Những chiếc bánh sữa của bà
Sinh ra ở xã miền núi Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), tuổi thơ của Trường gắn liền với vị ngọt ngào từ những chiếc bánh sữa của bà ngoại. Quê anh chủ yếu là đồi núi, đời sống người dân vô cùng khó khăn, nên Trường ấp ủ giấc mơ đỗ đạt để thoát khỏi cái nghèo. Năm đó Trường trượt đại học Văn hóa vì thiếu nửa điểm. Đúng lúc ấy người bác họ khuyên anh đi học nghề để sau này bác xin vào công tác tại nhà máy trong quân đội.
"Lời đề nghị của bác vô cùng hấp dẫn với mình. Vì lúc đó, mình vừa trượt đại học, không biết đi đâu, làm gì, muốn học nghề phải vào tận trong Nam. Nghĩ đến cảnh xa gia đình, xa quê hương mình chùn bước và quyết định ở nhà" - Trường kể.
Gia đình anh rất nghèo. Bố là công nhân, mẹ làm ruộng phải nuôi ba chị em ăn học, nên Trường đành tìm việc nuôi sống bản thân. Sau rất nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng anh xin được một chân bán hàng cho nhà phân phối sữa cô gái Hà Lan. Với chiếc xe máy cũ, Trường phải đi hết các cửa hàng, đại lí của các huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) để chào hàng.
Đào Công Trường (bên trái) cùng công nhân kiểm tra chất lượng làm bánh sữa Ba Vì. |
"Đi mấy chục cây số mỗi ngày khiến mình gầy rộc đi. Tuy nhiên, những lúc khó khăn đó mình nhớ đến vị ngọt ngào từ những chiếc bánh sữa của bà ngoại. Mình thương bà vất vả, cực nhọc làm ra những chiếc bánh mà chỉ bán quanh vùng" - Trường tâm sự.
Vì thế, khi đi bán hàng sữa anh tranh thủ giới thiệu luôn về bánh sữa, đặc sản quê nhà. Nơi nào cần mua, anh gọi điện về để cậu và bà ngoại chuyển hàng xuống. Và Trường bỗng nảy ý tưởng về quê thành lập xưởng sản xuất bánh sữa. Nhưng trước khi thực hiện điều đó anh muốn trang bị đầy đủ kiến thức cho bản thân. Vì vậy, ngày đi chào hàng, tối về anh miệt mài ôn bài để quyết thi đậu vào khoa Kế toán của Viện đại học mở Hà Nội.
Ông chủ có doanh thu 10 tỷ/năm
Sau 5 năm vừa học vừa làm, Trường về quê Tản Lĩnh lập nghiệp. Được sự ủng hộ, giúp sức của gia đình anh mạnh dạn vay thêm vốn làm ăn. Năm 2007, có 50 triệu đồng, anh đầu tư xây dựng một xưởng sản xuất bánh sữa lấy tên Bánh sữa Trường Vũ. Công việc không hề đơn giản. Anh lao vào sản xuất bánh sữa hàng loạt nhưng đầu ra lại gặp nhiều khó khăn.
"Mình đi hết các huyện của Hà Nội sang cả Vĩnh Phúc chào hàng nhưng mang đi 10 thùng bánh chỉ bán được 1-2. Bánh ế không dám đem về nhà mà phải nói dối mọi người trong gia đình là đã bán hết hàng để họ yên tâm sản xuất" - Trường cho biết.
Kinh doanh theo “vết dầu loang”, nỗ lực hết mình sau 2 năm, Bánh sữa Trường Vũ mới dần có chỗ đứng trên thị trường. Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, anh tiếp tục đầu tư vốn, nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm được chế biến từ sữa như: Bánh sữa, sữa tươi tiệt trùng, sữa chua, caramen, bánh quế… Đồng thời thành lập Công ty cổ phần Bánh sữa Ba Vì trên diện tích 2.300 m2, vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Trong đó 1 tỷ đồng từ số tiền tích cóp của 2 năm đầu sản xuất bánh sữa; 1 tỷ đồng là vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ khuyến nông thành phố Hà Nội.
Xác định chữ tín trong sản xuất kinh doanh và tiêu chí “mang lại những sản phẩm từ nguồn sữa sạch và chất lượng tới người tiêu dùng”, Trường chú trọng duy trì các trạm thu mua sữa tươi trực tiếp từ các trang trại bò sữa. Anh tích cực hợp tác với Trung tâm chăm sóc sức khỏe vật nuôi để hướng dẫn, giúp đỡ nông dân chăm sóc đàn bò để đảm bảo chất lượng và sản lượng sữa cao nhất, đồng thời phối hợp với Trung tâm khuyến nông thành phố Hà Nội, đứng ra làm người bảo lãnh cho hộ nông dân vay vốn lãi suất thấp để tăng đàn bò, phát triển kinh tế, tạo thành vùng chăn nuôi đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Vì thế, các sản phẩm từ sữa của Công ty cổ phần Bánh sữa Ba Vì ngày càng tăng. Mỗi năm công ty cho tổng doanh thu lên tới 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 35 lao động tại địa phương, thu nhập của mỗi công nhân từ 3-10 triệu đồng/tháng và mang lại thu nhập cao, ổn định cho hơn 100 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa trong vùng.
Lấy thất bại của người khác làm bài học cho mình
Trường luôn tự hào trên bước đường thành công của anh có sự hỗ trợ đắc lực của bố. Ông còn là thầy, là người bạn sáng suốt song hành cùng anh qua từng chặng đường. Khi Trường chệch choạc hoặc sa đà quá nhiều vào vấn đề nào đó, bố lập tức nhắc nhở, phân tích và khuyên thấu tình, đạt lý.
Ngoài ra ông còn làm quản lí, phân tích thị trường, nên Trường vô cùng yên tâm theo đuổi những đam mê của mình. Để có các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, không ít lần Trường phải bỏ tiền đầu tư thử nghiệm những sản phẩm mới. Nhiều sản phầm đầu tư nhiều tiền nhưng lại chẳng thể sử dụng nhưng anh vẫn làm và coi đó là những bài học xương máu để rút kinh nghiệm.
"Với bất kì một người nào khi lập nghiệp sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thất bại rồi mới thành công. Mình luôn biết lấy thất bại của người khác làm bài học cho mình. Quá trình làm mình phải vừa sản xuất vừa học hỏi để sản phẩm ngày càng chất lượng" - Trường cho biết.
Trường vừa chính thức nhậm chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Tản Lĩnh nhiệm kì 2014-2019. Với anh đây vừa là sự tin tưởng, tín nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong xã đối với các hoạt động Đoàn - Hội đã tham gia vừa là thách thức để làm sao giúp được nhiều thanh niên làm giàu trên quê hương. Anh bảo, đây là cơ hội để anh góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương miền núi Tản Lĩnh, nâng cao thương hiệu sữa Ba Vì và khẳng định sức trẻ dám nghĩ, dám làm của thanh niên quê mình.