểm yếu của tế bào ung thư và các giải pháp cho công việc của mình.
Ngoài ra, tôi cũng chọn cách giải toả bằng việc tập võ, rèn luyện tính kiên trì, cách suy nghĩ sáng tạo, khả năng chịu đựng gian khổ và thích nghi... Tôi nghĩ đam mê và sự kỷ luật, tính kiên nhẫn là các yếu tố không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học, cũng như "làm" tiến sĩ.
Tôi cho rằng, bên cạnh những thú vị vốn có, việc học tiến sĩ còn bao hàm nhiều thử thách, chông gai. Nhưng chưa bao giờ, tôi coi đây là việc quá khó, bởi quan niệm, nếu người khác học được thì chỉ cần mình cố gắng, kiên trì và theo đúng phương pháp, sẽ có một ngày thành công. Chúng ta chỉ thất bại khi bỏ cuộc!
Sau khi tốt nghiệp, tôi được MD Anderson mời làm việc tại Khoa Nội tổng quát, chuyên ngành Phát triển thuốc và liệu pháp mới để điều trị và phòng ngừa ung thư.
Môi trường nơi đây không chỉ hiện đại, bao gồm đầy đủ trang thiết bị tối tân cho việc học tập, nghiên cứu, con người của mảnh đất này cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều từ chuyên môn, tới kỹ thuật nghiên cứu, phân tích...
Dù vậy, đối với tôi, tất cả chỉ mới bắt đầu. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ phấn đấu hết sức cùng những người bạn của mình.
Tiến sĩ Phan Minh Liêm sinh năm 1983, tại Khánh Hoà. Anh hiện công tác tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Texas, Mỹ) và là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014.
Anh từng là sinh viên khoa Công nghệ Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM. Tốt nghiệp đại học năm 2005, Phan Minh Liêm giành suất học bổng tiến sĩ tại Mỹ.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu ở môi trường quốc tế, anh là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson, Houston, Texas - viện ung thư số một tại Mỹ.