Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Chàng trai bảo vệ và giấc mơ võ sĩ đẳng cấp thế giới

Ít ai ngờ rằng người trợ giảng đang dạy nhu thuật trên sàn đấu lại là chàng bảo vệ trẻ tuổi vừa dắt xe cho mình cách đây ít phút.

GÃ BẢO VỆ NUÔI GIẤC MƠ VÕ SĨ ĐẲNG CẤP THẾ GIỚI

Ít ai ngờ rằng người trợ giảng đang thực hiện động tác khóa tay phức tạp trên sàn đấu nhu thuật lại là chàng bảo vệ trẻ tuổi vừa dắt xe cho mình cách đây ít phút.

Doan Anh Tu vo si Brazilian Jiu-Jitsu anh 1

Đoàn Anh Tú là võ sĩ Brazilian Jiu-Jitsu (BJJ) chuyên nghiệp. Ở tuổi đôi mươi, khi hầu hết bạn bè cùng trang lứa đang ngồi trên ghế nhà trường, nhiều người còn loay hoay đi tìm những giá trị của cuộc sống, Tú đã xác định và chọn cho mình con đường thật khác: Làm bảo vệ cho một trung tâm thể thao với mơ ước sâu thẳm sẽ trở thành võ sĩ tầm cỡ quốc tế.

Doan Anh Tu vo si Brazilian Jiu-Jitsu anh 2

"Bị đánh và nghèo" là hai lý do khiến Tú quyết tâm đi theo con đường võ thuật. Năm lớp 8, cậu nặng chưa tới 40 kg và thường xuyên bị bạn cùng lớp bắt nạt.

"Bị khoảng 10 đứa trong lớp đánh mỗi ngày, tối nào về tới nhà mặt mũi, thân thể cũng thâm tím", Tú kể và từ chối nói thêm về quãng thời gian dễ tổn thương của tuổi dậy thì, khi bản thân yếu ớt, còn những người bạn xung quanh lại vô tâm.

Cậu bé bị bạo hành tìm đến với Taekwondo, đơn giản để tự bảo vệ bản thân. Sau đó vài năm, Tú tiếp tục học Aikido cho tới khi gia đình phải chuyển về Bình Dương. Cậu tạm biệt môn võ này với đầy tiếc nuối.

Năm 2015, Tú phải dừng việc học cao đẳng vì gia đình không đủ điều kiện kinh tế. Tới lớp với cái bụng đói mỗi ngày là quá sức chịu đựng với chàng thanh niên đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Tú bỏ học, tìm việc làm. Thi thoảng ban đêm, sau những giờ chạy bàn mệt nhoài ở các quán ăn, chàng trai này lại nghĩ về những giờ được tập luyện miệt mài trên sàn đấu. Cậu luôn cố gắng tự lập và mơ ước có ngày được học võ chuyên nghiệp.

Cơ hội đến khi một người bạn giới thiệu Tú với Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn. Nhân viên ở đây nếu có đam mê võ thuật sẽ được tập luyện miễn phí với các giáo viên cao cấp. Tú trở thành bảo vệ từ đó.

Doan Anh Tu vo si Brazilian Jiu-Jitsu anh 3

Tú chọn bộ môn BJJ vì chính tính cách cứng đầu của mình: "Môn võ này kỳ lạ lắm, nó dạy em cách sống đúng đắn bằng việc rèn luyện ý chí của bản thân qua tập luyện và thi đấu. Nhiều lúc, em hay tự nghĩ BJJ tạo ra để làm cho con người ta phải bỏ cuộc, nhưng nếu vượt qua được thì phần thưởng nhận về lại vô giá".

Thời gian đầu, cái vòng xoay tập luyện - làm việc - luyện tập quá khó nhọc. Quá trình rèn luyện gian nan và vất vả khiến chàng trai trẻ mệt nhoài. Có những thời điểm trở về nhà, Tú không thể ăn uống vì kiệt sức, đau đớn, và từng cơ bắp trên tay, chân rã rời, cứng đờ.

Buổi sáng, từ 6h tới 8h là khoảng thời gian Tú dành cho việc tập thể lực, sau đó cậu làm việc tới 18h. Hết giờ làm, chàng bảo vệ lại khoác lên mình chiếc áo võ, luyện tập tới khuya. Thế nên, có quãng thời gian, Tú gần như đã kiệt sức.

Doan Anh Tu vo si Brazilian Jiu-Jitsu anh 14

Nơi ở của gia đình Tú cách chỗ làm việc tới 20 km trên con đường đầy ắp xe tải và công trường ở quận 9. Rời đi khi phố phường còn vắng vẻ, trở về lúc đường xá cũng đã leo lắt ánh đèn là điều Tú đã quen thuộc.

“Nhiều đêm về nhà không có gì ăn, quá mệt mỏi để ra ngoài ăn mì gõ, em cứ nấu mì gói ăn cho qua đêm. Lắm lúc mệt đến nổi chẳng còn cảm thấy đói bụng nữa mà cứ đi ngủ”. Mỗi tháng, Tú cố gắng gửi tiền thuê nhà cho ba và dành dụm để nuôi mấy chú chó của mình.

Cả nhà Tú có 5 người và 4 chú chó do Tú nhặt được cùng chung sống trong căn phòng trọ 15 m2, gồm phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh. "Ai cũng cần có cơ hội được cứu rỗi và chăm sóc, đặc biệt là những con vật yếu ớt", chàng trai sinh năm 1997 giải thích đơn giản về thói quen nhặt động vật về nuôi của mình dù cho nhà đã quá chật chội.

BJJ là bộ môn chuyên biệt được ví như đánh cờ tướng trên sàn đấu võ. Nó đòi hỏi người tập phải có sự kiên nhẫn vì môn võ này mang đậm tính chất vật lý ở những đòn vật, bẻ khóa khớp hay siết cổ và tính tâm lý khi phải hiểu rõ đối thủ của mình… Bởi vậy, việc không ngừng tập luyện hàng ngày, mỗi kỹ thuật hàng chục lần mới dần dần hiểu được nguyên tắc của các kỹ thuật trong Jiu Jitsu.

"Cũng là lý do em chỉ thích tập nó. Càng đi sâu vào võ học, tri thức càng tăng tiến dần, quan điểm về võ thuật càng đúng đắn, đời sống tinh thần càng phong phú. Một khi coi võ là cái 'nghiệp' phải theo đuổi, nó sẽ đưa cuộc đời ta vào đúng quỹ đạo, dù rằng trên đường lưu chuyển gặp nhiều trở lực", chàng trai sinh năm 1997 cười hiền giải thích.

Chấn thương đa phần xảy ra ở các khớp tay, ngón tay, đầu gối, cổ chân và các khớp ngón chân. Nặng nhất là ở các đầu gối. Trong bộ môn này, tất cả cơ bắp trên cơ thể đều phải hoạt động nên dẫn đến cả người đều hết sức rã rời.

Tú hay thi đấu với những đối thủ là người nước ngoài với chiều cao và cân nặng vượt trội dù khó khăn hơn gấp nhiều lần. Chính điều ấy đã giúp võ sĩ này hoàn thiện kỹ năng của mình để khắc phục điểm yếu về sức vóc.

Sau 2 năm, nhờ nỗ lực tập luyện, Tú tiến bộ rõ rệt. Chàng bảo vệ hiện được làm trợ giảng để hỗ trợ giảng dạy cho học viên tại trung tâm. Trong số đó, học viên đặc biệt nhất chính là bạn gái của cậu.

“Trước đây, em ít yêu đương cũng vì tự ti kinh tế và sự nghiệp. Nhưng bạn gái luôn ủng hộ và không để ý tới gia cảnh của em. Cô ấy biết rõ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, công việc hiện tại, và biết đến sự cố gắng mỗi ngày cho một tương lai tốt hơn của em. Cô ấy nói ngưỡng mộ và yêu thương em nhiều hơn", chàng võ sĩ kể về bạn gái, nguồn động lực và hạnh phúc lớn lao nhất của Tú trong cuộc sống.

"Em vốn là người rụt rè, nhút nhát dù luôn thể hiện sự kiêu căng ở vẻ bề ngoài. Nhưng em thật sự đã trở thành người hoàn toàn mới: Ý chí quyết đoán, nhanh nhẹn, khiêm tốn và kiên nhẫn nhiều hơn trong cuộc sống", Tú nói đơn giản về mình sau 2 năm học võ.

Với những người như Tú, võ thuật không chỉ là môn học về kỹ thuật luyện tập chiến đấu, không đơn giản là môn nghệ thuật, mà còn là khoa học. Chữ "thuật" chỉ đủ để người ta biết võ. Còn "đạo" mới đưa người ta đến tận cùng của cái biết võ mà hành võ. "Đạo" là đẳng cấp cao nhất mà người tập võ chân chính phải phấn đấu đạt đến.

Năm 2017, Tú giành được tấm huy chương đầu tiên của mình. Đó là nguồn động viên lớn nhất, ghi nhận những cố gắng của cậu sau thời gian dài bước vào con đường gian nan.

"Em cứ tập võ thế này, hay có ước mơ gì không?", phóng viên hỏi Tú.

"Em muốn trở thành nhà vô địch thế giới", Tú quả quyết.

"Em muốn nói với những bạn có hoàn cảnh khó khăn như em: Học không phải con đường duy nhất để thành công. Phải đi theo đam mê, dám liều làm những điều không tưởng, rồi cuộc đời sẽ công nhận và đáp trả lại mình những điều tốt đẹp".

Doan Anh Tu vo si Brazilian Jiu-Jitsu anh 32

Brazilian Jiu-Jitsu (Nhu thuật Brazil hay Nhu thuật Ba Tây) là môn võ tự vệ và thể thao thi đấu đối kháng thông qua hình thức ứng dụng các đòn vật, khóa tay chân ở tư thế nằm trong những cuộc thi đấu trên võ đài.

Sau khi được ra đời, nó chủ yếu được biết đến trong phạm vi quốc gia Nam Mỹ. Đến những năm 1990, khi Royce Gracie sử dụng nhu thuật Brazil để vô địch 3 trên tổng số 4 giải vô địch võ tự do thế giới (UFC), môn này mới được biết đến rộng rãi.

Dù ra đời muộn hơn nhiều so với những môn võ khác, Nhu thuật Brazil đang ngày càng trở nên phổ biến bởi tính thực chiến và hiệu quả.

Hoàng Việt

Biên tập: Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm