Nam bệnh nhân 21 tuổi (trú tại Trưng Vương, Uông Bí, Quảng Ninh) đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trong tình trạng đau bụng vùng quanh rốn sau khi tập thể dục.
Bệnh nhân cho biết trước đó tự tập cơ bụng với con lăn. Ngày hôm sau, anh tiếp tục thực hiện động tác đu xà vì cảm thấy đau lưng. Sau khoảng 10 lần đu xà, bệnh nhân đột ngột đau bụng. Vùng này có khối sưng, gồ lên khoảng 2 cm, dài 7-8 cm, ấn vào rất đau.
Nam bệnh nhân bị đứt, chảy máu trong cơ thẳng bụng trái sau khi tập thể dục. Ảnh: BVCC. |
Tại bệnh viện, bệnh nhân được các bác sĩ siêu âm ổ bụng và chụp CT. Kết quả cho thấy hình ảnh đứt, chảy máu trong cơ thẳng bụng trái.
Các bác sĩ chỉ định chọc dẫn lưu ổ máu tụ cho người bệnh. Sau đó, nam thanh niên được chuyển khoa Ngoại tiêu hoá và Tổng hợp để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hoá và Tổng hợp cho biết sau khi được chọc dẫn lưu, tình trạng chảy máu của bệnh nhân đã cải thiện. Nếu nặng hơn, vết rách gây chảy máu nhiều, các bác sĩ phải phẫu thuật để khâu cơ ổ bụng, cầm máu cho người bệnh. Sau điều trị, sức khoẻ của nam bệnh nhân ổn định và được ra viện.
Để việc tập luyện mang lại hiệu quả tốt, các bác sĩ khuyến cáo người cần chú ý an toàn, tránh chấn thương bằng cách khởi động trước khi tập, cường độ và thời gian hợp lý.
Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn cần dừng ngay để tránh những chấn thương nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, bạn nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và nước trước, trong cũng như sau khi tập.
Đặc biệt, những người có bệnh lý đường hô hấp, tim mạch, cơ, xương khớp hay rối loạn về chuyển hoá như tiểu đường, mỡ máu..., cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia về hoạt động thể chất.