Shubham Yadav, chàng trai 20 tuổi người Ấn Độ, từng mô tả mình như một "du khách mạo hiểm".
Thay vì ngồi máy bay, anh đặt chân tới hơn 40 quốc gia, vượt hơn 55.000 km vòng quanh thế giới bằng cách "du lịch quá giang" trong chưa đầy 4 năm, theo VICE.
Trong vòng chưa đầy 4 năm, Shubham đặt chân tới hơn 40 quốc gia bằng cách "du lịch quá giang". Ảnh: Shepherd Traveller. |
Với một chiếc balo, 4 bộ quần áo, vài thiết bị quay phim và một chiếc lều, anh sống nhờ sự hỗ trợ từ người dân bản địa, các du khách khác trên hành trình.
Shubham được gọi bằng biệt danh "Shubham du mục", sở hữu một kênh YouTube có 1,69 triệu người theo dõi và đăng tải những đoạn clip chân thực về đời sống du lịch của mình.
Cuộc sống xê dịch
Trước mỗi chuyến đi, Shubham sẽ chuẩn bị visa, giấy tờ thông hành cần thiết, còn lại để mọi thứ khác "tùy theo cơ hội".
Anh từng ngồi bên lề đường nhiều ngày, chờ ai đó cho đi nhờ. Ở Kazakhstan, anh may mắn được thị trưởng thành phố giúp đỡ, đưa đến tòa thị chính để tham quan.
"Không biết bao lần tôi phải ngủ lại trạm xăng, trạm cứu hỏa, hay đồn cảnh sát. Tôi không bao giờ lập kế hoạch cho chuyến đi, chỉ thuận theo dòng đời. Nếu may mắn, sẽ có ai đó cho tôi tới nhà ngủ nhờ qua đêm", Shubham kể.
Shubham đi du lịch bằng đường bộ, xin người bản xứ cho quá giang và chỉ tiêu 6 USD/ngày. Ảnh: Shubham Yadav. |
Đôi khi, anh cũng tìm đến Couchsurfing, trang web kết nối du khách với người dân địa phương hay tình nguyện viên bản xứ, để tìm chỗ nghỉ chân.
Shubham đặt hạn mức chi tiêu hàng ngày là 6 USD, kiếm tiền từ việc dạy học trực tuyến và kênh YouTube cá nhân.
Chia sẻ với VICE, chàng trai người Ấn Độ cho biết chỉ 4 năm trước, anh khó tưởng tượng rằng mình sẽ có cuộc sống như hiện tại.
Năm 2017, khi Shubham còn là cậu học sinh 16 tuổi đến từ một ngôi làng nhỏ, anh đã đăng ký cho lớp huấn luyện ở thành phố lớn để chuẩn bị thi vào các trường cao đẳng danh tiếng nhất ở Ấn Độ.
Vốn là con trai của một giáo viên, anh nghĩ rằng mình cần học hành chăm chỉ, chú tâm làm việc và tiết kiệm tiền để đi du lịch thế giới.
Mọi thứ thay đổi sau khi anh bắt gặp video "Du lịch thế giới mà không cần tiền" từ vlogger du lịch Tomislav Perko trên TEDx, giới thiệu hình thức "du lịch quá giang".
"Tôi chưa bao giờ đi đâu xa cho tới thời điểm đó. Tôi không biết du lịch quá giang là gì, có thể đi bao xa nhờ nó nhưng vẫn quyết định thử", anh kể.
Ngay sau đó, Shubham có chuyến thám hiểm đầu tiên đến bang Rajasthan, thành phố cách nơi anh sống hơn 673 km, và đi nhờ xe từ Kota đến Jaisalmer.
"Tôi chưa bao giờ cảm thấy háo hức như vậy suốt cuộc đời mình. Sau chuyến đi đầu tiên, tôi biết mình không thể dừng lại".
Trải nghiệm
Tới nay, Shubham liên tục trải nghiệm cuộc sống xê dịch ở nhiều quốc gia với chi phí giảm tới mức tối thiểu.
"Tôi muốn xem mình có thể đi được bao xa mà không cần đến máy bay, vốn khiến du khách phải chi một khoản không nhỏ. Tôi đi từ Ấn Độ tới Bangladesh, Myanmar, Azerbaijan, Mông Cổ, Nam Phi, Kazakhstan, thậm chí cả Nga chỉ bằng đường bộ".
Năm ngoái, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến Shubham mắc kẹt ở Azerbaijan suốt vài tháng. Anh cũng không thể xin visa tới Iraq - đất nước Shubham luôn mơ được đặt chân tới từ khi còn nhỏ.
Dù gặp trở ngại, Shubham vẫn muốn tiếp tục lên đường vì cuộc sống xê dịch khiến anh có nhiều trải nghiệm đáng nhớ hơn.
Cuộc sống xê dịch đem lại cho Shubham nhiều bài học và trải nghiệm đáng nhớ. Ảnh: Shubham Yadav. |
Chàng trai 20 tuổi kể với VICE rằng anh nhận ra rào cản ngôn ngữ đã đẩy anh vào nhiều tình huống "nhầm lẫn thú vị".
"Tôi không thể học tất cả ngôn ngữ, vì thế phải dựa vào Google dịch. Khi lên tàu ở Mông Cổ, tôi cố gắng nhờ người soát vé lấy cho một chiếc thìa, gọi là 'chammach' trong tiếng Hindi. Thế nhưng, ứng dụng lại hiện thành 'chumma' (hôn)", anh cười.
Bên cạnh những trải nghiệm đáng nhớ, Shubham không ít lần rơi vào tình huống nguy hiểm.
"Có lần ở Oymyakon (Nga), nơi lạnh nhất trên thế giới có người sinh sống, tôi cứ đứng chờ quá giang trong tiết trời âm 60 độ C. Tôi may mắn nhờ được một tài xế xe tải, nhưng bánh xe lại xịt lốp khi đang đi trên con đường trơn. Chúng tôi gần bị tê cóng khi thay lốp", Shubham kể.
Dù chưa bao giờ bị cướp hay tấn công khi đi đường, anh thừa nhận rằng việc bản thân là nam giới cũng giúp chuyến đi an toàn hơn.
"Tôi thường di chuyển vào ban đêm, điều mà nhiều du khách là nữ khá dè chừng. Tôi từng bị quấy rối tại Thái Lan, nhưng vẫn an toàn hơn so với phụ nữ. Điều này thật đáng buồn".
Anh cũng nói thêm rằng khái niệm "du lịch quá giang" vẫn còn xa lạ ở nhiều nước. Người dân bản xứ có thể lầm tưởng anh đang chào hàng họ khi cầm một tấm biển xin đi nhờ xe.
Thậm chí, họ cũng tỏ ra lo lắng, thận trọng về cách anh tiếp cận và báo cảnh sát.
Bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra, Shubham tin mọi trải nghiệm đều đem lại bài học quý giá.
"Tôi nghĩ khi du lịch như thế này, bạn sẽ nhận ra chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác biệt. Hình thức 'quá giang' dạy ta rằng không bao giờ là quá muộn để khám phá thế giới, bất kể bạn đến từ đâu hay có bao nhiêu tiền", anh nói.