Bùi Đức Tùng, sinh năm 1991, hiện là sinh viên ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội được nhiều người đặt cho nickname là “thợ xăm có nhiều hình xăm nhất”. Hiện tại, Tùng đã sở hữu trên người hơn 20 hình xăm lớn nhỏ tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
Bùi Đức Tùng. |
Tự ôn, thi đỗ đại học trong thời gian ngắn
Từ bé, bố mẹ đã muốn Tùng trở thành công chức nhà nước nên rất khắt khe trong việc chọn trường học, nghề nghiệp tương lai cho con trai. Đam mê vẽ và có ít thành tích khi đạt giải thưởng ở trường, Tùng lại chủ trương hướng mình theo con đường nghệ thuật. Tuy nhiên, chàng trai này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình.
Những năm phổ thông, Tùng theo sự sắp xếp của bố mẹ theo học trường Học viện Thanh thiếu niên, trường chuyên đào tạo cán bộ Đoàn. Vừa học, Tùng vừa theo đuổi đam mê bằng cách lén mua dụng cụ vẽ và tham gia một lớp học vẽ xa nhà. “Để có tiền đóng học phí ở lớp vẽ, mình phải kiếm việc làm thêm. Hồi đó, mình thường cuộc bộ 5km để đến lớp học và chưa có ý định nghỉ buổi nào” - Tùng nhớ lại.
Khi phát hiện ra việc con trai lén lút học vẽ, bố mẹ Tùng đã rất tức giận và kiên quyết ngăn cản. Tuy nhiên, chàng trai này đã lấy hết can đảm và bày tỏ với bố mẹ về đam mê thật sự của mình. “Không hiểu lúc đó mình lấy đâu ra nhiều can đảm như thế, nói 1 lèo khiến bố mẹ chỉ kịp nghe chứ không kịp phản ứng gì. Mình cũng nói về ý định sẽ thi vào ĐH Mỹ thuật công nghiệp sau khi hoàn thành xong chương trình học ở HV Thanh thiếu niên”.
Để được học vẽ, Tùng đã giấu bố mẹ và tự kiếm tiền trang trải học phí. |
Trước thái độ thành khẩn và chân thành của Tùng, bố mẹ quyết định cho Tùng một tháng thử thách. Sau một tháng, nếu Tùng không đỗ vào trường Mỹ thuật thì bố mẹ sẽ xin cho Tùng một công việc ở phường. Kì tích đã đến khi Tùng thi đổ vào trường Mỹ thuật với số điểm khá cao. Chưa hết, trong một tháng thử thách, toàn bộ kiến thức đều được chàng trai tự mày mò ôn luyện.
Tùng chia sẻ: “Bố mẹ mình rất bất ngờ và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ khi chứng kiến những thành công nho nhỏ của mình. Bố mình từng là người rất khó tính nhưng bây giờ mình thấy bố đã thay đổi rất nhiều, nhiều lúc mình đang vẽ bố còn lên ngắm và khen những tác phẩm của mình”.
Từ yêu thích đến việc trở thành thợ xăm thu nhập khủng
Đam mê vẽ vời nên những hình xăm cũng là điều cuốn hút với chàng trai 9x đời đầu. Những họa tiết đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều thông điệp về nghệ thuật dần khiến chàng mê mẩn. Tùng quyết định xăm hình năm lớp 12, biết bố mẹ không chấp nhận việc con cái xăm hình, Tùng đã che dấu rất kĩ sở thích của mình.
Tùng kể: “Lần đầu tiên bố mẹ phát hiện ra những hình xăm của mình do vô tình xem được những tấm hình mình mặc đồ ngắn tay có lộ ra nhiều hình xăm. Bố mẹ rất bất ngờ, lên phòng hỏi câu đầu tiên: xăm có xóa được không con?
Mình trả lời có thể xóa được, nhưng con không muốn xóa nó. Cuộc nói chuyện cũng bớt căng thẳng hơn khi bố mẹ dần hiểu ra việc xăm hình không phải để thể hiện hay đua đòi theo bạn bè mà nó còn rất ý nghĩa. Mình cũng thật sự bất ngờ trước phản ứng của bố mẹ. Gần như họ đồng ý và hiểu câu chuyện của mình”.
Đam mê và ấp ủ việc theo đuổi nghề xăm cách đây 3 năm, nhưng thời gian đó chưa có điều kiện để học và làm việc. Một năm trở lại đây Tùng mới bắt đầu học việc để trở thành một thợ xăm chuyên nghiệp.
Thời gian học nghề cũng là thời gian căng thẳng và áp lực nhất với Tùng vì phải cân đối thời gian học trên lớp đại học. Công việc hàng ngày của Tùng là đến quan sát và tập luyện xăm trên ma-nơ-canh. Chàng trai chia sẻ: “Lúc đầu mới làm quen công việc tưởng dễ nhưng bắt tay và mới thấy thật sự khó khăn vì vẽ là đưa bút đi trên mặt phẳng. Còn xăm là đưa máy xăm (cũng là một loại bút) nhưng trên các loại mặt gồ ghề của da. Vì da người bình thường có rất nhiều góc và bề mặt khó xăm. Nhất là trong những vùng nách, cổ, xương sườn…
Lúc đó, mình cảm tưởng như đang học vẽ lại từ đầu. Những nét xăm đầu tiên rất nghệch ngoạc, nhưng càng ngày tay càng chắc và cố gắng hơn nét xăm cũng thẳng và uốn lượn mềm mại hơn nhiều. Mình đã làm quen với hội họa 1 thời gian nên khi vào làm xăm công việc cũng khá dễ dàng và nhanh chóng”.
Lượng khách của Tùng ổn định và tăng dần đều, thu nhập mỗi tháng của chàng trai này dao động từ 30 đến 40 triệu đồng. Quan niệm mỗi hình xăm gắn liền với cả cuộc đời mỗi người nên khi làm việc, Tùng rất thận trọng, không để xảy ra tai nạn nào với khách hàng.
Không chỉ xăm hình, chàng trai này còn làm thêm nhiều nghề như dạy vẽ, làm người mẫu cho các shop thời trang. Số tiền kiếm được, Tùng dành để tự trang trải cho cuộc sống của mình.