Từ nhỏ, Đinh Quang Huy (sinh năm 1991) đã dành niềm yêu thích cho các món đồ chơi, trang trí làm thủ công. Đến năm 2011, anh biết đến nghệ thuật cắt giấy kirigami qua các forum trên mạng. "Ban đầu, mình đi xin các mẫu đơn giản để tập làm, ví dụ như thiệp, sau đó đến các hình to hơn. Vì giấy in ở quán photocopy xấu và mủn, mình đi Hà Nội tìm mua bằng được chỗ bán giấy chất lượng để làm", Quang Huy kể với Zing. |
Dần dần, Huy nắm được kỹ thuật cắt giấy sao cho đều, đẹp và tạo được họa tiết như mong muốn. Sau đó, chàng trai Hải Phòng tìm tòi thêm nhiều loại hình handmade khác như origami 3D, quilling (tranh giấy xoắn), quilling 3D, khắc lá, string art (tranh chỉ - đinh), khắc vỏ trứng... tất cả đều là anh tự học, rút kinh nghiệm. |
Quang Huy còn làm các sản phẩm lưu niệm, đồ chơi thân thiện với môi trường bằng lá, chủ yếu là hình động vật. "Nhiều người hay đan cào cào, chuồn chuồn bằng lá dừa nước non nhưng mình thấy cách đó bị hạn chế, không đan được nhiều con vật. Mình tự nghiên cứu, cải tiến để đan được nhiều mẫu hơn". |
Tuy nhiên, với các sản phẩm có nguyên liệu từ thiên nhiên, Quang Huy cho biết vấn đề khó nhất là bảo quản. Có lần, dù đã luộc, sấy rồi sơ chế kỹ, nhiều mẫu làm từ lá cọ của anh bị mốc khi gặp thời tiết nồm ẩm. |
Với loại hình khắc lá, khâu quan trọng lại nằm ở xử lý, sao cho để giữ được nguyên vẹn các đường gân mà vẫn tạo được hình mong muốn. Sau nhiều lần nghiên cứu, Quang Huy rút ra kinh nghiệm là luộc lá để có thể tách diệp lục ra mà không cần chờ ngâm lá 2 tháng như thông thường. |
Chàng trai sinh năm 1991 dành nhiều sự yêu thích cho các sản phẩm có kích thước nhỏ, đôi khi chỉ từ 1 đến 3 cm. Đối với anh, làm được một món đồ handmade kích cỡ bình thường đã khó, làm phiên bản nhỏ càng không đơn giản vì phải tỉ mỉ, cẩn thận để sản phẩm vẫn giữ được độ sắc nét, sống động. Để tránh bám bụi, một số sản phẩm quilling 3D được Quang Huy bảo quản trong lọ thủy tinh. |
"Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lúc ăn hạt óc chó xong thì thấy vứt vỏ đi rất phí nên nảy ra ý tưởng tái chế. Sau khi cạo lớp sần bên trong, mình sơn, gắn chi tiết trang trí và bản lề siêu nhỏ để có thể mở ra, đóng lại. Ngoài ra, mỗi sản phẩm đều được gắn đèn, khi mở ra sẽ phát sáng, trông rất đẹp", Huy chia sẻ. |
Một trong những sản phẩm kỳ công nhất của Quang Huy là chú công giấy, được ghép từ gần 1.500 chi tiết. Tốn nhiều thời gian, cần sự cẩn thận, tỉ mỉ, vì vậy đối với chàng trai đất cảng, làm đồ handmade cần nhiều đam mê, chịu khó. |
Nhờ những sản phẩm sáng tạo, đẹp mắt, Quang Huy nhận được nhiều sự quan tâm từ những người yêu đồ handmade. Một số người nước ngoài biết đến anh qua mạng xã hội còn đặt hàng làm các sản phẩm từ giấy theo yêu cầu. "Mình chủ yếu làm vì đam mê, không đặt nặng chuyện kinh doanh. Hy vọng qua những sản phẩm của mình sẽ có ngày càng nhiều người biết đến và dành sự yêu mến các loại hình nghệ thuật này", anh chia sẻ. |