Tháng 2/2018, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn tiếng Anh sẽ đảm bảo đánh giá đủ kiến thức, bao gồm ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm. Đây là bước ngoặt thay đổi lớn trong việc dạy và học tiếng Anh.
Chia sẻ với Zing.vn, Đặng Trần Tùng - một trong 5 người đầu tiên đạt điểm IELTS 9.0 tại Việt Nam - bàn luận về cách học tiếng Anh sao cho hiệu quả.
Cha mẹ không nên ép con học tiếng Anh
- Việc học tiếng Anh thực sự quan trọng trong phần phát âm. Ở thành phố, học sinh có điều kiện tiếp xúc giáo viên bản ngữ, trong khi ở vùng nông thôn khó khăn hơn nhiều. Nhà trường có nên tăng cường tiếp cận đội ngũ giáo viên này để đưa vào trường học hay không?
- Hiện nay, Hà Nội có liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để đưa giáo viên bản ngữ vào trường học. Bên cạnh những trung tâm chất lượng, một số nơi chưa đảm bảo.
Đặng Trần Tùng - một trong 5 người đầu tiên đạt điểm IELTS 9.0 tại Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Tất nhiên, khi học tiếng Anh, đặc biệt là phát âm, xu hướng chuộng giáo viên bản ngữ là dễ hiểu. Một điều chúng ta cần lưu ý là với người bản ngữ, tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, họ sinh trưởng ở môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh. Điều này tạo ra trở ngại lớn khi người bản ngữ đến dạy cho người Việt Nam. Họ sẽ khó đồng cảm với những khó khăn người Việt gặp phải, đồng nghĩa việc khó tìm ra biện pháp khắc phục tối ưu.
Thêm vào đó, giáo viên bản xứ nếu không có kỹ năng sư phạm, có thể khiến học viên không hứng thú trong giờ học, khó đạt được kết quả rõ ràng.
Do đó, tôi cho rằng những giáo viên phù hợp với người Việt có lẽ chính là người Việt giỏi tiếng Anh và có thể phát âm chuẩn như người nước ngoài. Bởi hơn ai hết, chỉ người Việt mới hiểu được khó khăn của chúng ta là gì, và có thể cung cấp động lực cũng như phương pháp để học viên có thể đạt được khả năng phát âm tương tự.
- Để trẻ nói tiếng Anh tốt, việc đầu tiên cần làm có phải là thay đổi nhận thức của cha mẹ không? Học tiếng Anh có nên nóng vội?
- Từ kinh nghiệm của chính bản thân và những người xung quanh, theo tôi, cha mẹ hoàn toàn không nên nóng vội hay thúc ép con mình học tiếng Anh. Có một số phụ huynh còn gửi con học IELTS từ cấp một.
Tất nhiên, là người đầu tư cho con em đi học, phụ huynh thường sốt ruột, muốn phải có kết quả rõ ràng, phản ánh bằng điểm số cụ thể. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng trẻ chỉ học tốt nhất khi chúng thấy thoải mái.
Cha mẹ thúc ép học nhiều quá sẽ gây ra phản ứng ngược, khiến đứa trẻ cảm thấy sợ học tiếng Anh. Cha mẹ hãy giúp con thích học tiếng Anh một cách chủ động.
Đầu tiên, hãy giúp con trải nghiệm thật nhiều và tìm ra lĩnh vực con đam mê, đó có thể là công nghệ, nghệ thuật, tự nhiên... Sau đó, hãy tạo điều kiện, giúp con tìm hiểu về đam mê của mình sâu hơn thông qua tiếng Anh - video, sách vở, website. Quá trình cùng tìm hiểu với con vừa giúp trẻ học tiếng Anh tốt và hăng say hơn, cha mẹ đồng thời cũng thấy “ghiền” và tự học được cái gì đó, dù ít hay nhiều.
Đồng ý là có những thời điểm chúng ta phải học thật tập trung để phục vụ mục đích cá nhân, ví dụ như du học hoặc xin việc. May mắn thay, tuổi thơ không phải một trong các thời điểm đó. Hãy để “mưa dầm, thấm lâu”, cho trẻ tiếp xúc tiếng Anh một cách tự nhiên, để trẻ em tự thấy được vẻ đẹp của ngoại ngữ, thay vì quá thuyết phục, uốn nắn các con.
Ứng dụng quan trọng hơn định nghĩa
- Thực hành là một phần quan trọng khi học tiếng Anh, giúp học sinh ghi nhớ lâu hơn thông qua các tình huống thực tế và có cảm xúc. Việc dạy và học tiếng Anh nói chung cần chú trọng điều này như thế nào? Là giáo viên, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc chia nhóm, đặt tình huống, thành lập câu lạc bộ, hội nhóm học tiếng Anh ra sao?
- Ai cũng biết học đi đôi với hành, nhưng đáng tiếc là phương pháp học tiếng Anh của nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là các bạn học sinh lại không tuân theo chân lý này.
Đơn cử là việc học từ, nhiều người ghi chép nắn nót các từ vào hai cột, cột thứ nhất là từ tiếng Anh và cột thứ hai là nghĩa tiếng Việt. Điều này hoàn toàn không giúp chúng ta hiểu sâu từ vựng.
Có những bạn khá hơn, đặt thêm một câu ví dụ, coi như là thực hành. Tuy nhiên, tự đặt ví dụ nhiều khi không hay, vì chúng ta đang dùng từ mới theo kiểu của mình, chứ không đúng kiểu của người bản ngữ.
Gọi là triết lý thì hơi quá, nhưng có một quan điểm mà tôi luôn chia sẻ với không chỉ học viên, mà còn các đồng nghiệp. Đó là ứng dụng luôn luôn quan trọng hơn định nghĩa.
Vậy nên, mỗi khi học kiến thức, từ vựng mới, chúng ta hãy dành thời gian tìm thật nhiều ví dụ về nó. Từ điển Anh - Anh có nhiều ví dụ tốt nhưng các bạn cũng nên tham khảo thêm ở báo chí. Tôi hay gõ từ vào Google News để xem báo chí dùng ra sao, phim ảnh thế nào... Ở trong lớp cũng như ở các sự kiện, tôi luôn muốn tương tác với người nghe.
Có lần, tôi nói về kiến thức ngữ pháp khá khô khan là tiền tố trong tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu cứ nói một mình thì chẳng ai vui và cũng không thấm được được gì, nên tôi giả học cách... mặc quần. Thông qua những động từ đơn giản như kéo khoá quần (zip your pants) và cởi khoá quần (unzip your pants), mọi người đều tự thấm được tiền tố “un-”.
Việc tạo cầu nối với người nghe, người học thông qua những điểm chung là điều tôi cũng đặt trọng tâm trong quá trình đào tạo giáo viên.
- Việc kết hợp giữa cách học truyền thống (trên lớp) và phương pháp hiện đại cùng Internet, smartphone có ý nghĩa, hiệu quả như thế nào với tiếng Anh?
- Bây giờ, nhiều người đã quen với cụm từ "cách mạng công nghệ 4.0", nhưng trên thực tế, tiếng Anh đã rất phát triển và được phổ cập rộng rãi kể từ cách mạng công nghệ 3.0, khi mọi thứ bạn cần, mọi nguồn tài liệu học tập và ôn luyên, bạn đều có thể tìm thấy trên mạng Internet, qua các thiết bị điện tử có kết nối mạng.
Các công nghệ mới này cho chúng ta rất nhiều lợi thế. Ví dụ, khả năng tra cứu nhanh; khả năng so sánh, kiểm chứng thông tin; khả năng học trên nhiều nền tảng (nghe - nhìn); khả năng xin sự trợ giúp từ các cộng đồng mạng...
Những lợi thế đó phục vụ cho việc tự học, chúng sẽ còn được phát huy tốt hơn nữa khi bạn có một giáo viên giúp mình có phương pháp học thông minh, không phí phạm thời gian và quan trọng là giữ được “lửa” trong quá trình học.
Chính vì thế, tôi và các đồng nghiệp luôn nỗ lực dành thời gian trong lớp không phải để nhồi càng nhiều kiến thức các tốt, mà là cho học sinh những kỹ năng để họ có thể dễ dàng áp dụng, biến hoá.