Cả khu B của bệnh viên tâm thần Hà Nội, từ bác sĩ điều trị đến bệnh nhân hơn năm năm nay đã quá quen thuộc với tiếng kêu gào đòi làm bác sĩ của chàng trai Lê Xuân Hùng (sinh năm 1983, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội). Đang là cậu sinh viên giỏi của Đại học Y Hà Nội, bỗng một ngày Hùng “hóa điên”, phải chạy chữa ở hết bệnh viện này đến viện khác. Hành trình thực hiện ước mơ làm bác sĩ cũng vì đó mà “chững” lại.
Bỗng dưng “hóa điên”
Suốt những năm tháng học sinh, Lê Xuân Hùng luôn khiến bạn bè và thầy cô kính nể vì thành tích học tập: 12 năm liền là học sinh giỏi, đạt giải cao trong nhiều kỳ thi cấp tỉnh, thành phố, đạt danh hiệu Đoàn viên ưu tú… Năm 2003, Hùng cùng lúc đỗ hai trường Đại học với số điểm cao. Giữa hai con đường, Hùng quyết định theo học tại trường Đại học Y để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình, đã được nuôi dưỡng từ khi còn rất nhỏ.
Chưa đi được 1/3 chặng đường , bỗng một ngày Hùng “hóa điên”. Tin dữ đến bất ngờ khiến cho người thân, thầy cô và bạn bè Hùng cho đến giờ vẫn chưa hoàn toàn tin đó là sự thật.
Ánh mắt bàng hoàng, giọng nói run run Cô Phạm Thị Dung - mẹ của Hùng kể lại: “Hôm đó tôi vừa đi làm đồng về thì thấy con trai tôi cùng thầy giáo và một bạn học đại học của nó đang loay hoay mở cổng vào nhà. Thấy tôi, nó đột nhiên khóc, ú ớ gọi mẹ. Tôi đang không hiểu chuyện gì xảy ra thì được nghe thầy giáo nói cần phải đưa Hùng đi khám gấp vì thời gian gần đây nó thường xuyên đi lang thang và nói năng lảm nhảm một mình. Vậy là đi viện từ đó đến giờ”.
Hai mẹ con Hùng chăm nhau trong bệnh viện tâm thần Hà Nội. |
Mới ngày nào hai mẹ con vai đeo ba lô cùng nhau bước vào cánh cổng trường đại học thì nay cô Dung lại phải tay xách nách mang đưa Hùng đi chạy chữa ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ. Hùng được các bác sĩ chuẩn đoán là mắc chứng tâm thần phân liệt. Rất nhiều lần cô Dung gặng hỏi Hùng về những chuyện đã xảy ra trong hai năm đại học để tìm hiểu nguyên nhân tại sao bỗng nhiên Hùng hóa điên, thì chỉ nhận được câu trả lời duy nhất: “Con đi tìm người dạy con làm bác sĩ”. Có những khi quẫn bách, cô Dung lại nghĩ con mình bị “ma làm” hoặc đang bị ai đó bỏ bùa, nên đã tìm đến nhờ các thầy cúng bái. “Thôi thì có bệnh phải vái tứ phương”- cô thở dài.
Hơn 10 năm ra vào bệnh viện, Hùng vẫn lúc điên lúc tỉnh. 12 năm đèn sách và niềm vui đỗ đại học vẫn ngỡ như mới hôm qua. Cô Dung kể lại: “Là con trai nhưng nó ngoan ngoãn và chăm chỉ lắm. Nhà nghèo không có điện thì nó học bằng đèn dầu. Nó luôn phấn đầu vì ước mơ được trở thành bác sĩ”. Nghe mẹ mình nói vậy, Hùng lại chỉ vào tờ giấy báo nhập học đang cầm trên tay, ú ớ: “Tôi là bác sĩ”…
“Cho tôi về đi học”
“Nhờ các cô nói với bác sĩ giúp tôi cho tôi về đi học. Tôi còn phải làm bác sĩ" - vừa nhìn thấy chúng tôi, trong khi còn chưa định vị được chỗ ngồi anh đã nói ra lời khẩn cầu rất “tỉnh”.
Dường như ước mơ được đi học và trở thành bác sĩ vẫn luôn thường trực bên trong “cái đầu” không bình thường của Hùng. Đã rất nhiều đêm các bác sĩ và bệnh nhân khác ở đây phải mất ngủ vì Hùng gào thét, đòi ra viện, trở về trường đi học. Cô Dung tâm sự: “Mọi người cứ nói nó lên cơn, nhưng tôi biết những lúc đó là lúc nó tỉnh nhất. Là mẹ nó tôi hiểu nó mong được đi học đến nhường nào”. Được tặng quà Hùng không thích gì khác ngoài sách vở. Những lời lảm nhảm từ lúc tỉnh cho đến lúc mơ Hùng đều nhắc đến hai từ “bác sĩ”. Hùng còn yêu cầu mẹ mình phải xin lại tờ giấy báo nhập học từ nhà trường để khoe mỗi khi có người đến thăm.
Cũng theo lời mẹ Hùng kể, có lần anh bỏ nhà đi biền biệt đến bốn ngày trời. Khi trở về mẹ Hùng gặng hỏi mãi mới được biết, Hùng tìm về tận trường Đại học Y để thăm thầy cô và các bạn. Dù mắc căn bệnh tâm thần phân liệt, nhưng không thiếu những lúc Hùng tỉnh táo. Và lúc tỉnh là lúc anh rất giỏi, Hùng vẫn thường xuyên dạy cho những học sinh lớp 11, lớp 12 gần nhà ôn thi đại học và kể cho các em nghe về hành trình hai năm học y rất thú vị của mình.
Suốt những năm đầu chữa bệnh, cô Phạm Thị Dung luôn mong muốn con mình khỏe lại để có thể trở về trường học tiếp. Chồng bỏ nhà ra đi bặt vô âm tín sau khi Hùng bị bệnh, hai mẹ con lâm vào cảnh bệnh tật, đói nghèo. Mọi thứ trong nhà đều bị đem đi cầm cố để chữa bệnh. Ngay cả ngôi nhà là chỗ trú nắng, trú mưa mẹ con Hùng cũng phải đem đi bán lấy 28 triệu đồng mưu sinh. Không chỗ nương thân, giờ đây hai mẹ con đang phải sống nhờ nhà người hàng xóm tốt bụng.
Đeo đẳng chạy theo căn bệnh tâm thần của con hơn 10 năm trời, rồi đến cô Dung cũng đổ bệnh. Cô được các bác sĩ chuẩn đoán là thiếu máu tuần hoàn não, thường xuyên chóng mặt, nhức đầu và dễ ngất xỉu. Từ ngày đổ bệnh, cô luôn phải chạy đi chạy lại hai bệnh viện, hết đến viện Đại Thịnh (Mê Linh, Hà Nội) truyền nước cho mình rồi lại chạy sang bệnh viện tâm thần Hà Nội chăm sóc con trai. Cô nghẹn ngào: “Không bỏ được con cô ạ. Mình khổ, nhưng nó được khỏe mạnh là may mắn lắm rồi”.
Dù “điên” nhưng có nhiều lúc Hùng vẫn ý thức được sự khó khăn của gia đình và nỗi khổ của mẹ. “Mẹ ơi mẹ, mẹ khổ mãi rồi, bao giờ con được đi học, ra trường con sẽ kiếm thật nhiều tiền cho mẹ”, đã rất nhiều lần Hùng nói với mẹ mình như thế.
Vóc dáng cao to, ánh mắt ngây ngô như một đứa trẻ, Hùng nhìn chúng tôi rồi nhìn mẹ: “Cho con về đi học nhé”. Hai hàng nước mắt lại lăn dài trên má người phụ nữ đã bạc nửa đầu. Có lẽ, cho đến bây giờ người mẹ ấy vẫn chưa hết bàng hoàng bởi chính đứa con bao nhiêu năm mơ làm bác sĩ của mình bỗng “hóa điên”.