Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai 17 tuổi ở TP.HCM làm búp bê giá hàng triệu đồng

Tự mày mò, học làm búp bê khớp cầu từ lớp 6, Bùi Thịnh Đa (sinh năm 2004, TP.HCM) hiện có thu nhập ổn định từ công việc này sau hơn 4 năm theo đuổi.

Chiếc bàn học nhỏ trong góc phòng riêng là nơi Bùi Thịnh Đa, học sinh lớp 11 trường THCS và THPT Việt Anh (quận Phú Nhuận), bày đủ thứ từ đất sét, silicon, màu vẽ đến đồ nghề chạm, khắc.

Đó là những nguyên liệu, dụng cụ giúp cậu tạo nên các con búp bê khớp cầu (ball-jointed doll). Đây là loại búp bê được làm từ đất sét, sứ hoặc nhựa resin, mô phỏng người thật và nằm trong phân khúc cao cấp.

Đúng như tên gọi, các bộ phận của nó được gắn với nhau bằng khớp hình cầu và nối dây chuyên dụng bên trong để có thể cử động.

“Trong số phong cách búp bê được làm thủ công (art doll), em chọn búp bê khớp cầu vì thích các khớp chuyển động, có thể tạo rất nhiều dáng để chụp ảnh và dễ dàng thay trang phục. Sản phẩm của em theo trường phái có chút kinh dị, trừu tượng”, Đa nói với Zing.

Xuất phát từ niềm đam mê, sau 4 năm theo đuổi, nam sinh hiện có thể kiếm hàng triệu đồng cho mỗi con búp bê được làm rất kỳ công.

“Con trai mà chơi búp bê, lạ quá!”

Trong một lần lướt mạng năm lớp 6, Bùi Thịnh Đa tình cờ biết tới búp bê khớp cầu. Cậu lập tức ấn tượng ở phần giải phẫu và các khớp nhìn thú vị.

Muốn có một bé nhưng còn là học sinh, không đủ kinh phí, Đa mua đất sét về tự làm thử. Ban đầu, chỉ làm cho vui nên đa số sản phẩm của cậu chưa có tính thẩm mỹ.

Lên lớp 7, khi đam mê lớn dần, Đa nghiêm túc theo đuổi công việc làm búp bê khớp cầu thủ công. Qua Internet và sách, nam sinh tự học về các quy trình, giải phẫu người, tỷ lệ cơ thể,… để có thể tạo ra sản phẩm ưng ý.

“Những tác phẩm đầu, em nặn rất đơn giản, nhiều khi khuôn mặt chỉ là cục đất sét tròn, sau đó vẽ lên. Còn bây giờ, tác phẩm của em có độ chi tiết, thật và thể hiện rõ phong cách cá nhân hơn trước”, Đa nói.

Ban đầu, gia đình Đa lo lắng, ngăn cấm vì nghĩ “con trai mà chơi búp bê, lạ quá!”. Chàng trai cố gắng thuyết phục cha mẹ bằng các tác phẩm mình tạo ra và giải thích cho họ hiểu đây là nghệ thuật chứ không phải món đồ chơi cho bé gái như mọi người lầm tưởng.

Dần dần, gia đình Đa hiểu và ủng hộ con trai theo đuổi đam mê. Thậm chí, bố còn hỗ trợ cậu tậu chiếc máy khoan chuyên nghiệp để làm nhanh hơn.

Đa thường lấy ý tưởng cho các tác phẩm từ Internet, vật dụng xung quanh hay đặc biệt hơn là giấc mơ. Cậu luôn mang bên mình cuốn sổ, chiếc bút để có thể phác thảo lên giấy bất cứ khi nào cảm hứng đến. Về nhà, cậu xem lại ý tưởng có khả thi không rồi mới bắt tay vào làm.

Trung bình, Đa mất 2-3 tháng để làm xong một tác phẩm từ đất sét. Với chất liệu sứ, thời gian hoàn thiện có thể lên tới 1 năm hoặc hơn. Bởi vậy, nam sinh quý trọng từng tác phẩm mình đổ mồ hôi, công sức và thời gian để tạo ra.

Theo Đa, quá trình làm ra một tác phẩm gồm nhào đất, tạo khung xương, nặn, đem nung, chà nhám, làm mịn, makeup (tô màu, vẽ mắt, mũi), thêm tóc, quần áo và các phụ kiện.

Cụ thể, các phần cơ thể được làm rời rạc rồi cho vào lò nướng ở 120 độ C trong 20-40 phút với đất sét. Còn búp bê sứ cần thêm thạch cao và nung ở nhiệt độ khoảng 1.400 độ C.

“Nhiều khi, mình phải lùng sục khắp các lò gốm ở Hóc Môn, Củ Chi để tìm nguyên liệu và lò nung phù hợp. Với mình, công đoạn khó nhất là làm mịn bề mặt búp bê để khi xong tác phẩm trông có hồn. Tóc thì mình làm bằng lông dê hoặc lạc đà, trang phục tự thiết kế sau đó gửi thợ may”, Đa cho biết.

Ngoài ra, để búp bê có thể cử động linh hoạt, Đa phải khéo léo dùng dây chuyên dụng căng bên trong phần thân rỗng, bắt đầu từ đỉnh đầu đến hai chân, tay. Phần bàn tay, chân có móc cố định.

Sản phẩm Đa tốn công làm lâu nhất là 3 năm. Đó là búp bê khớp cầu bằng sứ đầu tiên của cậu nên cần rất nhiều thời gian nghiên cứu để không bị nứt khi nung ở nhiệt độ cao.

Mong lập ra thương hiệu riêng

Khoảng 2 năm trở lại đây, Đa bắt đầu bán búp bê với giá hàng triệu đồng, tùy thuộc vào mỗi tác phẩm.

“Em nhận làm theo yêu cầu khách hàng nhưng rất ít. Đa số khách sẽ đặt theo khuôn mặt của họ hoặc người thân. Em thường chụp quá trình cho khách xem để họ có thể sửa thoải mái tới khi nào ưng thì mới đem nung. Nhiều khi, em nặn gần xong thì vô tình đánh rơi, phải làm lại từ đầu. Khi nhận hàng, mọi người thường khen búp bê có hồn và chất riêng”, Đa kể.

Vì còn đi học, Đa thường dành thời gian làm búp bê vào thứ bảy, chủ nhật. Các ngày trong tuần, cậu tranh thủ làm 1-2 tiếng mỗi hôm.

Chia sẻ về khó khăn khi theo đuổi nghề, Đa nói: “Trở ngại thì rất nhiều. Chẳng hạn gần đây nhất, em phải nghe những lời không hay từ dân mạng nói em chơi kumanthong hay búp bê kinh dị. Nhưng nghĩ lại, cũng có rất nhiều lời động viên, ủng hộ nên em luôn tự nhủ bản thân cố gắng bước tiếp và lấy những góp ý làm động lực”.

Vì là đam mê, Đa không tính toán mình được và mất gì khi đi theo con đường mình chọn. Cậu chỉ đơn giản cảm thấy thoải mái và là chính mình khi nặn búp bê. Công việc này cũng tập cho chàng trai tính kiên trì, tỉ mỉ.

Trong 4 năm qua, Bùi Thịnh Đa không nhớ rõ cậu đã tạo ra bao nhiêu tác phẩm. “Đứa con” khiến nam sinh tự hào nhất là Vitiligo - cô nàng búp bê mang bệnh bạch biến.

“Đối với em, búp bê như cách lan tỏa những giá trị mà em muốn người xem đúc kết được qua mỗi bé. Các tác phẩm của em đa số không chạy theo chuẩn đẹp mà có phần mũm mĩm, mũi to hay bị bệnh bạch biến bởi em mong muốn mọi người tự tin hơn về bản thân”.

Hiện tại, Đa lập kênh video để chia sẻ quá trình làm ra các tác phẩm, trong đó có từng bước hướng dẫn cụ thể. Trong tương lai, cậu muốn viết sách về nặn búp bê để bộ môn này phát triển thêm và gần gũi hơn với mọi người.

Dòng búp bê khớp cầu mang thương hiệu riêng cũng là điều Bùi Thịnh Đa đang ấp ủ, dành nhiều tâm huyết thực hiện.

Nữ giảng viên vừa dạy học online, vừa chăm 2 con nhỏ ở nhà trong dịch

Chồng đi làm, Trần Hồng Nhung một mình vừa trông hai con trai nghỉ học ở nhà, vừa dạy online, nghiên cứu tài liệu học tiến sĩ. Cô vẫn sắp xếp thời gian cho bản thân.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm